Trung tuần tháng 3-1975, sau khi Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) thất thủ, sư đoàn 23 ngụy bị xóa sổ, các tuyến đường 19, 21, 14 bị phong tỏa, Pleiku (Gia Lai), Kom Tum bị uy hiếp... Tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu buộc phải ra lệnh cho binh lính triệt thoái khỏi Tây Nguyên theo đường 7 về Tuy Hòa. Bộ đội ta ở Mặt trận Tây Nguyên được lệnh nhanh chóng truy kích quân địch rút chạy.

Thực hiện trận then chốt thứ ba của chiến dịch, nhiều chiến sĩ của ta không giấu nổi tâm trạng bồi hồi, lưu luyến và nỗi niềm khi phải chia tay vùng cao nguyên đất đỏ bazan, nơi họ từng gắn bó chiến đấu, được sống trong tình thương yêu, đùm bọc, che chở của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Cũng nơi đây, họ cùng với quân và dân Tây Nguyên làm nên những chiến thắng lừng lẫy đi vào lịch sử gắn với những cái tên như: Ia Đrăng, Đăk Tô, Tân Cảnh... Trên những chuyến xe thần tốc đuổi theo truy kích quân địch vượt qua những: Cheo Reo, Phú Bổn, Củng Sơn... về miền duyên hải Nam Trung Bộ vang vọng những vần thơ mà bộ đội ta khi đó thường lưu truyền với nhau:

              Ôi! Cái đêm ta về với đồng bằng

              Lồng ngực căng tròn hương lúa

              Trăng hiểu lòng ta nên trăng rất tỏ

              Gió hiểu lòng ta từng ngọn gió bồi hồi.

              Lau khô dần những giọt mồ hôi

              Nhưng nước mắt ta trải dài trên má...

Sau Đại thắng mùa xuân 1975, thống nhất đất nước, đến năm 1993, những người lính từng chiến đấu ở Mặt trận Tây Nguyên hồi ấy mới có dịp gặp lại nhau trên chính mảnh đất mà họ từng gắn bó. Cuộc gặp gỡ kỳ thú của họ và nhóm cựu binh kỵ binh không vận của Mỹ-những người từng là địch thủ của nhau không phải ở một thành phố hoa lệ nào đó, mà lại được diễn ra ngay chính tại thung lũng Ia Đrăng dưới chân núi Chư Prông (huyện Chư Prông). Nơi đây đã ghi dấu một trận đánh khó quên đối với cả hai phía-trận Ia Đrăng (từ ngày 14 đến 17-11-1965). Với ta, trận đánh đã góp phần làm nên chiến thắng Chiến dịch Plei Me.

leftcenterrightdel

  Di tích lịch sử Chiến thắng Plei Me tại tỉnh Gia Lai. Ảnh: TRẦN NGỌC 

Tháng 10-1993, nhóm cựu binh kỵ binh không vận của Mỹ mới có được chuyến trở lại chiến trường Tây Nguyên xưa. Trước khi trở lại Tây Nguyên, đoàn cựu binh Mỹ xin được gặp Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp; Đại tướng Chu Huy Mân, nguyên Tư lệnh kiêm Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên. Trong suốt hành trình trở lại Tây Nguyên, họ may mắn được đi cùng Thượng tướng Nguyễn Hữu An, nguyên Phó tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên; Đại tá Vũ Đình Thước, nguyên Đại đội trưởng trong trận Ia Đrăng cùng một số CCB Mặt trận Tây Nguyên, những người từng tham gia Chiến dịch Plei Me và trận Ia Đrăng tháng 11-1965.

Đã nhiều năm trôi qua, cái tên Ia Đrăng vẫn luôn ám ảnh, như một cơn ác mộng đối với nhiều cựu binh Lữ đoàn Kỵ binh không vận số 3 của Mỹ. Ngay khi vừa đặt chân tới thung lũng Ia Đrăng, theo yêu cầu của tướng H.Moore, tất cả những người có mặt hướng tầm mắt về đỉnh núi Chư Prông và lặng im một lúc tưởng nhớ những người lính của cả hai bên đã ngã xuống nơi này. Tại đây, những người lính từng một thời là đối thủ đã được nếm trải cùng nhau ngủ lại một đêm không giường chiếu, chăn màn; không có đồ ăn lót dạ ngay trên một bãi đất trống mà trước đây người Mỹ từng gọi là bãi "Xray"... Họ cùng nhau trao đổi, trò chuyện, hồi tưởng lại trận Ia Đrăng, đặc biệt là những cuộc đọ súng kinh hoàng vào đêm 15, rạng ngày 16 và ngày 17-11-1965.

Đi cùng đoàn cựu binh kỵ binh không vận Mỹ còn có một số phóng viên báo chí, truyền hình Mỹ. Trong lúc tất cả mọi người đang im lặng hồi tưởng về trận đánh, nhà báo Joseph L.Gallowey, phóng viên hãng truyền hình ABC bất chợt hỏi Thượng tướng Nguyễn Hữu An: "Trước đây, các ông vượt chặng đường cả nghìn ki-lô-mét từ miền Bắc vào Tây Nguyên bằng cách gì?".

Thượng tướng Nguyễn Hữu An trả lời: "Chúng tôi hành quân bộ theo tuyến Đường Hồ Chí Minh".

"Các ông đi mất bao lâu mới vào tới Tây Nguyên?", nhà báo Joseph L.Gallowey hỏi tiếp.

Thượng tướng trả lời: "Đêm đi, ngày nghỉ, phải mất 80 ngày đêm chúng tôi mới vào tới Tây Nguyên".

Một số cựu binh Mỹ tròn xoe mắt tỏ vẻ ngạc nhiên: "Nghị lực nào đã giúp các ông làm được điều thần kỳ như vậy?".

