QĐND - Trong lý lịch của mình, ở mục "Ngày tham gia cách mạng", ông ghi: Tháng 8-1945 và "Ngày nhập ngũ": 19-12-1946. Những cột mốc đáng nhớ của cuộc đời ông đều gắn với những mốc son của dân tộc. Sau này, khi chuyển sang công tác trong ngành ngoại giao, ông cũng dành toàn bộ tâm huyết cho sự nghiệp bảo vệ nền độc lập cho nước nhà. Ông là Trần Hoàn, nguyên là Quyết tử quân Trung đoàn Thủ Đô, nguyên Đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len.
Sinh viên thành Quyết tử quân
Thiếu tá Trần Hoàn khi được biệt phái sang Bộ Ngoại giao. Ảnh do tác giả cung cấp
Trần Hoàn lớn lên tại phố Hàng Đường. Được học hành chu đáo, trở thành sinh viên Đại học Đông Dương, trước mặt ông thênh thang con đường trở thành một viên chức của chính quyền thuộc địa.
Nhưng những ngày tháng sục sôi khí thế cách mạng năm 1945 lại hướng đường đời của ông và nhiều thanh niên Hà Nội như ông theo một ngả khác. Trần Hoàn đã tham gia Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, sau đó gia nhập các tổ chức Việt Minh, làm Ủy viên Khu bộ Việt Minh khu Đồng Xuân, tham gia Đội Thanh niên Hoàng Diệu, Tự vệ thành Hà Nội.
Ngay từ những ngày đầu mùa đông năm 1946, thanh niên tự vệ Trần Hoàn liên tục có mặt tại Liên khu 1, chuẩn bị cho cuộc chiến đấu chống lại âm mưu của thực dân Pháp muốn trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 18-12-1946, quân Pháp ra tối hậu thư, yêu cầu ta phải giao quyền kiểm soát toàn bộ Hà Nội cho chúng. Chúng tính toán rằng, với xe tăng, pháo binh, không quân mạnh gấp bội, chỉ cần vài ngày là có thể tiêu diệt hoàn toàn lực lượng Việt Minh tại Thủ đô.
Chúng đã nhầm. Đêm 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến". Lời kêu gọi của Người đã trở thành mệnh lệnh chiến đấu. Toàn dân nhất tề đứng lên. Những người ưu tú nhất, dũng cảm nhất được biên chế vào các tiểu đoàn. Anh sinh viên Trần Hoàn ngày hôm đó chính thức trở thành người lính quyết tử tham gia chiến đấu tiêu hao và giam chân địch trong thành phố, làm thất bại bước đầu âm mưu của địch.
Lời thề “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”
Những ngày tiếp theo, Trần Hoàn cùng các đồng đội lao vào chiến đấu nhằm ngăn cản bước tiến của địch, bảo vệ từng căn nhà, góc phố của thủ đô Hà Nội, tạo điều kiện cho các cơ quan đầu não của Đảng, Chính phủ di chuyển đến căn cứ địa kháng chiến.
Mục tiêu ban đầu chỉ là giữ vững trận địa khoảng một tháng. Tuy nhiên, về phía ta, quân số tuy đông nhưng vũ khí, đạn dược, lương thực rất thiếu. Trong tình hình đó, trên đã quyết định chỉ giữ lại những thành phần tinh nhuệ nhất, thống nhất tất cả các bộ phận vệ quốc đoàn, tự vệ chiến đấu, công an xung phong, tự vệ thành trong Liên khu 1 thành một trung đoàn lấy tên là Trung đoàn Liên khu 1 (sau này là Trung đoàn Thủ Đô).
