QĐND - Hà Nội là nơi ca trù có sức sống mạnh mẽ nhất trong số 14 địa phương có di sản văn hóa phi vật thể này. Điều này đặt ra trách nhiệm cho thành phố trong việc gìn giữ, phát huy, đưa ca trù ra khỏi danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Tuy nhiên, đã 6 năm kể từ khi được UNESCO công nhận, lộ trình đưa ca trù thoát khỏi tình trạng di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp vẫn là bài toán khó.
Những thành tựu ban đầu
Năm 2012, Liên hoan Ca trù Hà Nội lần thứ nhất chỉ thu hút được 5 câu lạc bộ (CLB) ca trù tham gia. 3 năm qua, theo Sở Văn hóa-Thể thao Hà Nội, thành phố đã có tới 14 CLB và nhóm ca trù đang hoạt động. Trong đó, CLB Ca trù Hà Nội, Thái Hà, Thăng Long, Lỗ Khê, Đồng Trữ, Ngãi Cầu, Chanh Thôn… hoạt động khá sôi nổi. Hà Nội cũng là địa phương có nhiều nghệ nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú (trong đó nghệ nhân ca trù chiếm chủ yếu, 17/39) nhất cả nước. Việc thực hành di sản ca trù ở Hà Nội hiện nay với 50 người có khả năng truyền dạy, 220 người thực hành, hàng trăm người theo học… Các câu lạc bộ còn giữ hơn 30 thể cách, điệu múa cổ, mới sáng tác thêm 18 làn điệu biểu diễn phục vụ nhân dân và du khách.
|
Biểu diễn ca trù tại đền Bạch Mã, Hà Nội.
|
Trong biểu diễn, tại không gian đi bộ giữa phố cổ Hà Nội, vào thứ ba, thứ năm và thứ bảy nhiều tuần qua, khán giả được thưởng thức tiếng phách, tiếng đàn, điệu hát của nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ, Phạm Thị Huệ và các học trò tại đình Kim Ngân. Cùng đó, tại các điểm như: Bích đạo quán, đền Quan Đến, đình Kim Ngân… các CLB, nhóm ca trù Hà Nội liên tục biểu diễn phục vụ đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước.
Theo ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao Hà Nội, sở dĩ đạt được những thành tựu bước đầu trên là do sự quan tâm của các cơ quan chức năng, các địa phương, nghệ nhân đối với hoạt động bảo tồn ca trù. Trong 6 năm qua, Sở Văn hóa-Thể thao Hà Nội đã hai lần tổ chức liên hoan ca trù mở rộng, tổ chức các hội thảo, tọa đàm về giải pháp bảo tồn ca trù Hà Nội, bước đầu có sự hỗ trợ về âm thanh cho các CLB. Riêng năm 2014, Hà Nội là đơn vị có số lượng CLB đông nhất và là đơn vị đạt giải nhiều nhất trong liên hoan ca trù toàn quốc. Năm 2015, lần đầu tiên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Sở Văn hóa-Thể thao Hà Nội đã hỗ trợ hướng dẫn nghệ nhân ca trù trong suốt quá trình chuẩn bị và tham mưu cho UBND TP Hà Nội lập hồ sơ xét tặng nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể nói chung và ca trù nói riêng.
Vẫn thiếu một lộ trình
Những thành tựu bước đầu trong công tác bảo tồn nghệ thuật ca trù của Hà Nội rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, con đường để đưa ca trù ra khỏi diện Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại còn khá mờ nhạt. Thực tế, thời gian qua, các CLB ca trù ở Hà Nội duy trì hoạt động chủ yếu bằng cái tâm của những người yêu ca trù. Sự hỗ trợ của địa phương mới chỉ rất khiêm tốn so với thời gian, công sức, kinh phí mà chính các ca nương, kép đàn bỏ ra. Vì thế, với nhiều người, đặc biệt là lớp trẻ, dù yêu ca trù nhưng nỗi lo cơm áo hằng ngày đã không đủ sức giữ họ ở lại với các CLB. Trong khi đó, các nghệ nhân cao tuổi, những người thường xuyên trao truyền di sản thì đa phần sức khỏe yếu, ảnh hưởng đến việc truyền dạy cho lớp kế cận.
Tại một hội thảo gần đây về bảo tồn nghệ thuật ca trù do Sở Văn hóa-Thể thao Hà Nội tổ chức, TS Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa cho rằng, việc bảo tồn văn hóa phi vật thể ca trù Hà Nội là việc làm khẩn cấp. Hiện chúng ta chưa có một chiến lược để bảo tồn ca trù. Điều này không chỉ phụ thuộc vào riêng Hà Nội mà còn phụ thuộc vào chính sách của quốc gia. Vì thế, theo TS Lê Thị Minh Lý, cần có đánh giá toàn diện về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ca trù trong 6 năm qua, kiểm kê để xem ca trù đã “sống khỏe” chưa, sự thoát ra khỏi “khẩn cấp” có bền vững không hay chỉ là giải pháp tình thế. Bên cạnh đó, cần đầu tư mạnh mẽ vào việc trao truyền. Còn theo GS Tô Ngọc Thanh (Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam) Hà Nội nên cụ thể hóa việc bảo tồn ca trù bằng xây dựng những chương trình mục tiêu cụ thể. Có chương trình mục tiêu thì việc triển khai sẽ thuận lợi hơn, với các mục đích rõ ràng như việc ấn định đến khi nào, phải đạt được những mục tiêu cụ thể thế nào về số người có thể trình diễn; về số lượng, thể cách được khôi phục, về số CLB...
Bài và ảnh: VŨ TUẤN NGỌC