Sau 4 năm hoạt động với tên gọi "Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long", cách đây chưa lâu, hai nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ và Nguyễn Thị Chúc đã cho ra mắt Giáo phường Ca trù Thăng Long tại Đình Giảng Võ, Hà Nội. Quân đội nhân dân cuối tuần đã có cuộc trò chuyện cùng ca nương Phạm Thị Huệ - học trò chân truyền của nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ và Nguyễn Thị Chúc, người trực tiếp điều hành và xây dựng Giáo phường Ca trù Thăng Long.
PV: Cả nước đang hướng tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, đó phải chăng là dịp thuận lợi để ra mắt Giáo phường Ca trù Thăng Long, thưa chị?
Ca nương Phạm Thị Huệ: 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, tất cả những quan tâm của Nhà nước cũng như giới truyền thông đều dồn vào văn hóa truyền thống. Đó là lợi thế của ca trù, nhất là khi ca trù vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể. Với lợi thế này, tôi hy vọng, ngay cả sang năm, ca trù vẫn được quan tâm.
PV: Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long trước đây khác gì so với Giáo phường Ca trù Thăng Long hôm nay, thưa chị?
Ca nương Phạm Thị Huệ: Ở Hà Nội hầu hết là các câu lạc bộ, nhóm hát ca trù những sinh hoạt thường kỳ. Nhưng để phục vụ các lễ hội với các nghi thức cầu kỳ thì ít thôi. Giáo phường ngày xưa có các chức năng: Truyền dạy, biểu diễn và gìn giữ nét đẹp truyền thống. Trong giáo phường bắt buộc phải có luật riêng. Giáo phường phải phục vụ được các lễ hội. Trước kia, tại các lễ hội, muốn mở cửa đình phải có hát ca trù. Âm nhạc ấy đầu tiên phục vụ thánh. Sau đó là dân mới được xem. Trong đình, chỉ có các quan lại được ngồi, dân phải đứng ngoài. Vì thế, giáo phường ca trù đòi hỏi sự truyền dạy tinh tế, hết mình. CLB chỉ là nơi tập hợp những người yêu thích ca trù nhưng có thể làm nghề nọ, nghề kia.
 |
Ca nương Phạm Thị Huệ |
PV: Chị sẽ tổ chức Giáo phường Ca trù Thăng Long theo đúng mô hình truyền thống?
Ca nương Phạm Thị Huệ: Hiện tại tôi mới hướng tới việc tổ chức một giáo phường. Còn để phục dựng đúng như ngày xưa thì chắc chắn không thể được. Hiện nay ca trù chỉ còn lại những “mảnh vỡ”. Nghệ nhân cũng chỉ nhớ được phần nào. Ca trù có hơn 100 làn điệu, giờ chỉ còn 30 làn điệu. Về cơ cấu tổ chức cũng vậy, xã hội thay đổi mình cũng phải thay đổi. Xưa người ta sống chung một ngôi làng, hay một ngôi nhà lớn, mở mắt ra là tiếng nhạc vang lên. Thậm chí, đứa trẻ còn được nghe nhạc từ trong bụng mẹ. Vì thế, âm nhạc dễ dàng đi vào cuộc sống. Giờ cuộc sống khác đi, việc tập hợp rất khó khăn. Chương trình của Giáo phường Ca trù Thăng Long là sự kết hợp. Ví dụ, canh hát cửa đình, khi biểu diễn phục vụ khách du lịch, mình co ngắn chương trình lại, tức là cách trình diễn cũng khác.
PV: Theo chị, để phục dựng một giáo phường ca trù, việc khó nhất là gì?
Ca nương Phạm Thị Huệ: Ngày xưa, ca trù có môi trường diễn xướng rộng rãi, được trụ trì tại các đình làng. Giáo phường do các người trong dòng tộc cùng nhau xây dựng. Họ truyền nghề cho con cháu. Và họ truyền hết. Giờ mình rất khó làm theo cách này. Chỉ có những người yêu nghệ thuật ca trù, đến với nhau, truyền nghề cho nhau và thương yêu nhau như một gia đình. Thế hệ mà tôi đang truyền dạy tình yêu ca trù, có thể đến một đoạn nào đó, họ lập gia đình, họ có thể sẽ thay đổi. Và mình sẽ lại phải tiếp tục. Hy vọng, đến cuối cuộc đời, tôi sẽ nhìn thấy thành quả của mình!
PV: Một giáo phường ca trù đúng nghĩa tức là các nghệ nhân chỉ sống bằng nghề hát. Giáo phường Ca trù Thăng Long có định đi theo hướng ấy?
Ca nương Phạm Thị Huệ: Điều đó đúng! Nhưng hiện tại, chúng tôi đều phải sống bằng hai nghề. Mà sống bằng hai nghề thì không thể chuyên tâm vào một nghề. Không chuyên tâm thì không thể giỏi và không thể có đỉnh cao. Vừa qua, chúng tôi đã biểu diễn được canh hát đầu tiên có “cát-xê”. Một bạn là thành viên của Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long cách đây hai năm. Sau đó bạn đi Mỹ học và học về lịch sử. Nhóm sinh viên trường đó lại sang Việt Nam nghiên cứu. Bạn ấy đã giới thiệu nghệ thuật ca trù. Và giáo phường biểu diễn lần đầu tiên có thu phí 200.000 đồng/khách. Trong tương lai, tôi rất hy vọng những khách du lịch, những người yêu văn hóa truyền thống, những nhà nghiên cứu… sẽ tìm đến nghe nhạc nhiều hơn. Đấy là một trong những cách để nghệ nhân có thể sống bằng nghề và nghệ thuật ca trù có thể đẩy lên đỉnh cao.
PV: Trong hoàn cảnh hiện nay, khi mà nghệ thuật truyền thống đang rất “khó sống”, chị có dám hy sinh vì Giáo phường Ca trù Thăng Long?
Ca nương Phạm Thị Huệ: Đó là đam mê của tôi! Tuy nhiên, để có thể phục dựng ca trù-môn nghệ thuật truyền thống độc đáo của dân tộc-tôi cũng rất mong muốn có được những trợ cấp ưu đãi cho các nghệ nhân. Họ đều đã 70-80 tuổi rồi, có quá trình cống hiến rất lâu. Nếu có sự quan tâm, họ sẽ được động viên để truyền nghề cho các thế hệ sau. Tiếp theo là hỗ trợ các đêm diễn, để những người có tâm với nghề được khích lệ. Các loại hình nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương đều có cơ quan nhà nước, trong khi ca trù vẫn chưa. Đó là thiệt thòi lớn!
PV: Xin cảm ơn chị về những chia sẻ! Chúc Giáo phường Ca trù Thăng Long sớm thành công!
Hàn Ngọc Lan thực hiện