Tối 23-5, vở “Bệnh sĩ” của cố tác giả Lưu Quang Vũ được Nhà hát Kịch Việt Nam chọn để diễn trong ngày ghi dấu sự trở lại của sân khấu kịch Thủ đô tại Nhà hát Lớn. Tham gia biểu diễn là các nghệ sĩ nổi tiếng của Nhà hát Kịch Việt Nam như: NSND Việt Thắng, NSƯT Xuân Bắc, NSƯT Phú Đôn...
“Bệnh sĩ” của tác giả Lưu Quang Vũ là một trong những tác phẩm thành công nhất của Nhà hát Kịch Việt Nam. Kịch bản “Bệnh sĩ” là một trong những kịch bản nổi tiếng nhất và cũng được biết đến là tác phẩm hài kịch duy nhất trong sự nghiệp sáng tác của tác giả Lưu Quang Vũ. “Bệnh sĩ” từng được Nhà hát Kịch Việt Nam biểu diễn khoảng 300 đêm trong cả nước. Lựa chọn “Bệnh sĩ” để “khởi động lại”, NSƯT Xuân Bắc, Phó giám đốc phụ trách Nhà hát Kịch Việt Nam, chia sẻ: “Chúng tôi muốn diễn lại vở “Bệnh sĩ” để tạo bầu không khí thật vui vẻ cho khán giả”.
Sau một thời gian dài tạm nghỉ, các nghệ sĩ rất muốn được trở lại sân khấu. NSƯT Xuân Bắc cho biết: “Thời gian qua, nghệ sĩ luôn mong mỏi sân khấu sáng đèn trở lại. Họ muốn được trình diễn, không chỉ vì đó là công việc nuôi sống họ mà hơn cả là vì ngọn lửa đam mê luôn cháy trong mỗi người nghệ sĩ”. Anh cũng tin tưởng: “Sự háo hức của khán giả sau một thời gian xa cách sân khấu sẽ có tác động tới chúng tôi, khiến chúng tôi thăng hoa hơn”.
    |
 |
Khán giả đến kín rạp Nhà hát Lớn khi "Bệnh sĩ" trở lại. |
Chính vì vậy, để tạo điều kiện cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật có “sức bật” khi trở lại sau dịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các nhà hát của bộ. Theo ông Nguyễn Thái Bình, Chánh văn phòng bộ, hiện nay, rất nhiều đơn vị trực thuộc bộ đã mua vé ủng hộ đêm diễn mở màn của Nhà hát Kịch Việt Nam. Sự hỗ trợ này phần nào giúp giải quyết khó khăn trước mắt cho các nhà hát, đặc biệt là trong việc kéo khán giả trở lại với thói quen đến rạp xem biểu diễn nghệ thuật trực tiếp.
Tiếp sau vở “Bệnh sĩ”, khán giả Thủ đô có dịp thưởng thức nhiều tác phẩm chất lượng khác như vở “Cướp biển” của Liên đoàn Xiếc Việt Nam (tại Rạp Xiếc Trung ương); chương trình “Mặt trời phương Đông” của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam (Nhà hát Âu Cơ); vở “Vân dại” của Nhà hát Chèo Việt Nam (Nhà hát Chèo Kim Mã); vở “Thân phận nàng Kiều” của Nhà hát Múa rối Việt Nam (tại Nhà hát Lớn Hà Nội); “Tháng 6 trời mưa” của Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam (Nhà hát Lớn Hà Nội); vở “Chuyện tình Khau Vai” của Nhà hát Cải lương Việt Nam (Nhà hát Lớn Hà Nội)...
Lưu Quang Vũ đến với sân khấu vào thập niên 1980. Trong khoảng thời gian gần 10 năm, anh đã sáng tác được hơn 50 vở kịch và được đánh giá là “nhà viết kịch xuất sắc của thời kỳ hiện đại”.
Kịch là nơi Lưu Quang Vũ có thể bộc lộ trực tiếp hơn những khám phá và nhận thức của anh, là nơi anh có thể đóng góp được một cách trực tiếp và tích cực hơn cho cuộc sống. Lưu Quang Vũ đến với sân khấu đúng vào lúc sân khấu đang có những đòi hỏi khẩn thiết. Rất nhiều giá trị cũ đã được định lại. Dòng hiện thực phức tạp bội phần ấy đã dội vào đời sống văn học-nghệ thuật những con sóng dữ dội và mới mẻ. Mẫn cảm nghệ sĩ và ý thức công dân đã thôi thúc Lưu Quang Vũ viết nên những vở kịch chứa đựng nhiều vấn đề nóng bỏng của đời sống. Và anh đã cùng với một số tác giả khác làm nên một giai đoạn sân khấu cực kỳ sôi động khó có thể lặp lại trong một quãng thời gian dài, chí ít là đến tận hôm nay.
Lưu Quang Vũ là một nhà viết kịch tài năng. Điều này không chỉ được bộc lộ ở một số lượng tác phẩm lớn mà còn thể hiện ở chất lượng của sự phản ánh.
