QĐND - Anh vẫn nhận mình là một “kẻ ăn mày” sách. Còn với tôi, ấn tượng về anh là một người đàn ông cao, gầy, trên lưng luôn khoác chiếc ba lô, bên trong không bao giờ thiếu những cuốn sách để tặng cho bất kỳ đứa trẻ nào anh gặp trên đường. Trên khuôn mặt hốc hác, sạm đi vì mưa nắng, đằng sau cặp kính dày cộp, một bên mắt trái của anh đã không còn khả năng nhìn. Nhưng có sao! Bởi, ở Nguyễn Quang Thạch luôn có một trái tim đầy nhiệt huyết với mong muốn trẻ em nông thôn được đọc thật nhiều sách.
Từ ước muốn thành một nhà văn…
Đúng ngày khai giảng năm học 2016-2017, tôi cùng Nguyễn Quang Thạch đi Thái Bình tặng sách, bổ sung cho những "Tủ sách phụ huynh" nơi đây. Chuyến đi có phần gấp gáp, bởi ngày hôm sau anh lên máy bay sang Pháp nhận giải thưởng UNESCO "Vì sự nghiệp truyền bá tri thức" với chương trình “Sách hóa nông thôn”. Quãng đường đi 3 giờ đồng hồ trên xe ô tô, chủ đề anh nói chỉ xung quanh câu chuyện những tủ sách, chuyện đọc sách của các em học sinh nông thôn. Vài lần anh nói với tôi: “Lúc nào mệt mỏi, buồn phiền, chỉ cần về xem các em nhỏ đọc sách là mọi thứ tiêu biến hết em ạ". Gương mặt anh lúc đó ánh lên niềm vui, hào hứng như đứa trẻ nhận được phần thưởng xứng đáng.
Chỉ ít ngày trước thôi, Nguyễn Quang Thạch còn là cái tên xa lạ với nhiều người. Nhưng sau khi UNESCO công bố chương trình “Sách hóa nông thôn” giành giải thưởng “Vì sự nghiệp truyền bá tri thức” thì đã có nhiều người Việt Nam biết đến anh.
Thạch kể, anh sinh ra từ vùng quê nghèo thuộc xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Từ những năm đầu thế kỷ 20, sách vở phương Tây đã được truyền đến những người trong dòng họ anh. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong tủ sách gia đình anh đã có hơn 100 đầu sách. Những người trong dòng họ Nguyễn Quang của anh từ nhỏ đã được tiếp cận với sách và sớm nhận thức về tự do, bình đẳng, bác ái. Nhiều người đã học hành trở thành những giáo sư, tiến sĩ, đi học ở các nước phương Tây. Chính nhờ tư duy tiến bộ của các thế hệ trước về chuyện học hành mà những người như anh có được cơ hội tiếp cận với nhiều sách vở, được tiếp thu nhiều tri thức, có cơ hội đi học ở nước ngoài. Và cũng từ chính câu chuyện gia đình, dòng họ mình, Nguyễn Quang Thạch đã có cách nhìn rộng ra: Khi tạo điều kiện cho con trẻ tiếp cận sách vở từ nhỏ thì chúng sẽ có vốn tri thức lớn hơn, có năng lực để tiếp cận khoa học, kỹ thuật, góp phần xây dựng đất nước. “Bố tôi, một quân nhân với gần 70 năm tuổi Đảng, đã dành 20 năm nghỉ hưu để dạy học miễn phí cho trẻ em trong vùng. Ông nói với tôi rằng: Những đứa trẻ nông thôn không được tiếp cận tri thức sẽ không nhìn dài, rộng được ra khỏi ngôi làng của chúng. Thiếu sách là điều thiệt thòi cho người nông thôn, trẻ em nông thôn nhiều năm qua"-Nguyễn Quang Thạch nói.
Thực tế, nông dân ở ta thường dựa vào kinh nghiệm mà ít khi áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Trẻ em nông thôn thì thiếu sách để đọc. Thực tế ấy đã khiến Thạch nhận ra thêm một điều, người dân nông thôn thường thiếu năng lực tự kháng nên dễ bị ảnh hưởng bởi những tệ nạn… Vì vậy, anh càng mong muốn nâng cao tri thức cho xã hội bằng việc xây dựng một hệ thống thư viện, làm xương sống cho sự phát triển của đất nước.
|
Nguyễn Quang Thạch mang lô-gô “Sách hóa nông thôn” đến Pháp nhận giải thưởng UNESCO. Ảnh do nhân vật cung cấp
|
Tuy nhiên, ít ai biết rằng, trước khi có ý tưởng “Sách hóa nông thôn”, Thạch từng mơ ước trở thành một nhà văn. Năm 17 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Quang Thạch đã quyết định ngừng việc học để hòa mình vào cuộc sống ngoài xã hội với mong muốn tìm được nhiều chất liệu cho việc sáng tác. Anh lang thang khắp từ thành phố đến nông thôn, gặp từ trí thức đến những người lao động, kể cả những tầng lớp tận cùng của xã hội… Càng tìm hiểu, anh càng thấy những góc khuất ấy có nguyên nhân sâu xa là vì thiếu tri thức. Đến khi 22 tuổi, Nguyễn Quang Thạch nghĩ đến “Sách hóa nông thôn” và bắt đầu thực hiện ý tưởng của mình….
