Nói một cách khái quát, văn hóa Đảng bao hàm các giá trị hướng đến cái đẹp, hướng đến sự hoàn thiện, nhất là trong hoạt động của từng đảng viên và tổ chức đảng. Điều đó thể hiện ở việc Đảng luôn kế thừa, sàng lọc, tiếp thu văn hóa chính trị tiên tiến của thời đại nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng Đảng văn hóa, văn minh để lãnh đạo, xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Trước hết phải khẳng định, từ khi ra đời đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn chú trọng xây dựng văn hóa Đảng. Căn cứ nhìn thấy rõ nhất là ở thời kỳ lãnh đạo giành chính quyền, kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Ở thời kỳ này, Đảng đã đưa ra các chủ trương đúng đắn để phát huy cao độ chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đoàn kết và quốc tế vô sản. Xin đưa ra một sự kiện đặc biệt để chứng minh cho những giá trị văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nếu không có những giá trị văn hóa được xây dựng và tiếp nối trên tinh thần quốc tế vô sản thì không thể có chuyện Đảng và Nhà nước ta lãnh đạo và huy động Quân đội sang giúp nhân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot. Không có giá trị văn hóa nào cao hơn việc đem máu xương của dân tộc mình để giúp một dân tộc khác, một đất nước khác hồi sinh. Sau này, trong nhiều lần phát biểu, chính Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã cảm ơn Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam về việc làm và hành động cao thượng chí nghĩa, chí tình này.

leftcenterrightdel

Cống hiến, hy sinh chính là căn cốt của văn hóa Đảng. Trong ảnh là màn trình diễn pháo hoa chào đón năm mới Quý Mão 2023 tại hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: TUẤN HUY 

Những nét văn hóa đặc trưng của Đảng còn được thể hiện ở những chủ trương, quyết sách và đặc biệt là thành tựu trong lãnh đạo công cuộc đổi mới hơn 36 năm qua. Từ một đất nước bị bao vây cấm vận, nghèo đói phải nhận viện trợ, Việt Nam đã đạt được nhiều mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, đặc biệt là những tiến bộ về mặt con người, đời sống, mức thu nhập. Việt Nam đã thành công trong phổ cập giáo dục tiểu học, chăm sóc y tế cộng đồng, xóa đói, giảm nghèo; đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Việt Nam đã hội nhập, bắt nhịp với sự phát triển của các nước trong khu vực và thế giới, trở thành thành viên tích cực, có trách nhiệm của Liên hợp quốc, là bạn, là đối tác tin cậy của các quốc gia, tổ chức quốc tế.  

Một trong những vấn đề quan trọng mà Đảng ta đặc biệt quan tâm trong quá trình xây dựng, lãnh đạo sự nghiệp cách mạng đó là xây dựng đội ngũ cán bộ. Thực tế cho thấy, những tàn dư của xã hội phong kiến và yếu kém của cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp đã làm ảnh hưởng đến sự năng động, dám nghĩ, dám làm và nảy sinh tư tưởng “bóc ngắn cắn dài” ở một số cán bộ. Thực trạng trình độ cán bộ chưa ngang tầm với nhiệm vụ; còn biểu hiện xa dân, suy thoái về đạo đức, lối sống trong một số cán bộ dẫn đến hiệu quả lãnh đạo chưa cao, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng. Đây chính là cái cớ, là cơ hội vàng để các thế lực thù địch trong và ngoài nước chống phá, xuyên tạc. Đảng ta đang quyết liệt thực hiện chủ trương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai" qua đó để sàng lọc, làm trong sạch Đảng, trong sạch bộ máy lãnh đạo, quản lý các cấp. Dám chỉ rõ khuyết điểm, dám đấu tranh loại bỏ ung nhọt để tiến bộ đó chính là sự dũng cảm và văn hóa cao của Đảng. Đó tuyệt nhiên không phải là tranh giành quyền lực, đấu đá nội bộ để tranh ghế, đoạt quyền như các thế lực thù địch xuyên tạc.

