QĐND - Nằm cách trung tâm thành phố Huế gần 10km, cầu ngói Thanh Toàn thuộc xã Thủy Thanh, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế được xây dựng năm 1776. Đây là chiếc cầu làm bằng gỗ, mái lợp ngói, với chiều dài 17m, rộng 4m, có kiến trúc rất đặc biệt, được thiết kế theo lối "thượng gia hạ kiều" (tức là trên nhà, dưới cầu). Công trình nghệ thuật đặc sắc này đã được Nhà nước công nhận di tích cấp quốc gia vào năm 1990.

Cầu ngói Thanh Toàn gồm 7 gian, gian giữa được dành riêng để thờ bà Trần Thị Đạo - người làng Thanh Thủy Chánh, vợ của vị quan đầu triều Thủ phủ xứ Thuận Hóa. Bà đã bỏ tiền của xây dựng chiếc cầu này để dân làng hai bên qua lại thuận tiện, khỏi phải dùng đò ngang. Cầu lợp mái cũng là để khách bộ hành và người cơ nhỡ tạm dừng chân khi lỡ bước, dân làng ngồi nghỉ ngơi, hóng mát trưa hè, đêm trăng thanh gió mát.

Cầu ngói Thanh Toàn mang đậm chất dân dã, mộc mạc. Vào mỗi dịp diễn ra Festival Huế, cầu ngói Thanh Toàn và chợ quê cầu ngói Thanh Toàn thường được ban tổ chức lễ hội chọn là nơi để tái hiện phiên chợ trong ngày hội của vùng nông thôn. Trong phiên chợ thường bày bán các đồ vật như: Cày, bừa, liềm, gầu, xe quạt lúa, cối xay lúa, cối giã gạo, cùng  nhiều sản vật bánh tày, bánh ú, chè bắp, chè hạt sen, kẹo cau, đậu hũ, củ môn, muối mè...

Cầu ngói Thanh Toàn luôn được nhiều du khách ghé thăm bởi nó có lẽ là cây cầu độc nhất vô nhị ở Việt Nam…

Khách du lịch nước ngoài tham quan cầu.

Toàn cảnh cầu ngói Thanh Toàn.

Hàng ngày, thường có rất đông người dân đi chợ ngồi nghỉ chân trên cầu.

Kết cấu của cầu bằng gỗ độc đáo.

Gian giữa của cầu được dành riêng để thờ bà Trần Thị Đạo.

Phóng sự ảnh của QUANG THÁI