Giải thưởng của người nông dân
Từ năm 1997 đến 2007, Nguyễn Quang Thạch dành thời gian vừa đi làm, vừa nghiên cứu xây dựng lý thuyết về mô hình thư viện mà ai cũng có thể thực hiện, nhân rộng được để thúc đẩy trên quy mô toàn quốc. Anh quan tâm đến các kết cấu dân sự như dòng họ, đặc biệt là hội phụ huynh học sinh để xem xét tình trạng, vai trò của họ với con em, năng lực tài chính của họ. Thạch đã có 4 năm sống, ăn, ở cùng người nông dân để tìm hiểu, nghiên cứu cho sự ra đời những tủ sách đầu tiên. Năm 2007, "Tủ sách dòng họ" đầu tiên được ra đời. Sau khi được báo chí viết, đưa tin, đã có rất nhiều dòng họ liên hệ với Nguyễn Quang Thạch để hỏi cách làm và xin sách. Ban đầu, anh bỏ tiền ra mua cả tủ, cả sách cho các dòng họ. Đến khi số lượng tủ nhiều lên, anh đề nghị các dòng họ tự chuẩn bị tủ, anh tặng sách. Tháng 9-2009, Nguyễn Quang Thạch nhận được giải thưởng 400 triệu đồng từ cuộc thi “Ý tưởng phục vụ cộng đồng”. Anh tiếp tục dùng toàn bộ số tiền cho việc xây dựng tủ sách phụ huynh làm chủ đạo và phát triển ra cả "Tủ sách hậu phương-chiến sĩ” với mô hình vợ giáo viên-chồng bộ đội hay công an, rồi tủ sách dòng tộc, giáo xứ, Phật giáo.
Trong thời gian 10 năm nghiên cứu lý thuyết, Nguyễn Quang Thạch đã làm rất nhiều công việc khác nhau, từ công việc ở Bộ Giao thông vận tải, tổ chức "Tầm nhìn thế giới", tới công nhân trong khu công nghiệp… Tất cả chỉ để phục vụ việc nghiên cứu, chuẩn bị và hiện thực hóa ý tưởng cho những tủ sách. Thạch kể: “Thời gian đầu, tôi đi làm để tiếp cận nhiều đối tượng khác nhau giúp cho việc nghiên cứu về lý thuyết mô hình tủ sách. Phần nữa, tôi cần đi làm để có tiền sống thì mới tiếp tục thực hiện được mục tiêu. Tôi từng có mức lương 1.500 USD/tháng. Tôi muốn mọi người thấy rằng, tôi không hề ăn bám xã hội. Tôi hoàn toàn có thể kiếm nhiều tiền hơn, nhưng tôi cũng sẵn sàng bỏ việc lương cao để làm công việc ít tiền mà cống hiến được cho cộng đồng, xã hội".
Để tạo được hiệu ứng xã hội về việc đọc sách và thành lập những tủ sách, năm 2010, trong khi cả nước đang ăn Tết, Nguyễn Quang Thạch đã có chuyến đi xuyên Việt bằng xe gắn máy. Tết Nguyên đán năm 2015, anh đi bộ xuyên Việt để tặng sách cho trẻ em.
Cho đến nay, đã có hơn 10.000 tủ sách thuộc chương trình “Sách hóa nông thôn” được hoàn thiện trên cả nước, giúp nửa triệu trẻ em nông thôn được đọc sách. Khi nói về giải thưởng của UNESCO tặng “Sách hóa nông thôn”, Nguyễn Quang Thạch khiêm nhường: “Tôi không nhận giải thưởng này cho mình mà đó là thành công của chính những người dân nông thôn trong việc giúp con em họ được tiếp cận tri thức. Bởi, tôi chỉ là người xây dựng ý tưởng, còn việc nhận thức và hành động là của chính những người nông dân cùng một số người trung lưu cấp tiến trong và ngoài nước”.
