Văn hóa phát triển xứng tầm đô thị đặc biệt

Những năm gần đây, TP Hồ Chí Minh dành sự quan tâm cho công tác quy hoạch, xây dựng thiết chế văn hóa cấp thành phố và ở cơ sở, ưu tiên các thiết chế văn hóa phục vụ thanh thiếu nhi, công nhân khu công nghiệp. Thành phố đã triển khai xây mới, trùng tu nhiều di tích, công trình văn hóa. Hoạt động xã hội hóa trong phát triển văn hóa, tổ chức sự kiện cũng được tạo điều kiện cho nhiều thành phần kinh tế tham gia vào phát triển văn hóa, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. 

Thành phố bước đầu hình thành được nhiều hoạt động, yếu tố cơ bản để xây dựng CNVH phát triển. Hiện có 17.670 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực văn hóa, chiếm tỷ lệ 7,74% trong tổng số doanh nghiệp thành phố. Giá trị sản xuất của các ngành CNVH năm 2019 đạt hơn 84.123 tỷ đồng. Đóng góp của sản xuất CNVH vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố năm 2019 đạt 3,88%; trong đó ngành quảng cáo có tỷ lệ đóng góp lớn nhất.

leftcenterrightdel

Công nghệ mới giúp TP Hồ Chí Minh tái hiện ấn tượng hoạt cảnh trên bến dưới thuyền trên sông Sài Gòn. Ảnh: SƠN HẢI AN 

Với thế mạnh là trung tâm kinh tế, giáo dục, khoa học-công nghệ, TP Hồ Chí Minh hiện là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển CNVH, công nghiệp sáng tạo của cả nước. Cuối tháng 10-2023, UBND TP Hồ Chí Minh đã phê duyệt Đề án phát triển ngành CNVH TP Hồ Chí Minh đến năm 2030 gắn với mục tiêu đưa ngành CNVH trở thành ngành kinh tế sản xuất, dịch vụ và kinh tế sáng tạo quan trọng, phấn đấu doanh thu các ngành CNVH đóng góp khoảng 5% GRDP, giai đoạn 2025-2030 đạt 6% và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội. Thành phố tập trung thực hiện chỉ tiêu chủ yếu của 8 ngành: Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa, thời trang.

Trong hai năm 2023 và 2024, thành phố lần đầu tổ chức các chương trình văn hóa, nghệ thuật quy mô lớn, đầu tư chuyên nghiệp, đăng cai tổ chức các sự kiện, hoạt động điện ảnh, âm nhạc, du lịch văn hóa... Công tác đầu tư cho thiết chế văn hóa ở cơ sở được đẩy mạnh, triển khai xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở các cơ quan, đơn vị, địa phương. Lễ hội sông nước lần thứ nhất năm 2023 với chủ đề "Dòng sông kể chuyện" đã được tổ chức và tiếp nối bằng Lễ hội sông nước lần thứ hai năm 2024 với chủ đề "Chuyến tàu huyện thoại" khai mạc vào ngày 31-5. Lễ hội là sự đầu tư bài bản của các ngành, lĩnh vực mang đậm yếu tố CNVH trong xây dựng chương trình, đạo diễn, kỹ xảo, công nghệ ánh sáng, thiết kế, tổ chức quy mô... thể hiện khả năng, năng lực, trình độ sáng tạo trong phát triển CNVH.

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh cho rằng: TP Hồ Chí Minh có nhiều lợi thế, điều kiện, tiềm năng để phát triển CNVH. Việc đầu tư nguồn lực phù hợp, khuyến khích xã hội hóa, tập trung phát triển một số ngành sẵn có lợi thế, có nhiều giá trị sẽ đóng góp vào GRDP của thành phố. Để thực hiện các mục tiêu đó, bên cạnh thực hiện các giải pháp triển khai đề án thì cần rất nhiều hoạt động cụ thể và sự quyết tâm nỗ lực trong đó thì làm sao có được những cơ chế, chính sách để khai thác đúng mức về nguồn lực xã hội hóa để đóng góp, tạo "cú hích" cho phát triển CNVH.

Động lực mới từ cơ chế, chính sách

Nhiều chuyên gia, nhà văn hóa, nghệ sĩ cho rằng chưa bao giờ TP Hồ Chí Minh lại có nhiều lợi thế để phát triển CNVH như hiện nay. Cùng với lợi thế, tiềm năng to lớn để phát triển CNVH thì thành phố đã có thêm nguồn động lực mới từ những cơ chế, chính sách đặc thù trên cơ sở Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh. Kể từ tháng 8-2023 đến nay, nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo liên quan đến các cơ chế, chính sách, bàn giải pháp thúc đẩy CNVH được tổ chức, nhiều chương trình lớn được các cấp, ngành như: Sở Du lịch; Sở Văn hóa, Thể thao; Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều chương trình quy mô lớn, mang dấu ấn của ngành CNVH.