Cùng với đồng đội, Trần Hoàn tháo chiếc sao vuông, gắn chiếc sao tròn trên mũ ca lô, hãnh diện đội lên đầu. Vậy là kể từ đó, các chiến sĩ tự vệ trở thành Vệ quốc quân. Ngày 14-1-1947, tại rạp Tố Như phố Hàng Bạc, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 101, 102, 103, trung đoàn bộ thay mặt cho hàng nghìn chiến sĩ đang sống chết với quân thù trên các chiến hào Liên khu 1 trong trang phục đủ màu, đủ vẻ với những chiếc khăn đỏ trên cổ. Đó chính là lá Quốc kỳ nhỏ họ tự may để vì nó mà quyết tử. Cờ được gấp lại thành khăn quàng, luôn mang theo mình để khi ngã xuống, anh em đồng chí sẽ lấy phủ lên thân mình. Điều đặc biệt hơn, mỗi chiến sĩ còn được phát một băng đeo tay bằng lụa màu vàng có dòng chữ TĐTĐ (Trung đoàn Thủ Đô) và một phù hiệu bằng lụa đỏ, hình đuôi nheo trên gắn ngôi sao bằng đồng và biển đồng có chữ viết tắt: VNVQĐ (Việt Nam Vệ quốc đoàn), Đoàn Thủ Đô, phía dưới có hình tháp rùa, hai bên là cành nguyệt quế. Được biết phù hiệu do ông Nguyễn Văn Cốc, tiểu chủ ở phố Hàng Thiếc thiết kế và trang bị cho các chiến sĩ Trung đoàn Thủ Đô hôm đó. Trên nền đỏ tượng trưng cho nhiệt huyết cách mạng, biểu tượng cho sự chiến đấu và chiến thắng, ngôi sao vàng năm cánh tượng trưng cho linh hồn dân tộc, tượng trưng cho sự đoàn kết của các tầng lớp nhân dân. Tháp rùa là biểu tượng của thủ đô Hà Nội. Phù hiệu được các chiến sĩ Trung đoàn Thủ Đô đeo trên áo ở cánh tay trái với niềm tự hào về Thủ đô yêu dấu với quyết tâm: “Thề sống chết với Thủ đô-Thề quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” .
Tiểu đoàn 101 được giao nhiệm vụ chốt giữ trận địa khu Đồng Xuân. Lúc này tiểu đoàn giữ lại 150 cán bộ, chiến sĩ, biên chế thành 5 trung đội. 8 giờ, quân Pháp tấn công từ 4 hướng vào khu Đồng Xuân với hy vọng tiêu diệt gọn Tiểu đoàn 10 rồi thọc sâu vào chỉ huy sở trung đoàn và tiến tới làm chủ Hà Nội. Lúc này Trần Hoàn đã là tiểu đội trưởng, chỉ huy tiểu đội giữ ngõ Thanh Hà. Đó là một ngõ hẹp, địch sử dụng một lực lượng rất mạnh đánh vào đây để vượt ra phố Hàng Chiếu, hình thành một mũi thọc sâu, bao vây phía sau lưng của quân ta ở Đồng Xuân. Tiểu đội của anh đã chiến đấu gan góc chỉ bằng súng tiểu liên Sten, Thompson cướp được của địch và một số lựu đạn do xưởng Phan Đình Phùng sản xuất cùng với những chai xăng tự chế đã kiên trì chống chọi, giành giật với địch trong từng căn nhà lụp xụp, suốt từ sáng đến quá trưa, bẻ gãy ý đồ chiến thuật của chúng. Tiểu đội trưởng Trần Hoàn bị thương nhưng trận địa của đơn vị được giữ vững… Tiểu đội của anh đã cùng các chiến sĩ cảm tử của khu Đồng Xuân dũng cảm, mưu trí giáng cho địch một đòn nặng nề. Ta hy sinh 15 đồng chí, 19 đồng chí bị thương nhưng đã tiêu diệt hơn 200 tên địch. Địch phải bỏ những vị trí mới cắm ở phố Hàng Chiếu, bỏ trống khu chợ Đồng Xuân, lui về Hàng Khoai, Hàng Giấy...
Chuyển ngành sang ngoại giao
Sau 2 tháng ròng rã, các chiến sĩ Trung đoàn Thủ Đô đã chiến đấu giữ vững thủ đô Hà Nội. 18 giờ ngày 17-2-1947, trong cuộc rút lui thần kỳ của Trung đoàn Thủ Đô ra khỏi Hà Nội, Tiểu đoàn 101 là đơn vị đi đầu. Đêm đó mưa phùn, giá rét, tối như mực, Trần Hoàn đã được anh em Tiểu đoàn 101 Đồng Xuân và cậu em trai Trần Khoan cũng là Quyết tử quân dìu đi theo đường gầm cầu Long Biên, vượt sông Hồng, sông Đuống, bí mật vượt qua vòng vây an toàn. Trên đường rút lui, trên cánh tay các chiến sĩ Trung đoàn Thủ Đô lấp lánh chiếc phù hiệu có hình tháp rùa với quyết tâm mong đợi ngày về giải phóng...
Những ngày điều trị tại quân y viện trung đoàn, vết thương vừa khỏi, Trần Hoàn xin về đơn vị tiếp tục chiến đấu. Trong kháng chiến chống Pháp, anh tham gia nhiều chiến dịch, kết thúc bằng chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ với cương vị Chính trị viên Tiểu đoàn.
