Một tấm lòng với sân khấu
Tôi gặp Tiến sĩ Chua Soo Pong lần đầu năm 2015 trong Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc tại Thanh Hóa. Chua Soo Pong nói tiếng Việt bập bõm và nghe cũng bập bõm nhưng vở kịch nào ông cũng xem một cách say mê. Chua Soo Pong sinh tại Jakarta, Indonesia, sau đó chuyển sang Singapore. Ông từng đảm nhiệm chức Hiệu trưởng Học viện Opera Singapore (1995-2010). Ông là giáo sư ngành sân khấu nổi tiếng, từng nhận lời mời diễn thuyết, giảng dạy tại nhiều trường đại học ở châu Âu, châu Á. Ông cũng được mời làm giám khảo các cuộc thi sân khấu, múa và múa rối ở gần 40 quốc gia như: Trung Quốc, Anh, Mỹ, Pháp, Na Uy, Italy, Áo, Bỉ, Thổ Nhĩ Kỳ, Đan Mạch, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia, Việt Nam… Những tác phẩm do ông viết kịch bản hoặc đạo diễn đã được trình diễn trong gần 80 liên hoan sân khấu quốc tế.
Đến nay, Chua Soo Pong đã đến và làm việc tại nhiều quốc gia. Ông sang Việt Nam lần đầu vào tháng 2-1993. Lúc ấy, thời tiết lạnh, gió nồm khiến mọi thứ ẩm ướt, mốc meo. Đến diễn thuyết tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, ông ngạc nhiên vì căn phòng hội thảo bé tí tẹo, đèn điện cũng chỉ lờ mờ, khi ấy lại chật ních người, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng cũng có mặt, ai cũng chăm chú lắng nghe khiến vị đạo diễn người Singapore cảm kích vô cùng. Từ đó đến nay đã hơn hai thập kỷ đi lại Việt Nam như kẻ đi làm ăn xa trở về, ông đã chứng kiến nhiều sự đổi thay.
Không chỉ gắn bó với Việt Nam, Chua Soo Pong còn chứng kiến sự trưởng thành của nhiều nền sân khấu khác trên thế giới bởi ông có dịp gắn bó từ khi còn khó khăn. Năm 1991, ông được mời dựng vở ở Bangladesh, nhưng đất nước này nghèo đến nỗi chỉ có thể lo ăn ở cho đạo diễn trong quá trình làm việc, còn lại tất cả tùy đối tác lo liệu. Chua Soo Pong đã tự bỏ tiền túi mua vé máy bay, chấp nhận không được trả thù lao dựng vở để có cơ hội làm việc với các bạn trẻ Bangladesh. Ông từng được Bộ trưởng Bộ Văn hóa Bangladesh mời ăn cơm trưa. Ở đất nước này, ông cũng có rất nhiều học trò. Nếu ở Bangladesh một tháng thì bảo đảm ngày nào ông cũng được các học trò thay nhau mời cơm thầy...
Chua Soo Pong hướng dẫn diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam tập vở “Hồng lâu mộng”.
Ở Việt Nam, Chua Soo Pong cũng gắn bó với nhiều thế hệ nghệ sĩ, đặc biệt là sinh viên tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội và Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội. Ông thích các sinh viên Việt Nam vì luôn nhìn thấy khát vọng nghệ thuật lấp lánh trong mắt họ. Khi ông kết thúc giờ giảng trên lớp, các sinh viên vẫn gặp ông để hỏi thêm về điều này, điều kia. Ông bận không thể trả lời ngay được thì họ gửi e-mail, viết bằng tiếng Trung, tiếng Anh không hoàn toàn chuẩn xác, song với ông thì điều này rất đáng yêu.
Chua Soo Pong trở thành bạn thân của NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Vốn là diễn viên tuồng nên khi mới gặp Chua Soo Pong, NSND Lê Tiến Thọ đã “tiêm nhiễm” niềm đam mê của mình cho người bạn ngoại quốc. Chua Soo Pong mê ngay, vì nó hội tụ nhiều tinh hoa, khó bậc nhất trong các loại hình nghệ thuật biểu diễn. Vị đạo diễn người Singapore đã tìm hiểu và quyết tâm dựng một vở tuồng mang tên “Dưới bóng đa huyền thoại” do chính mình viết kịch bản. Đây là lần đầu tiên, nghệ thuật tuồng Việt Nam được một đạo diễn nước ngoài dàn dựng, và cũng là thử thách không nhỏ với Chua Soo Pong. Vở diễn đã thành công và được chọn tham dự Festival sân khấu Pohang Bada Hàn Quốc.
