Nằm cỏ lo việc
Doanh nhân Mẫn Ngọc Anh sinh năm 1971, hiện là Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn HANAKA (gọi tắt là HANAKA), Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Bắc Ninh.
Từ năm 16 tuổi, Mẫn Ngọc Anh tham gia công việc đồng áng, kinh doanh, thu mua phế liệu của gia đình. Anh vào Nam, ra Bắc, lặn lội sang cả các nước láng giềng để học hỏi, kinh doanh. “Đứng trước những khu phố sầm uất, ánh điện rực sáng đủ sắc màu của nước bạn, tôi đã khóc. Khóc vì quê mình nghèo quá”, anh bồi hồi nhớ lại. Đó cũng là nguyên nhân khiến Mẫn Ngọc Anh quyết định chọn hướng đi của mình là sản xuất các thiết bị điện “để có thể thắp sáng mọi làng quê, cả những vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo”.
Đến năm 1991, khi Liên Xô tan rã, nhận thấy thời cơ, chàng thanh niên mới 20 tuổi nhanh chóng tiếp cận với các nhà khoa học, tìm về từ các nhà máy giải thể trên lãnh thổ Liên Xô (trước đây) những vật tư, thiết bị của ngành sản xuất, chế tạo thiết bị điện để nghiên cứu. Năm 1994, Công ty TNHH Hồng Ngọc (tiền thân của HANAKA) ra đời với số vốn ban đầu khá khiêm tốn (150 triệu đồng). Ban ngày bàn giao, kiểm tra công việc, ban đêm, Giám đốc Mẫn Ngọc Anh lại ra bãi cỏ nằm (cho mát). Có khi nửa đêm, mải mê với những suy nghĩ, dự định của mình, anh bật dậy đi khắp các phân xưởng, đặt tay lên từng cỗ máy lạnh lùng, nhủ thầm: Rồi có ngày những chiếc máy này sẽ reo lên!
Rồi anh đi khắp nơi mời gọi những nhà quản lý, nhà khoa học trong và ngoài nước về giúp sức cho công ty. Năm 2001, Nhà máy Thiết bị điện HANAKA được xây dựng, biến vùng đất cỏ dại hoang sơ thành một khu công nghiệp hiện đại. Hai năm sau đó, Trung tâm thương mại Hồng Công rộng 18.000m2 và khu công nghệ cao rộng 110.000m2 ra đời, góp phần không nhỏ làm thay đổi bộ mặt mảnh đất Từ Sơn, Bắc Ninh. Trong 10 năm, Mẫn Ngọc Anh xây dựng HANAKA trở thành một tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành.
Hiện HANAKA có quy mô bao gồm 15 công ty/đơn vị thành viên, giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động địa phương, với thu nhập bình quân 5-7 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu năm 2018 đạt 2.700 tỷ đồng.
Vậy là cậu bé Mẫn Ngọc Anh gầy gò, đen nhẻm, cần mẫn lặn lội giúp bố mẹ thu mua phế liệu, mò cua, bắt ốc trên đồng làng bán lấy tiền đóng học ngày nào giờ đã là Chủ tịch HANAKA, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Bắc Ninh. Trong suy nghĩ của người dân Bắc Ninh, nhất là trên quê hương Văn Môn (huyện Yên Phong), tên tuổi của Mẫn Ngọc Anh và thương hiệu HANAKA là niềm tự hào, là tấm gương vượt khó làm giàu cho quê hương.
Noi theo gương sáng Bác Hồ
Năm 19 tuổi, Mẫn Ngọc Anh được Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Nguyễn Đăng Bảy tặng bức tranh vẽ Bác Hồ ở hang Pác Bó. Bức tranh này được Mẫn Ngọc Anh nâng niu, trân trọng, trở thành triết lý cuộc sống và ngọn nguồn của sáng tạo, biến thành khát vọng làm giàu cho quê hương.
Trong khuôn viên của HANAKA, đài tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt ở nơi trang trọng nhất. Để xây dựng văn hóa công ty, Mẫn Ngọc Anh tạo ra quy chế làm việc rất chặt chẽ. Cuối giờ làm việc hằng ngày, anh họp với toàn bộ cán bộ chủ chốt để rút kinh nghiệm những việc chưa ổn, cho hướng xử lý các việc tiếp theo. Cứ thế, mỗi ngày qua, cách làm việc nghiêm túc, kỷ luật lại ăn sâu thêm vào mỗi người, tạo thành một phong cách làm việc mới. Được biết, công ty thường xuyên tổ chức các khóa tu dưỡng, rèn luyện cho cán bộ, công nhân viên học tập theo tấm gương của Bác Hồ. Doanh nhân Mẫn Ngọc Anh khẳng định, nghiên cứu về Bác, noi theo gương Bác giúp mỗi người tránh được lối sống lười lao động, thích hưởng thụ. “Cuộc đời chúng ta cái gì cũng thích, đó là chuyện bình thường. Tôi cũng thế, cũng thích chơi hơn thích làm. Nhưng chúng ta phải vượt qua điều này bằng việc quy hoạch sở thích. Đó là sự quy hoạch ý tưởng, từ đó sắp xếp công việc, sắp xếp thời gian một cách có hệ thống, có tính kỷ luật cao. Nếu bạn sắp xếp và kiên quyết việc nào làm trước, việc nào làm sau, xếp đúng thứ tự, bạn sẽ thành công”-Mẫn Ngọc Anh quả quyết.
25 năm qua, hàng chục nghìn máy biến áp, hàng trăm nghìn tấn dây cáp điện của HANAKA đi đến các địa phương trên khắp cả nước. HANAKA đang là một trong những nhà sản xuất chuyên nghiệp hàng đầu cả nước về các sản phẩm, như: Máy biến áp dầu và máy biến áp khô có điện áp 35kV, công suất 15.000kVA; trạm trọn bộ tủ bảng điện hạ thế; dây và cáp điện ngầm trung thế; các loại dây nhôm, dây đồng… Hàng nghìn máy biến áp của HANAKA còn được xuất khẩu sang Lào phục vụ việc nâng cấp mạng lưới điện; hàng nghìn tấn dây cáp điện được cung cấp cho các công trình tái thiết Iraq do Ngân hàng Thế giới cấp vốn; xuất khẩu máy biến áp điện lực cho thị trường Ghana... Để có được những thành tích ấy, cán bộ, công nhân viên HANAKA đều nói công lao lớn nhất thuộc về Mẫn Ngọc Anh. Còn chính anh lại nói đơn giản: “Tôi chỉ khuấy mọi việc lên thôi. Còn tất cả là do anh em làm nên”.
Mà đúng thật. Khi đã thành công trong lĩnh vực sản xuất thiết bị điện, Mẫn Ngọc Anh lại khuấy động cả công ty vào những hướng đầu tư khác: Sản xuất bao bì, đồ hộp bằng thép, hạ tầng đô thị. Vui vẻ với sự chuyển hướng này, nhiều cán bộ, công nhân viên lại học nghề mới…
Bài và ảnh: HOÀNG VIỆT