Bắt đầu từ đó, cuộc đời Trần Hoàn lại có ngã rẽ mới. Do có vốn tiếng Pháp tốt, lại có kiến thức về luật, ông được cử tham gia hội nghị Trung Giã - giữa Đoàn đại biểu Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam và Đoàn đại biểu Bộ Tổng chỉ huy Quân đội Liên hiệp Pháp bàn những vấn đề quân sự do Hội nghị Giơ-ne-vơ đặt ra nhằm thực hiện cụ thể hóa việc ngừng bắn và chuyển quân đã được thỏa thuận. Sau hội nghị, ông chuyển sang làm sĩ quan liên lạc của Ủy ban Liên hiệp đình chiến Trung ương và đến năm 1961 với quân hàm thiếu tá, ông được biệt phái sang Bộ Ngoại giao, công tác tại Vụ Miền Nam do Đại tá Hà Văn Lâu làm Vụ trưởng.
Những năm 1969-1973, ông được cử tham gia Hội nghị Pa-ri, được phân công dự thảo các tuyên bố cho Bộ trưởng Xuân Thủy đọc tại các phiên họp, là thành viên trong các cuộc họp giữa đồng chí Lê Đức Thọ và Ngoại trưởng Mỹ H.Kít-xinh-giơ và cũng là một thành viên soạn thảo Hiệp định Pa-ri.
Sau này ông nhớ lại, trong suốt quá trình đó, trong ông luôn cháy bỏng một khát vọng là góp phần đấu tranh cho nền độc lập, tự do của đất nước. Lời thề độc lập năm xưa luôn là chỗ dựa cho ông, trên chiến lũy Hà Nội và trên bàn đàm phán tại Pa-ri. Ông luôn tự hào rằng, trong những ngày bảo vệ Thủ đô thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp và trên mặt trận ngoại giao thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông đã có một phần đóng góp nhỏ bé.
Năm 1978, ông vinh dự được cử làm Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền đầu tiên của nước ta tại Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len.
Một chàng trai Hà Nội trong "Lũy hoa"
Sau này, khi công tác ở Bộ Ngoại giao, trải qua nhiều cương vị như: Vụ phó Vụ Bắc Mỹ, Tổng cục trưởng Tổng cục Kinh tế, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Quốc tế... ông Trần Hoàn vẫn giữ được những tính cách của một Quyết tử quân năm nào, không ngại gian khổ hy sinh, luôn bình tĩnh trong mọi tình huống, đồng thời cũng vẫn toát lên vẻ hào hoa của người trai Hà Nội. Ông may mắn được gặp nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, tác giả của cuốn tiểu thuyết “Sống mãi với Thủ đô” và truyện phim “Lũy hoa” nổi tiếng. Là thế hệ đi trước, lại hơn ông Hoàn tới một giáp, nhưng không hiểu vì sao nhà văn Nguyễn Huy Tưởng rất quý mến ông Hoàn. Khi viết xong cuốn “Sống mãi với Thủ đô”, nhà văn đã gửi cho “chú em Hoàn” một bản thảo đánh máy dày cộp, nói: “Chú đọc lại rồi góp ý cho tôi nhé”. Sau đó, ông còn nhờ Trần Hoàn đèo trên xe đi khắp các địa điểm, từ Đồng Xuân đến Hàng Thiếc, từ Bắc Bộ Phủ đến Hàng Đậu... nơi diễn ra những trận đánh của một thời oanh liệt để xác minh sự kiện.
Có lẽ vì thế, mặc dù trong các tác phẩm của mình, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng không lấy Trần Hoàn làm nguyên mẫu cho một nhân vật cụ thể nào, nhưng người đọc dường như lại luôn thấy bóng dáng ông trong nhiều nhân vật nam thanh niên sinh viên trong “Sống mãi với Thủ đô”, nhất là trong “Lũy hoa”.
Đến nhà ông, ngắm lại những bức ảnh chụp từ thời trẻ đến khi đã về già, có thể thấy điều đó thật hợp với ông. 70 năm trôi qua, chiếc phù hiệu được gia đình người chiến sĩ Trung đoàn Thủ Đô năm xưa giữ gìn như báu vật. Sau khi ông qua đời, tháng 6-2016 chuẩn bị kỷ niệm 70 năm Toàn quốc kháng chiến, bà Đỗ Việt Tú, vợ ông đã trao tặng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam nhiều kỷ vật quý về cuộc đời quân ngũ của ông, trong đó có chiếc phù hiệu bằng đồng có hình Tháp rùa của Trung đoàn Thủ Đô năm nào...
LẠI VĨNH MÙI - TRẦN THANH HẰNG