Thượng tướng Nguyễn Hữu An đáp: "Trước khi lên đường, chúng tôi đều biết phía trước là gian khổ, hy sinh, nhưng ai nấy đều cảm thấy tự hào và coi việc được ra trận là vinh dự vì đó là cuộc chiến đấu để giải phóng Tổ quốc thân yêu của chúng tôi-một cuộc chiến đấu chính nghĩa".

Ngay sau đêm đó, thay mặt đoàn cựu binh kỵ binh không vận Mỹ, tướng H.Moore xúc động bày tỏ: "Xin cảm ơn các ông đã cho chúng tôi được ngủ lại đêm với những người lính của chúng tôi, những người đã bỏ mình nơi chiến trận xưa".

Đứng trầm ngâm bên một gốc cây săng lẻ già cỗi, nơi từng đặt sở chỉ huy Tiểu đoàn 1-Lữ đoàn Kỵ binh không vận số 3 của Mỹ, tướng H.Moore quay sang hỏi các CCB Mặt trận Tây Nguyên: "Hồi đó sao các ông biết chúng tôi đổ quân xuống đây mà tập kích nhanh như vậy?".

Đại tá Vũ Đình Thước mỉm cười và chỉ tay về phía Thượng tướng Nguyễn Hữu An: "Đó là việc của những chỉ huy cấp trên. Những người lính như chúng tôi điều duy nhất lúc đó là chấp hành mệnh lệnh".

Nghe vậy, Thượng tướng Nguyễn Hữu An tiếp lời: "Chúng tôi chủ trương bao vây các đồn Plei Me và Đức Cơ cốt để nhằm dụ, kéo các ông ra để đánh. Dù ra bằng đường nào: Đường bộ hay đổ bộ bằng đường không cũng là thời cơ tốt để bộ đội chúng tôi tiêu diệt. Thực ra hồi đó, với vũ khí, trang bị hiện có, chúng tôi vẫn chưa biết đánh các ông bằng cách gì cho hiệu quả. Song tất cả từ trên xuống dưới đều rất quyết tâm: Cứ đánh rồi khắc tìm ra cách đánh. Trước hết phải dám đánh đã".

Một số CCB quay sang chất vấn tướng H.Moore: "Tại sao hồi đó các ông vừa đổ bộ xuống bãi "Xray" ngày 14-11, rồi ngày 17 lại cơ động đi nơi khác?".

Tướng H.Moore nhún vai trả lời: "Cơ động gì đâu, rút chạy thì đúng hơn, vì sau khi bị các ông choảng liên tiếp, đến sáng 17, Tiểu đoàn của tôi bị mất 2/3 quân số, sức chiến đấu suy kiệt, không rút không được".

Sau khi nghe các CCB Mặt trận Tây Nguyên kể lại khá chi tiết về trận Ia Đrăng, đặc biệt là các trận đọ sức nảy lửa trong các ngày 14, 15 và 16-11-1965, tướng H.Moore chợt quay sang Thượng tướng Nguyễn Hữu An hỏi: "Sau trận đánh này, các ông có nhận xét gì về Mỹ?".

Thượng tướng Nguyễn Hữu An chậm rãi trả lời: "Tôi cho rằng nước Mỹ rất giàu, vũ khí và trang bị chiến tranh rất hiện đại. Nhưng các ngài đã có một sai lầm lớn, đó là chủ quan đánh giá đối phương không đúng, lựa chọn địa hình không phù hợp, ra quân bài bản nhưng lại rập khuôn, máy móc. Trên chiến trường, bên nào người lính được chuẩn bị đầy đủ và huấn luyện tốt, thông thạo địa hình, chỉ huy mưu trí, kiên quyết, luôn chủ động, sáng tạo, lại có được một hậu phương làm chỗ dựa vững chắc... thì bên đó nhất định sẽ thắng. Nhân dân Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam đã và đang chứng tỏ điều đó".

leftcenterrightdel

Cựu chiến binh Mặt trận Tây Nguyên của Quân đội ta và cựu binh kỵ binh không vận Mỹ tại cuộc gặp gỡ ở Tây Nguyên, năm 1993. Ảnh chụp lại

Gần như suốt thời gian lưu lại Tây Nguyên, các thành viên trong đoàn cựu binh Mỹ đều tỏ ra trầm lặng, đặc biệt là lúc đi vào thung lũng Ia Đrăng và được trải nghiệm một đêm ngủ ở đó. Họ trầm lặng một phần vì tưởng nhớ tới những người lính Mỹ-đồng đội của họ đã nằm xuống mảnh đất Tây Nguyên; phần nữa trầm lặng là do sám hối vì những tội ác mà họ đã gieo rắc cho mảnh đất này cho dù là bị lừa gạt hay cố ý.

Qua cuộc hội ngộ kỳ thú ở Ia Đrăng lần đó, những CCB Mặt trận Tây Nguyên muốn nhắn gửi thông điệp không chỉ cho các cựu binh kỵ binh không vận Mỹ trở lại chiến trường Tây Nguyên mà cho cả những cựu binh khác và nhân dân Mỹ rằng, nhân dân Việt Nam vốn có truyền thống bao dung, sẵn sàng khép lại quá khứ-cho dù đó là một quá khứ mất mát và đau thương để hướng tới tương lai.

Là những người lính từng vào sinh ra tử, gắn bó mật thiết với mảnh đất đại ngàn Tây Nguyên, hơn ai hết, họ mong được sống trong hòa bình. Họ mong không bao giờ lặp lại sự kiện tháng 11-1965 và mong rằng các thế hệ con cháu sau này không phải đi những chuyến đi như thế đến thung lũng Ia Đrăng.

Bài và ảnh: TRẦN VĨNH THÀNH