Kết nối sân khấu các quốc gia
Không chỉ thích tuồng, Chua Soo Pong còn nghiên cứu cả cải lương, chèo, múa rối. Ông bảo, nghệ thuật dân tộc Việt Nam may mắn được Nhà nước hỗ trợ suốt từ những năm tháng chiến tranh đến nay, nên tuy gặp khó khăn trong thời kinh tế thị trường song nhìn chung, những loại hình này vẫn giữ được phong độ ổn định, thể hiện được bản sắc quốc gia. Trong quá trình giảng dạy cho các sinh viên Khoa Cải lương, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, Chua Soo Pong cũng đã dàn dựng cho các em tác phẩm nổi tiếng “Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du.
Địa điểm mà Chua Soo Pong gắn bó nhiều nhất có lẽ là Nhà hát Kịch Việt Nam với 4 vở diễn: “Đám cưới con gái chuột”, “Con gà trống”, “Người đẹp khách sạn” và gần đây là “Hồng lâu mộng”. “Hồng lâu mộng” từng khiến ông “điên đầu” vì những thử thách khó vượt qua. Ít người tin vào sự thành công của một “Hồng lâu mộng” trên sàn diễn kịch. Bản thân Chua Soo Pong khi làm việc với Nhà hát Kịch Việt Nam đúng lúc đơn vị này cùng lúc dựng mấy vở, đang cạn nguồn nhân lực. “Nhiều diễn viên khi diễn ở nhà, tôi thấy không ưng, song khi tham dự festival thì diễn xuất thăng hoa bất ngờ”-ông bộc bạch.
Kịch của Chua Soo Pong không bị ảnh hưởng bởi tính kinh viện, triết lý sâu xa khó hiểu. Nhân vật của ông không bị đan xen, nhập nhằng giữa những bùng nhùng cảm xúc, ngược lại, sự phân biệt thiện-ác có vẻ rõ ràng. Nhiều vở ông dựng ở Việt Nam có màu sắc dân gian như “Đám cưới con gái chuột”, “Dưới bóng đa huyền thoại” dù nguồn gốc nước ngoài nhưng gần gũi với người Việt. Hoặc là những tác phẩm nổi tiếng như “Kiều” hay “Hồng lâu mộng”, song ông chỉ lấy một vài lát cắt. Xem kịch của ông, nếu không hiểu ngôn ngữ vẫn có thể đoán được nội dung, vì ông thích sử dụng vũ đạo. Ông quan niệm, làm nghệ thuật là góp phần giúp khán giả hiểu được đúng-sai trong cuộc sống.
Ở Việt Nam, bất cứ sự kiện sân khấu nào cũng thấy Chua Soo Pong có mặt. Ông từng ngồi trong hội đồng những người “cầm cân nảy mực” của Liên hoan Múa rối quốc tế lần thứ tư tổ chức tại Hà Nội, Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ ba. Đồng nghiệp Việt Nam gọi ông là người “nối vòng tay lớn” để sân khấu Việt Nam có cơ hội đến với bạn bè các nước, cũng như đón đồng nghiệp nước ngoài đến biểu diễn tại Việt Nam. Ông đã dẫn các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam tham dự Liên hoan Sân khấu quốc tế tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Bangladesh. Ông cũng giới thiệu nhiều đoàn quốc tế đến Việt Nam tham dự Liên hoan Múa rối quốc tế, Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm. Nhờ có Chua Soo Pong mà nhiều nghệ sĩ Việt Nam được xuất ngoại, cũng nhờ có ông mà các liên hoan quốc tế do Việt Nam tổ chức xôm tụ hơn với sự có mặt của nhiều đồng nghiệp nước bạn.
Ở đâu, làm gì, ông lúc nào cũng hăng say. Đang tất bật dựng vở ở Việt Nam nhưng hễ Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippines, Malaysia có hội thảo hay liên hoan là ông lại bay sang tham dự. Mọi người thắc mắc, đã xấp xỉ thất thập rồi, động lực nào khiến ông làm việc khỏe thế, Chua Soo Pong cười bảo: “Tôi là thanh niên, tôi không già”.
Bài và ảnh: THU HUYỀN