Hướng ngòi bút của mình về cuộc sống, kịch Lưu Quang Vũ đã góp một tiếng nói thiết thực vào công cuộc đổi mới đất nước. Anh đã chứng tỏ một sự nhạy cảm đặc biệt, một khả năng phát hiện, nắm bắt cái “lõi” của hiện thực để phản ánh. Ngòi bút của anh đã xông vào hầu hết mọi ngõ ngách của cuộc sống cũng như tâm hồn của con người. Anh không hạn chế mình trong bất cứ loại đề tài nào bởi ở đâu anh cũng phát hiện ra vấn đề để bàn luận, trao đổi. Trong kịch của anh có mặt nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực cuộc sống khác nhau. Từ đề tài công nghiệp (Tôi và chúng ta, Khoảnh khắc và vô tận, Quyền được hạnh phúc, Nếu anh không đốt lửa) đến đề tài nông nghiệp (Bệnh sĩ). Từ ngành y tế (Nguồn sáng trong đời, Vi khuẩn Hanxen) đến ngành giáo dục (Mùa hạ cuối cùng, Tin ở hoa hồng), từ hậu phương đến tiền tuyến (Lời thề thứ chín, Điều không thể mất), từ chiến tranh đến hòa bình, từ thành thị đến nông thôn... tất cả đều được hiện lên trong kịch Lưu Quang Vũ với một ý nghĩa xã hội sâu sắc. Kịch Lưu Quang Vũ là tiếng nói phản ánh cuộc sống đang diễn ra với một hiện thực tươi mới, gần gũi. Anh có khả năng biến những chi tiết đời thường thành những điển hình nghệ thuật để tăng thêm sự hấp dẫn cho tác phẩm.
Bằng cách ấy, anh đã đáp ứng được yêu cầu phản ánh và lý giải những vấn đề nóng bỏng, quan thiết của xã hội.
“Bệnh sĩ” lần đầu tiên ra mắt khán giả cách đây đã hơn 30 năm. Vở diễn tập trung phê phán thói háo danh, giả dối, sĩ diện hão, bệnh thành tích, chủ quan, duy ý chí đã được công chúng ngày đó đón nhận nồng nhiệt. Những vấn đề của thời bao cấp đã qua nhưng cho đến hôm nay vẫn còn nguyên tính thời sự nóng hổi. Thời gian vở diễn ra đời năm 1987, cũng là thời điểm thực tế cuộc sống đã bộc lộ tất cả những mâu thuẫn gay gắt giữa một bên là yêu cầu đổi mới, hoàn thiện, phát triển với một bên là những cái lỗi thời, lạc hậu, không còn phù hợp nữa. Tình thế hài kịch đã làm xuất hiện kiểu người như Toàn Nha, Văn Sửu vừa đáng thương, vừa đáng phê phán một cách nhẹ nhàng, hóm hỉnh. Theo cách nói của Karl Marx thì thái độ phê phán đối với cái hài là cách để loài người “từ biệt một cách vui vẻ với quá khứ của mình”. Với vở “Bệnh sĩ”, Lưu Quang Vũ không chỉ dừng lại ở những sự việc, những con người, những địa phương riêng lẻ mà anh đã khái quát được một tuýp người háo danh, giả dối, thích phô trương, một kiểu quan niệm, một cung cách làm ăn đã trở thành một căn bệnh trầm kha, kìm hãm sự phát triển của cuộc sống.
Sự thành công của “Bệnh sĩ” có ý nghĩa quan trọng đối với tác giả. Một mặt nó chứng tỏ bản lĩnh nghệ sĩ và những mẫn cảm nghệ thuật nhạy bén nơi anh về cách nhìn nhận, lý giải nhân tố con người trong quá trình vận động của cuộc sống. Mặt khác, ra đời một cách đúng lúc, khi khán giả đang đòi hỏi những món ăn tinh thần mới lạ, “Bệnh sĩ” đã tham gia tích cực vào tiến trình phát triển của xã hội bằng chính sự nhận thức, phân tích, lý giải và phê phán cuộc sống bằng những tiếng cười sảng khoái, có tính chất thanh lọc.
Đêm diễn trở lại của “Bệnh sĩ” thực sự là một bữa tiệc của cảm xúc, các nghệ sĩ thăng hoa, cháy hết mình trong từng nhân vật, khán giả say mê, vỗ tay nồng nhiệt chào đón từng lời thoại tâm đắc. Sau đêm diễn, nhiều khán giả còn nán lại bắt tay, xin chụp ảnh cùng các diễn viên. NSƯT Xuân Bắc (đóng vai Văn Sửu) cho biết: “Tôi chinh chiến đã nhiều, nhưng hôm nay nhìn xuống khán phòng, tôi phải cố kìm nén cảm xúc để không òa khóc”. Một khán giả cho biết: “Mặc dù bây giờ các phương tiện thông tin nghe nhìn có phần lấn át, nhưng đến với sân khấu, được giao lưu, tương tác trực tiếp với các nghệ sĩ vẫn là niềm hạnh phúc vô bờ, làm phong phú hơn đời sống tinh thần của mỗi người”. Có thể nói, vở “Bệnh sĩ” đã làm được việc nhóm lửa cho đời sống sân khấu, thắp sáng ngọn lửa say mê cho nghệ sĩ sau thời gian bị buộc xa rời sàn diễn.
PGS, TS LƯU KHÁNH THƠ