Đồng chí Lê Trương Hiền Hòa, Phó giám đốc Sở Du lịch cho rằng, việc tổ chức các lễ hội quy mô, chất lượng cao, gắn với đặc trưng văn hóa, đáp ứng các yếu tố của CNVH là định hướng của thành phố trong thời gian tới nhằm tạo ra các thương hiệu văn hóa mới, kích cầu du lịch, qua đó đẩy mạnh phát triển văn hóa song song với kinh tế. Lễ hội sông nước lần thứ hai diễn ra từ ngày 31-5 đến 9-6 là một sự kiện mang đậm dấu ấn, sản phẩm văn hóa-du lịch, hội tụ nhiều yếu tố truyền thống và hiện đại để mang lại giá trị đặc trưng văn hóa cho thành phố, khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế của văn hóa, thúc đẩy sự sáng tạo, đổi mới và gia tăng sức cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế...

NSND Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát Kịch sân khấu nhỏ TP Hồ Chí Minh cho rằng, sân khấu của thành phố hiện gặp rất nhiều khó khăn, nhiều sân khấu hoạt động cầm chừng. Để tạo sức hút mạnh mẽ nhằm giữ gìn, duy trì sức sống các loại hình văn hóa truyền thống, thành phố cần có những chính sách hỗ trợ về địa điểm, thuế, vốn vay ưu đãi, khen thưởng các tác phẩm sân khấu có giá trị cao, thu hút đông đảo công chúng. Nhà hát thời gian qua thu hút nhiều khán giả thiếu nhi và người lớn nhờ nỗ lực đổi mới về chất lượng vở diễn, quảng bá thu hút khán giả. NSND Mỹ Uyên cho biết: "Dù gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, chi phí xây dựng vở diễn nhưng để phục vụ nhu cầu giải trí hè cho học sinh, thiếu nhi, Nhà hát Kịch sân khấu nhỏ TP Hồ Chí Minh đã đầu tư nhiều vở diễn chất lượng. Chúng tôi rất mong thành phố sớm xây dựng những chính sách hỗ trợ để nâng cao chất lượng hoạt động của sân khấu theo hướng hiện đại, tiếp tục đóng góp quan trọng cho CNVH".

Tiến sĩ Trịnh Đăng Khoa, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh cho rằng, CNVH là nền văn hóa được vận hành theo phương thức sản xuất công nghiệp, liên quan tới sản phẩm văn hóa và dịch vụ văn hóa. Để đưa văn hóa phát triển tương xứng với kinh tế thì đòi hỏi cần xây dựng những cơ chế, chính sách mới, khơi thông những rào cản, hỗ trợ cho CNVH phát triển. Các cơ chế, chính sách ấy cần hướng đến sự đồng bộ, nhất là đào tạo nguồn nhân lực đủ năng lực quản trị kinh doanh văn hóa; có chính sách hỗ trợ vốn vay kích cầu cho các dự án, chương trình văn hóa sản xuất theo phương thức công nghiệp; ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào quá trình sáng tạo, sản xuất, lưu thông, tiêu dùng các sản phẩm văn hóa, dịch vụ văn hóa. Xã hội hóa mạnh mẽ thông qua đa dạng các loại hình đầu tư tài chính, hợp tác công tư, hợp tác vốn nước ngoài, vốn ngân sách nhà nước... qua đó thu hút được các tập đoàn, doanh nghiệp có tiềm lực về vốn, công nghệ, kỹ thuật tham gia phát triển CNVH.

Theo Chủ tịch Hội Điện ảnh TP Hồ Chí Minh Dương Cẩm Thúy, muốn đưa các tác phẩm văn học-nghệ thuật được quảng bá, xuất khẩu ra nước ngoài như một sản phẩm hàng hóa đòi hỏi thành phố thực hiện được CNVH. Thành phố cần có chiến lược phát triển văn học một cách căn cơ, toàn diện, sao cho có nhiều tác phẩm văn học mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, không lạc hậu với trào lưu hiện đại; cách tân, nhưng vẫn giữ được giá trị văn hóa dân tộc, giới thiệu về lịch sử, con người và thành phố đến với thế giới.

ĐĂNG MINH