Nhìn thẳng vào những hạn chế, khuyết điểm nên trong nhiều văn kiện của Đảng luôn có những đánh giá chính xác về thói hư, tật xấu của cán bộ cũng như tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy. Trong hơn 10 năm, Đảng đã ban hành các nghị quyết chuyên đề, kết luận về công tác xây dựng Đảng. Đó là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Kết luận số 21-KL/TƯ ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Đi liền với những văn bản trên là hàng loạt quy định được bổ sung, hoàn thiện và ban hành mới. Năm 2019, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 205-QĐ/TW “Về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”. Năm 2021, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Quy định số 37-QĐ/TW “Quy định về những điều Đảng viên không được làm”. Tháng 11-2021, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 41-QĐ/TW “Về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ”. Tiếp đó, Tháng 9-2022, Bộ Chính trị ban hành Thông báo kết luận số 20-TB/TW “Về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật". Hiện nay, những quy định này đang phát huy hiệu quả và là cơ sở để thanh lọc những cán bộ, đảng viên cố tình để chủ nghĩa cá nhân lấn át tinh thần dấn thân, cống hiến vì tập thể.

Trong bài “Văn hóa chính trị trong Đảng và một số vấn đề đặt ra hiện nay” đăng trên Tạp chí Cộng sản, GS, TS Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia xác định, văn hóa của một đảng cầm quyền được thể hiện bởi 4 yếu tố: Một là tính thẩm mỹ; hai là tính tích tụ giá trị theo dòng thời gian; ba là tính tiếp biến văn hóa; bốn là tính tiếp cận văn hóa đảng từ giác độ khoa học chính trị. GS, TS Nguyễn Hữu Khiển viết: “Văn hóa trong Đảng biểu hiện thông qua hoạt động của Đảng, của các tổ chức, của đảng viên, phải lấy tiêu chí dân chủ, tiến bộ xã hội, sự hài lòng, ủng hộ của người dân để đánh giá. Đảng Cộng sản Việt Nam cũng không ngoại lệ và cần soi chiếu qua các phạm trù “vì dân”, “vì nước”, “trung thành với dân tộc”, “vì lợi ích của nhân dân, lợi ích của dân tộc”.

Để văn hóa Đảng ngày càng được khẳng định, qua đó đập tan âm mưu chống phá, chia rẽ của các thế lực thù địch trong và ngoài nước thì vấn đề tiên quyết là chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước phải được thực thi có hiệu quả. Muốn vậy cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý và tích cực thanh lọc cán bộ yếu kém, xây dựng bộ máy “tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Cần xây dựng nền hành chính hiện đại, đề cao phục vụ, tăng sự hài lòng của người dân. Trong thời điểm hiện nay, cần tập trung đẩy mạnh xây dựng Chính phủ kiến tạo làm minh bạch trách nhiệm công quyền, nhất là trong xây dựng chính sách; thúc đẩy các hoạt động kinh tế-xã hội, tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển, bảo đảm an sinh xã hội; thực hiện chính sách đối ngoại phù hợp, gìn giữ hòa bình, ổn định, bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.

Cùng với đó cần quan tâm xây dựng cơ sở chính trị, cơ chế pháp lý, phát huy dân chủ và vai trò của người đứng đầu cùng cơ chế chịu trách nhiệm; tăng cường giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị; đề cao yếu tố văn hóa, đạo đức thực thi công vụ ở các cấp, các ngành, các lĩnh vực; xây dựng môi trường làm việc, môi trường kinh doanh lành mạnh; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ vừa có tài, vừa có đức; tăng cường kiểm tra, giám sát trong Đảng, bảo đảm từng đảng viên, từng tổ chức đảng luôn kiên định với Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trung thành, gắn bó với nhân dân; coi trọng xây dựng đoàn kết, thống nhất trong Đảng; chăm lo tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng và thực hành “cần, kiệm, liêm, chính” cho đội ngũ cán bộ, đảng viên...

Trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Đảng ta luôn đổi mới phương thức lãnh đạo, nhìn thẳng vào sự thật, không che giấu khuyết điểm, tự đổi mới, chỉnh đốn để tăng cường và giữ vững sự lãnh đạo của Đảng; quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên, đồng thời kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ, đảng viên tha hóa, biến chất... để hiện thực hóa khát vọng lãnh đạo, xây dựng đất nước hùng cường, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đây chính là những vấn đề căn cốt của văn hóa Đảng.

Nghiên cứu sinh NGUYỄN THỊ PHƯƠNG