Một phần Đất Mũi Cà Mau đang có mặt trong căn phòng bé nhỏ của vợ chồng tôi ở Hà Nội. Không có gì to tát và đặc biệt cả, đúng thế, nhưng tôi dám nói rằng, khi nhắc tới Cà Mau, người ta không thể không gọi tên nó. Những thứ đó làm nên Cà Mau, một miền thiêng ở tận cùng phương Nam của Tổ quốc… Một nắm bùn và ba quả đước, vợ chồng tôi mang về từ tọa độ: 8 độ 37 phút 30 giây vĩ Bắc-104 độ 43 phút kinh Đông. Nắm bùn Cà Mau được đặt vào vị trí trang trọng bên tấm ảnh Bác Hồ cùng viên sỏi tôi mang về từ khu di tích lịch sử Đá Chông. Còn 3 quả đước thì cắm vào chiếc bình thủy tinh trong suốt đựng ít nước. Điều chúng tôi bất ngờ nhất là ba quả đước kia đã âm thầm trổ những chùm rễ màu vàng và trên đầu nó xòe ra những chiếc lá xinh xinh. Tôi vẫn nghĩ, phải cắm vào bùn nước lợ thì quả đước mới mọc rễ để thành cây được, nào ngờ thứ cây đặc trưng của Đất Mũi đã biết sống chung với nước máy Thủ đô.
|
Về Đất Mũi Cà Mau. Ảnh: Nguyễn Đình |
Bâng khuâng nhớ chuyến đi Cà Mau, ra Đất Mũi. Chẳng biết nhà văn Ngô Vĩnh Bình, Nguyễn Đình Tú, Thái Nam Anh và cả Nguyễn Ngọc Tư còn nhớ nhiều không nhưng tôi vẫn nhớ sâu, rất sâu chuyến đi ấy. Riêng tên gọi Đất Mũi Cà Mau đã thực sự gieo vào lòng tôi sự háo hức niềm mong mỏi được đi tới đó, nơi ngút ngát xa vời song vẫn từng có một hình dung về ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm qua văn Nguyễn Tuân. Chuyến đi không dài, vỏn vẹn một ngày cả đi lẫn về. Nghĩa là chúng tôi mới được chạm sơ sơ vào ngón chân cái của bàn chân Phương Nam lấm láp bùn đất mà thôi. Trang sổ ghi chép của tôi nói chung còn để trắng. Tôi chưa có diễm phúc được gặp bác Sơn Nam, người được mệnh danh là nhà Nam Bộ học, nhưng những gì tôi cảm nhận được từ Mùa len trâu thì ám ảnh lắm. Ôi, cái vùng đất trù phú, hào phóng, hoang sơ bao nhiêu thì càng nghiệt ngã, dữ dội, tự nhiên bấy nhiêu. Bác Sơn Nam vừa mất, xin được cúi đầu về phương Nam bái phục và ngưỡng mộ những trang văn đẫm chất châu thổ Cửu Long của Người.
Một nhà văn tài hoa cỡ cháu chắt của bác tôi gặp hôm nay giữa Cà Mau là Nguyễn Ngọc Tư, cũng là ân phúc của Đất Mũi. Tôi đọc Tư, mê Cánh đồng bất tận khi nó mới được đăng tải mấy kỳ trên báo Văn nghệ. Tôi không rành lắm cái hiện thực Tư phản ánh trong truyện của cổ có mang tính điển hình của vùng đất Cửu Long không, nhưng tôi đã rưng rưng buồn vui yêu ghét với từng nhân vật trong đó và tự nguyện đứng về phía thông điệp đầy tính cảnh báo và nhân văn mà Tư đưa ra trong Cánh đồng bất tận. Đây là lần thứ hai tôi gặp Nguyễn Ngọc Tư. Nhà văn Nguyễn Đình Tú, một cây bút cùng thế hệ 7X với Tư trên đường từ thành phố Hồ Chí Minh về Cà Mau đã gọi điện cho bồ Tư, báo mấy anh em tôi đang xuống đây. Chúng tôi ở cái gọi là khách sạn 2 sao của tỉnh đội Cà Mau khi mưa to, nước dột tí tách xuống nền nhà. Không thấy Tư đến. Sáng hôm sau ra bến tàu đi Đất Mũi mới gặp tác giả Cánh đồng bất tận. Áo phông, quần bò, kính râm, gọn ghẽ, đường nét bắt mắt hơn lần tôi gặp trước. Tư gật đầu chào mọi người, rất kiệm lời. Nguyễn Ngọc Tư không phải là người cởi mở. Tư chỉ nói và làm việc gì đó khi cổ thấy cần. Với những người này, ta chỉ hỏi khi cần phải hỏi, không huyên thuyên được, tôi tự nhủ.
