QĐND - Giá trị lịch sử hầu như ở bất cứ tác phẩm dân gian nào cũng có, nhưng riêng trong ca dao, ngạn ngữ Hà Nội tập trung hơn và hệ thống hơn, tiêu biểu hơn. Phải chăng, vì Hà Nội xưa chính là nơi diễn ra bao biến thiên trọng đại của một đất nước anh hùng…

Ca dao, ngạn ngữ Hà Nội từ năm 1930 trở về trước trong phạm vi nhất định đã bước đầu tái hiện khá rõ nét bóng dáng lịch sử thu nhỏ lại trong một “bức tranh thiên cổ từ thời vua Hùng” cho đến khi có Đảng ta ra đời. Ngay từ thời vua Hùng thứ 6, ở xã Phù Đổng, cậu bé làng Gióng mới “lên ba đang tuổi anh hài” đã vụt lớn lên với một sức mạnh vũ bão phi thường: “Thánh vương khi ấy ra uy/ Nửa chiều sấm sét, tứ bề giặc tan”.

Tiếng “gươm vàng, ngựa sắt” chưa tắt trên núi sông đất Việt thì tiếng nhạc ngựa hùng tráng đã kiêu hãnh vang dưới bến Bồ Đề: “Nhong nhong, ngựa Ông đã về/ Cắt cỏ Bồ Đề cho ngựa Ông ăn”. Tiếng nhạc ngựa của Bình Định vương Lê Lợi đang vây chặt giặc Minh trong thành Đông Quan cũng là tiếng hân hoan chứa chan niềm tin quyết thắng của nhân dân Đông Đô - Hà Nội.

Với niềm tin quyết thắng ấy, 359 năm sau, nhân dân Thăng Long - Hà Nội lại hân hoan đón mừng người anh hùng áo vải Tây Sơn khi ông tuần thú Bắc Hà: “Oai trời sấm sét thoảng qua/ Cơ đồ họ Trịnh hóa ra tro tàn”.

Rồi chỉ hai năm sau nữa, 20 vạn quân Thanh hung hãn đã “hóa ra tro tàn”. Một chiến công oanh liệt đi vào lịch sử, in dấu vào ca dao: “Đống Đa ghi để lại đây/ Bên kia Thanh miếu, bên này Bộc am”.

Cho đến khi có quân Pháp xâm lược, nhân dân Hà Nội lại cùng Tổng đốc Hoàng Diệu quyết chiến bảo vệ Hoàng thành. Trong lửa chiến đã chói ngời tấm lòng son của quan Tổng đốc quyết tử: “… Đốc bộ họ Hoàng/ Đan tâm có một, can tràng không hai”.

Hà Thành thất thủ nhưng ngọn lửa truyền thống yêu nước, căm thù giặc, kiên cường, bất khuất không bao giờ tắt trong lòng người Hà Nội. Ngọn lửa thiêng ấy có lần đã tự phát nhóm lên trong những người học trò yêu nước. Họ rủ nhau kéo đến phố Hàng Khay phá nhà tên trọc phú Bá Kim và phản đối bọn thực dân Pháp. Tinh thần đấu tranh của họ thật kiên cường: “Phải đòi cho được thầy Cầu/ Phải đào hết đất nhà giàu đổ đi”.

Hà Nội là nơi tập trung cả một hệ thống ca dao, tục ngữ.  Ảnh: Lê Mai

Có lúc, ngọn lửa truyền thống ấy lại bùng cháy lên thành một phong trào yêu nước. Một bài vè đã ghi lại cái không khí sôi nổi, hào hứng ở phố Hàng Đào và Hà Nội: “Gái trai nô nức học hành/ Giáo sư mấy lớp, học sinh mấy ngàn/ Buổi diễn thuyết người đông như hội/ Kỳ bình văn khách tới như mưa…”.

Ca dao, ngạn ngữ Hà Nội không những cho ta những tư liệu lịch sử chân thực, bài học quý báu về truyền thống yêu nước, chí khí quật cường, mà còn có giá trị phản ánh hiện thực khá phong phú về các mặt đấu tranh và sinh hoạt của Hà Nội xưa. Ca dao Hà Nội đã chĩa mũi nhọn vào bọn vua chúa phong kiến tàn bạo, thối nát. Có khi mượn lời tiên đoán của một ông Trạng bình dân: “Trạng chết, chúa cũng băng hà/ Dưa gang đỏ đít thì cà đỏ trôn”. Có khi chỉ đích danh thủ phạm: “Chỉ vì có bà chúa Tây/ Để cho kẻ Dựa mang dây buộc đùm”. Và lột trần ra: “Trăm quan có mắt như mờ/ Để cho Huy quận vào sờ chánh cung”. Lại có khi bằng một hình ảnh triết lý tổng hợp với lối chơi chữ, nhân dân dựng lên cả một bức tranh rách nát của dòng họ Trịnh đang sụp đổ: “Đục cùn phải giữ lấy tông/ Đục long cán gẫy còn mong nỗi gì”.

Dựa vào tàn dư của chế độ phong kiến phản động, thực dân Pháp đã khéo giấu đi bàn tay tàn bạo của chúng. Thế nhưng, với lòng yêu nước sâu xa, người dân lao động Hà Nội vẫn nhận ra bộ mặt thật của “quan Tây bảo hộ” qua chính sách sưu thuế nặng nề vô nhân đạo: “Thế mới biết quan Tây bảo hộ/ Một năm trời hai độ thuế thân”.

Sưu cao thuế nặng quả là cái quốc nạn khiến cho cả: “Nước Nam kẻ khó người nghèo/ Đóng được suất thuế lo xiêu cả nhà”. Nhưng riêng chốn thị thành như Hà Nội còn được “ưu đãi” bằng nhiều thứ thuế kỳ quái: “Thuế năm, thuế tháng, thuế ngày/ Môn bài, thổ trạch cùng rày mái hiên”.

Dưới hai tầng áp bức, lóc lột của thực dân và phong kiến, Hà Nội lúc ấy với người dân lao động chỉ là địa ngục tối tăm. Họ phải sống một cuộc sống đầy khổ cực và bất công: “Người còng làm, thằng thẳng lưng xơi”. Người nông dân thì “manh áo chẳng còn” đành “mang dây buộc đùm”, nếu không thì chỉ còn cách “xuống âm ti mà nằm” mới thoát. Người công nhân thì: “Làm việc từ sáng đến đêm/ Máu say vì lửa, mặt lem than dầu”. Những người thợ thủ công thì luẩn quẩn trong vòng khổ cực: “Giã nay rồi lại giã mai/ Đôi chân tê mỏi, đó ơi vì mày?/ Seo đêm rồi lại seo ngày/ Đôi tay tê buốt vì mày giấy ơi”. Người nghèo thành thị cũng không sướng gì hơn: “Con gái ở trại hàng hoa/ Ăn cơm nửa bữa, ngủ nhà nửa đêm”. Và tất cả sa vào một thảm cảnh: “Tỉnh thành cho chí chợ quê/ Chỉ lo chết đói mà mê mẩn người”.

Những nỗi niềm u uất đó là hồ sơ tội ác của bọn thực dân Pháp và phong kiến bán nước, là bức tranh chân thực về đời sống khổ cực của những người dân kinh thành vốn nổi tiếng là thanh lịch.

VƯƠNG HOÀNG ANH