Theo Nguyễn Quang Thạch, giá trị của “Sách hóa nông thôn” chính là việc không dùng ngân sách Nhà nước mà truyền được cảm hứng, tạo ra sức mạnh huy động từ cộng đồng ngay tại bản địa để đánh thức trách nhiệm công dân từ tinh thần chia sẻ trách nhiệm xã hội. Khi nhận thức được lợi ích của những “hụi sách”-mỗi phụ huynh chỉ cần đóng góp 1 cuốn sách là con em họ có thể được đọc 30-40 cuốn, chính lợi ích của con em đã tạo cú hích, tác động ngược lại làm thay đổi suy nghĩ của phụ huynh. Vì thế, “Sách hóa nông thôn” đã được một tổ chức của UNESCO tài liệu hóa để đưa vào tham khảo cho các nước đang phát triển.
Chuyến đi cùng anh về huyện Thái Thụy và Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, tôi được tận mắt chứng kiến sự hào hứng của các em học sinh và thầy giáo, cô giáo với "Tủ sách phụ huynh". Ai cũng vui mừng khi gặp lại Nguyễn Quang Thạch. Ông Tô Văn Dũng, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thái Thụy cho biết: “Chỉ trong năm 2013, tất cả các trường phổ thông của 48 xã, thị trấn trong toàn huyện đã có tủ sách phụ huynh đến từng lớp học. Trước đây, học sinh được đọc trung bình 0,5-2 cuốn sách mỗi năm, giờ đây đã tăng lên 15-20 cuốn sách. Kết quả học và những kỹ năng của học sinh đã tiến bộ rõ rệt".
Để phát huy hiệu quả từ "Tủ sách phụ huynh", các trường học trong huyện Thái Thụy đã có nhiều cuộc thi nhằm khuyến khích hoạt động đọc sách của học sinh như: Tổ chức cuộc thi kể chuyện, giới thiệu sách, thi sáng kiến khoa học,… Nhiều học sinh qua những cuốn sách khoa học đã ứng dụng tạo ra những sản phẩm như: Mô hình tên lửa, tàu thủy chạy bằng hơi nước, máy hút bụi bằng đồ tái chế… Phòng Giáo dục và Đào tạo còn mời các nhà sách về trường giới thiệu, bán sách giá ưu đãi cho học sinh. Cảm hứng từ Nguyễn Quang Thạch truyền cho người dân đã khơi nguồn sáng tạo để hoạt động đọc sách lan rộng với nhiều hình thức. Ở tỉnh Nam Định, nhiều địa phương đã tự nhân rộng được khoảng 5.000 tủ sách từ việc học tập mô hình tủ sách ở Thái Bình.
Giải thưởng UNESCO cho “Sách hóa nông thôn” chỉ là bước khởi đầu đối với Nguyễn Quang Thạch trong hành trình vì một xã hội văn minh và đất nước được tôn trọng. Mục tiêu trước mắt anh mong muốn là nhân rộng tủ sách phụ huynh ở các vùng, miền trên cả nước. Bên cạnh đó, anh sẽ kết hợp với những chuyên gia trong việc chuẩn hóa các đầu sách nền ở các tủ sách để hoàn thiện chương trình “Sách hóa nông thôn” và chia sẻ mô hình thư viện sang Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a và các nước ở châu Phi.
Những khó khăn trong 19 năm hành trình của “Sách hóa nông thôn” không phải ít. Thế nhưng, Nguyễn Quang Thạch bảo, mỗi lần gặp khó, anh chỉ nghĩ ngợi vài chục giây rồi lại trở lại trạng thái quyết tâm với con đường của mình. Anh cho rằng, đó là nhờ những lũy tích của 2, 3 thế hệ trong gia đình đã giúp anh có năng lực kiên định với mục tiêu để hoàn thành nó. Như hồi học lớp 8, khi thấy nước kéo từ dưới giếng lên ấm hơn nước ở trên, anh đã suy nghĩ và nhận ra trời càng lạnh, cá càng đi về phía hạ lưu và anh quyết tâm thức đêm trong cái lạnh 10oC để đơm được 55kg cá. Hay việc anh vừa được giải UNESCO hôm trước thì hôm sau đã có hàng loạt tin đồn trên mạng xã hội nói anh không minh bạch tài chính, rắc rối chuyện tình cảm. Anh nói, anh không bực tức mà chỉ buồn cho xã hội vì vẫn còn những người suy nghĩ ích kỷ. Còn riêng cá nhân tôi nghĩ: Anh đã bỏ cả gần 20 năm cuộc đời với bao nhiêu nhiệt huyết và cả vật chất cho “Sách hóa nông thôn”. Anh đã chọn từ bỏ hạnh phúc riêng tư, nhiều năm nay sống một mình, thời gian ở với nông dân nhiều hơn ở thành phố, chỉ mong cống hiến cho xã hội. Thành tựu của anh đã tạo niềm tin và cảm hứng cống hiến cho nhiều bạn trẻ.
THU HÒA