Chiếc ca nô cao tốc rời bến, rẽ nước phóng như bay trên sông. Sóng cuộn ào ào trắng xóa phía đuôi xuồng. Gió xe xé bên tai. Nắng tràn trề trên mặt sông lấp loáng. Tư với Tú ngồi phía sau. Cái dáng bé nhỏ, nước da rám nắng và kiểu ít nói của Tư đẩy về phía tôi một cảm giác quen thuộc: con gái nhà quê chất phác đôn hậu. Một trạm kiểm soát đường thủy ra hiệu cho xuồng chúng tôi vào. Xuồng giảm tốc độ từ từ cập bến. Một cảnh sát ngó xuống xuồng. Chu cha, chị Tư, chị đi đâu zậy?À, mình đưa mấy anh nhà văn ở Hà Nội mới zô xuống thăm Đất Mũi đây mà. Tư bỏ kính ra trả lời. Thế a, thôi mấy anh chị đi an toàn nghen! Chú cảnh sát khoát tay vui vẻ.
Sau cái vụ cỏn con này thì nhà văn Ngô Vĩnh Bình phục Tư lắm. Anh nói đùa: “Nguyễn Ngọc Tư đúng là một tấm thẻ chứng minh thư cỡ bự”. Ngồi trên xuồng, Tư cũng không nói nhiều. Thường thường, tôi thấy các nhà văn trẻ thích nói, gặp phải chủ đề gì cũng tranh luận hùng hồn sôi nổi, nhưng cô gái viết văn sinh ra ở Cà Mau này thì đúng là rất kiệm lời. Dọc hai bờ sông Cái Lớn, tôi thấy có khá nhiều am miếu, hỏi Tư, cổ bảo: “Ở đây trước kia hay xảy ra các vụ chìm đò”. Sông Cái Lớn mênh mang, gặp khi giông tố, thuyền bè đi lại khá nguy hiểm. Thú thực, khi xuồng lướt trên mặt nước bạc ngầu, nhìn ra đôi bờ xa tắp, tôi cũng lo lo. Tư thì vẫn an nhiên kể cả khi nước tạt vào ướt áo…
Lên bờ, Nguyễn Ngọc Tư trở thành hướng dẫn viên cho đoàn. Tư kể cho chúng tôi nghe sự sinh tồn của cây đước, cây mắm. Những quả đước từ trên cành cao lao xuống bùn và sau cuộc di chuyển theo phương thẳng đứng ấy là một người lính đước được sinh trưởng mà sự khởi đầu là những chùm rễ xòe ra như chiếc nơm cắm vào đất cùng với mấy cặp lá xanh nâu phập phồng trong gió biển. Mắm thì lại khác, cây con mọc lên ngay từ bùn, không phải làm một cuộc nhảy dù từ cành cao xuống. Đước, mắm là đội quân mặc áo phù sa giữ đất để cho mỗi năm Đất Mũi nhô ra biển mấy trăm mét.
Về Cà Mau, tôi thấy được phần nào cái chất Nam Bộ đọng lại trong từng trang viết của Tư. Đất trời. Sông nước. Cây cối. Con người. Thao thức, đau đáu, trăn trở, thầm thì, hồn nhiên... Đúng là trời cho Cà Mau, cho Nam Bộ một Nguyễn Ngọc Tư. Có thể bây giờ ở đây không ít cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ nhưng Nguyễn Ngọc Tư, nhà văn viết Cánh đồng bất tận chỉ có một. Tập truyện Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư đã được Giải thưởng văn học Đông Nam Á. Bạn của Tư có người nói với tôi: “Tư được hơi nhiều”. Tôi không nghĩ thế, người viết Cánh đồng bất tận xứng đáng được hưởng những tôn vinh ấy.
Trưa Đất Mũi, nắng đổ bóng tròn, mấy anh em chúng tôi có bữa cơm kỷ niệm ở nhà hàng dựng ngay trên biển. Nắng gió tràn trề bốn phía. Rượu chuối, cá kèo, cá bông lau, canh bông điên điển và những thứ gì đó nữa tôi không còn nhớ nhưng phải nói bữa ăn thật ngon. Chúng tôi nhấm nháp hương vị phương Nam, uống cả biển cả trời Đất Mũi. Nhà văn Ngô Vĩnh Bình, người rất hào phóng tặng lời khen cho người khác nhắc lại chuyện sáng nay cô tiếp tân ở khách sạn khen Nguyễn Đình Tú đẹp trai. Chuyện ấy không có gì bất ngờ vì từ trước tới nay, Tú vẫn hay được các em khen như thế. Chỉ bất ngờ nhất là Nguyễn Ngọc Tư, tủm tỉm cười chỉ tay sang tôi: “Hổng phải, người đẹp trai là đây”.
Trời! Từ trước tới nay, chưa ai, kể cả vợ con, bạn bè, em út khen tôi đẹp trai. Tôi nhớ nhà văn Phạm Quang Đẩu đã có lần khủng bố tôi: “Nhan sắc của chú khiêm tốn quá”. Còn nhà văn Đỗ Viết Nghiệm thì khủng khỉnh: “Mày xấu trai thế mà lấy cô vợ cũng được”.
Thế mà trưa nay, tại Đất Mũi Cà Mau lại có một người khen tôi đẹp trai, trước mặt các nhà văn và cả vợ tôi. Người đó là Nguyễn Ngọc Tư!
NGUYỄN HỮU QUÝ