QĐND - Hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia và Festival Huế 2012, bộ tem bưu chính “Cầu mái ngói” sẽ được phát hành ngày 8-4-2012 tại tỉnh Thừa Thiên -Huế, ngay sau lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia khu vực Bắc Trung Bộ và Festival Huế 2012 diễn ra tối 7-4-2012. Đồng thời, bộ tem này dự kiến còn được in biểu trưng của Triển lãm tem thế giới Sing -pex 2012.

Không phổ biến như cầu sắt, cầu đá hay cầu gỗ thông thường, cầu ngói là một dạng kiến trúc độc đáo và hiếm thấy nhất ở Việt Nam. Những cây cầu uốn cong như cầu vồng, có tuổi đời hàng trăm năm, lợp mái ngói cổ kính, nằm soi mình bên dòng nước trong xanh đã mang đến cho phong cảnh làng quê Việt một vẻ đẹp thật đặc biệt, khó quên.

Cầu ngói Phát Diệm

Cầu ngói Phát Diệm là một công trình kiến trúc dân gian đặc sắc ở vùng công giáo Kim Sơn, Ninh Bình. Cầu bắc qua sông ân, nằm ở trung tâm thị trấn Phát Diệm, cách trung tâm thành phố Ninh Bình khoảng 30km.

Cầu ngói là chiếc cầu vồng bằng gỗ 3 nhịp, mỗi nhịp có 4 gian, với tổng chiều dài 36m, chiều rộng 3m. Hai bên thân cầu có hai dãy lan can và cột đều bằng gỗ lim, trên cầu có mái che lợp ngói đỏ cổ truyền, hai bên đầu cầu có bậc tam cấp nối xuống đường và bước xuống sông.

Từ năm 1876, cầu ngói Phát Diệm được xây dựng toàn bằng gỗ và ngói. Sàn cầu lúc ấy là những tấm gỗ ván dài 10m được đóng vào dàn khung dầm cầu bằng những cây đinh đóng thuyền. Cột chân cầu bằng gỗ, những cây gỗ lớn cỡ hai vòng tay người ôm mới xuể. Trải qua quá trình lịch sử, cầu ngói Phát Diệm liên tục được gia cường tu bổ để phục vụ nhu cầu đi lại, đây cũng là con đường chính để người dân tiến ra lấn biển...

Cầu ngói chùa Lương

Cầu ngói chùa Lương, xã Hải Anh, Hải Hậu, Nam Định được xây dựng cách đây khoảng 300 - 400 năm. Cầu bắc ngang sông Trung Giang, nằm ngay trên con đường dẫn vào chùa Lương. Cầu tuy chạm, khắc đơn giản song thể hiện hài hòa nét kiến trúc cổ truyền. Cầu là nơi đi lại và dừng chân khách bộ hành nghỉ ngơi ngắm cảnh sông nước, làng quê. Năm 2010, chùa được tu bổ và sơn màu lại.

Cầu ngói Thanh Toàn

Trong dịp Festival Huế 2012, “Chợ quê ngày hội” sẽ diễn ra từ ngày 8 đến hết 11-4 tại cầu ngói Thanh Toàn. Đây là một hoạt động thường xuyên trong mỗi kỳ Festival Huế.

Cầu ngói Thanh Toàn bắc qua một con mương chảy từ đầu làng đến cuối làng Thanh Toàn, thuộc xã Thủy Thanh, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế, cách trung tâm thành phố Huế chừng 8km theo đường bộ về phía đông.

Cầu ngói Thanh Toàn được xây dựng cách đây hơn 200 năm bằng gỗ theo lối “thượng gia hạ kiều” (trên nhà, dưới cầu), dài 17m, rộng 4m. Trên cầu có mái che, lợp ngói ống tráng men chia làm 7 gian. Hiện nay, cầu là một di tích kiến trúc cổ, rất có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa và còn là một thắng cảnh.

Chùa Cầu

Chùa Cầu nằm trong Khu phố cổ Hội An, thuộc tỉnh Quảng Nam. Cầu có chiều dài 18m với 7 gian bằng gỗ, vắt cong qua lạch nước chảy ra sông Hoài. Cầu có dáng uốn cong mềm mại, nhiều họa tiết đẹp.

Chùa Cầu là công trình kiến trúc do các thương gia Nhật Bản đến buôn bán tại Hội An xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ 17. Cây cầu còn có các tên khác là cầu Nhật Bản hay cầu Lai Viễn do chúa Nguyễn Phúc Chu thăm Hội An năm 1719 đặt tên, với hàm ý sẵn lòng đón đợi bạn phương xa đến.

Bài và ảnh: Nguyễn Văn Khải