QĐND - Mảng đề tài lịch sử trong mỹ thuật Việt Nam chiếm một vị trí quan trọng, trong đó Lực lượng vũ trang-Chiến tranh cách mạng (LLVT-CTCM) luôn là một chủ đề lớn. Hiện thực cách mạng là nguồn cảm hứng bất tận trong sáng tác của các nghệ sĩ. Trong nhiều năm qua, các cơ quan như: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Tổng cục Chính trị (TCCT) Quân đội nhân dân Việt Nam... đã hết sức chú trọng đề tài này. Các tác phẩm xuất sắc được chọn trưng bày tại các triển lãm lớn của Nhà nước, Hội Mỹ thuật, là sưu tập của Hội Mỹ thuật, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
|
Tác phẩm “Bác Hồ đi chiến dịch” (chất liệu đồng) của Nguyễn Phú Cường (Hà Nội). |
Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức đã có 409 tác phẩm của 407 tác giả trưng bày (được chọn lọc trong số 4.076 tác phẩm của 2.002 tác giả ở 63 tỉnh, thành phố). Bên cạnh tranh, tượng thể loại sinh hoạt, chân dung, phong cảnh, tĩnh vật... và một số hình thức nghệ thuật thị giác như sắp đặt, video art thì tranh đề tài LLVT-CTCM chiếm vị trí lớn. Có 55 tác phẩm, chiếm khoảng 15% tác phẩm triển lãm, đoạt 2/38 giải thưởng. Đó là tác phẩm tượng đài “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” của nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng (Đà Nẵng) đoạt Huy chương Vàng, “Tổ quốc gọi” (lụa) của họa sĩ Lê Thị Kim Bạch (Thành phố Hồ Chí Minh) đoạt Giải khuyến khích. Tác phẩm “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” lấy nguyên mẫu mẹ Nguyễn Thị Thứ, quê huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Mẹ có 9 con ruột, 1 con rể, 1 cháu ngoại tham gia chiến đấu và hy sinh. Đây cũng là hình ảnh tượng trưng của người phụ nữ Việt Nam nhân hậu và giàu đức hy sinh. Bức tượng được phản chiếu trên hồ nước càng tăng sự hoành tráng.
|
Tác phẩm “Thời hoa lửa” (chất liệu đá) của Lê Lạng Lương (Hà Nội). |
|
Tác phẩm “Hoa cát” (chất liệu acrylic) của Lê Ngọc Long (Hà Nội). |
Hình tượng trong bộ tranh “Tổ quốc gọi” được họa sĩ Kim Bạch tìm tòi từ nhiều năm. Hình ảnh những người phụ nữ trong tranh thể hiện sự ác liệt của chiến tranh, tuy phải chịu đựng sự cô đơn, hy sinh nhưng khi Tổ quốc cần, họ biết chấp nhận và tin tưởng ở thắng lợi ngày mai. Bức tranh như nhắc nhở chúng ta về một quá khứ hào hùng của những con người chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc. Hình tượng mặt trời, mặt trăng có tính tượng trưng, khái quát. Các tác phẩm làm người xem như lắng lại cảm xúc.
Các bức tranh, tượng đề tài LLVT-CTCM trong Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam năm 2015 thể hiện các góc nhìn lịch sử khá phong phú. Phương pháp sáng tác là hiện thực, tượng trưng, biểu hiện. Các nghệ sĩ cố gắng tìm tòi để làm mới, làm đa dạng cách thể hiện vấn đề, như: “Hẹn ngày thắng lợi” (2011-sơn dầu) của Ngân Chài, “Bàn tay ta làm nên tất cả” (2014-sơn dầu) của Đỗ Chung, “Trường Sơn huyền thoại” (2015-sơn dầu) của Trương Minh Dự, “Đứa con trung đoàn (2014-acrylic) của Lê Trí Dũng, “Tân Trào 16-8-1945” (2015-sơn khắc) của Nguyễn Nghĩa Duyện, “Trận La Ngà 1-3-1948” (2013-sơn dầu) của Huỳnh Phương Đông, “Chiến đấu trong thành phố” (sơn khắc-2015) của Nguyễn Đức Hà, “Bác Hồ và Tướng Giáp” (2015-sơn mài) của Trần Vũ Hoàng…
|
Tranh lụa “Tổ quốc gọi” của Lê Thị Kim Bạch (TP Hồ Chí Minh). |
Để nuôi dưỡng, tạo cảm hứng, tạo điều kiện về vật chất và tinh thần cho các họa sĩ, nhà điêu khắc sáng tác trong nhiều năm, TCCT (Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam), Bộ Quốc phòng đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm), Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức các đợt vận động sáng tác, trại sáng tác. Những đợt đi thực tế hàng năm đã tạo điều kiện cho sự chuẩn bị sáng tác có tầm chiến lược, mục đích là tạo ra các tác phẩm tốt, có chiều sâu tư tưởng, mang tầm thời đại. Triển lãm tác phẩm đề tài “LLVT-CTCM-sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” toàn quốc 2009-2014 được tổ chức tháng 11-2014 là một thắng lợi, với nhiều tác phẩm có chất lượng. Gần đây, trại sáng tác (từ ngày 2-10 đến 25-11-2015) đã mở đầu cho cuộc vận động sáng tác 2015-2019. Khác các trại sáng tác trước là quy tụ các nghệ sĩ cả nước tập trung tại các nhà sáng tác của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lần này Ban tổ chức chỉ tổ chức hai ngày đi thực tế ở ATK Định Hóa (Thái Nguyên), ATK Tân Trào (Tuyên Quang). Đề tài tập trung vào chủ đề những trận đánh lớn, chiến dịch nổi tiếng trong lịch sử quân sự Việt Nam hoặc sự kiện lịch sử tiêu biểu. 29 tác phẩm (các chất liệu sơn dầu, acrylic, sơn mài, lụa, khắc gỗ...) được nghiệm thu, trong đó, 7 tranh vẽ về các trận đánh nổi tiếng trong lịch sử, 13 tác phẩm về đề tài kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. 9 tác phẩm chất lượng tốt sẽ được Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam mua để trưng bày. Như vậy, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là cơ quan đầu tiên có chủ trương sưu tập tranh đề tài LLVT-CTCM. Nhiều bức tranh tại trại sáng tác này đã được chọn tham dự Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015.
Lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mãi là nguồn cảm hứng cho các họa sĩ, nhà điêu khắc, cho mỹ thuật Việt Nam và các ngành nghệ thuật khác. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, các tác phẩm đề tài LLVT-CTCM luôn là điểm nhấn của mỹ thuật Việt Nam, góp phần tôn vinh con người Việt Nam thông minh, cần cù, quả cảm, anh dũng và nhân văn; góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ giao lưu, hội nhập.
Th.s TRẦN THỊ QUỲNH NHƯ