QĐND - Tại phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO diễn ra tại thành phố Át-đi A-ba-ba (Addis Ababa), Cộng hòa Dân chủ Liên bang Ê-ti-ô-pi-a (Ethiopia), di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Nhân dịp này, bà Trần Thị Hoàng Mai, Phó tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, đã có cuộc gặp gỡ báo giới.

Phóng viên (PV): “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã trở thành “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” thứ 11 của Việt Nam. Theo bà, đâu là những giá trị cơ bản của di sản này?

Bà Trần Thị Hoàng Mai: Việc “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” vừa được UNESCO ghi danh tại Danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” không phải là sự ngẫu nhiên mà là sự đánh giá một giá trị văn hóa bao hàm trong tín ngưỡng này. Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt chứa đựng giá trị văn hóa rất đặc sắc. Thứ nhất, đây là một tín ngưỡng dân gian mang tính bản địa sâu sắc. Có nhiều quốc gia, dân tộc trên thế giới thờ Mẫu nhưng ở Việt Nam, tín ngưỡng này mang nhiều nét khác biệt. Người Việt thờ Mẫu không chỉ là thờ những hiện tượng thiên nhiên dưới hình thức của một người mẹ-mẹ núi, mẹ nước, mẹ rừng…-mà Mẫu đã được nhân thần hóa, với những người có tên, tuổi, quê quán. Tức là chúng ta đã địa phương hóa, Việt hóa tín ngưỡng thờ Mẫu. Đây là một ký ức lịch sử của dân tộc chúng ta. Đồng thời, cũng phản ánh được nhiều truyền thống văn hóa, như cách chúng ta quan niệm về cuộc sống qua những bài chầu văn.

Bà Trần Thị Hoàng Mai. Ảnh: MINH ĐỨC

Thứ hai, thông qua những thực hành, tất cả các thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ như nghi lễ, múa hát chầu văn, hay trang phục thể hiện rất nhiều điều về văn hóa Việt Nam. Thậm chí, đó được coi là một "bảo tàng sống” về văn hóa Việt Nam, nói lên lối sống, cung cách sinh hoạt, ước vọng của xã hội Việt Nam. Mặt khác, những hình thức diễn xướng, âm nhạc, trang trí, kiến trúc đền phủ mang sâu sắc tính bản địa của Việt Nam và được truyền từ ngàn đời nay.

Giá trị thứ ba là, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ dù mang tính bản địa sâu sắc nhưng lại dung nạp những nền văn hóa khác. Như ở một điện thờ có cả đạo Phật, đạo Lão và các nền văn hóa khác. Đó cũng là một nhân tố thắt tình đoàn kết giữa các dân tộc khác nhau.

PV: Hồ sơ “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là một trong số 18 hồ sơ được UNESCO công nhận mà không cần thảo luận. Điều đó có nghĩa, ngoài giá trị văn hóa đã được khẳng định, còn thể hiện việc chúng ta đã chuẩn bị rất tốt bộ hồ sơ này, thưa bà?

Bà Trần Thị Hoàng Mai: Phải nói là giá trị văn hóa của “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” rất đặc sắc nên hồ sơ của chúng ta được đánh giá rất cao, được các chuyên gia của UNESCO đánh giá là một trong những hồ sơ tốt nhất. Tất nhiên, chúng ta cũng có một chút khó khăn. Tên ban đầu của hồ sơ là “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”. Tuy nhiên, các chuyên gia UNESCO đã đề nghị chúng ta đổi tên thành “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” cho đúng với nội dung chúng ta đề cập trong hồ sơ hơn. Tức là, nhấn mạnh vào khía cạnh văn hóa, khía cạnh thực hành văn hóa của hồ sơ hơn là khía cạnh tôn giáo. Điều đó đúng với tinh thần của Công ước về Bảo vệ các di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.

Việc hồ sơ “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO công nhận là công sức của rất nhiều cơ quan, đơn vị, cộng đồng. Trong đó, đặc biệt là cộng đồng thực hành tín ngưỡng. Họ đã bảo vệ, làm sống di sản từ đời này sang đời khác để ngày nay chúng ta được thừa hưởng. Tuy nhiên, để có thể trình hồ sơ lên UNESCO cần có những căn cứ khoa học, cần làm nổi bật những tiêu chí của UNESCO. Ở đây chúng tôi nhấn mạnh tới Nam Định, địa phương đã thay mặt cả nước đứng ra chủ trì hồ sơ; Viện Văn hóa-Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nơi các chuyên gia đã phối hợp với các chuyên gia trong và ngoài nước để có thể viết nên một hồ sơ rất chất lượng; rồi cộng đồng thực hành tín ngưỡng tại nhiều địa phương khác nhau cùng hoàn thành một hồ sơ sống động, đạt tiêu chí của UNESCO. Ngoài ra, còn có sự đóng góp của nhiều cơ quan như: Bộ Ngoại giao, UNESCO Việt Nam… Chúng tôi đã mang di sản này giới thiệu với các đoàn ngoại giao nước ngoài đến Việt Nam, ra nước ngoài, với các chuyên gia, đặc biệt là chuyên gia của UNESCO, để thuyết phục họ về giá trị rất quan trọng, về cái đẹp của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, bộ, ngành, cộng đồng… đã làm nên sự công nhận ngày hôm nay.

PV: Theo bà thì Hồ sơ “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO ghi danh có ý nghĩa như thế nào đối với việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam?

Bà Trần Thị Hoàng Mai: Khi thực hiện hồ sơ này, việc đầu tiên là chúng ta đã đánh thức ý thức về giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Cùng đó, những người nghiên cứu về tín ngưỡng có dịp thực hiện việc sưu tầm, kiểm kê, nghiên cứu sâu hơn để trình hồ sơ. Sau đó, việc hồ sơ được công nhận rõ ràng là một sự tự hào, tự hào của cộng đồng những người thực hành tín ngưỡng, tự hào chung của người Việt… Đây là dịp để mọi người nâng cao ý thức và hiểu sâu sắc hơn giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Từ đó, thấy được trách nhiệm cần phải bảo vệ giá trị văn hóa này của dân tộc, của toàn nhân loại.

PV: Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia, vùng lãnh thổ có nhiều “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” nhiều nhất thế giới. Nhưng trên thực tế, kho tàng di sản văn hóa của chúng ta còn rất dày dặn. Sau “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”, chúng ta có kế hoạch trình UNESCO di sản nào không, thưa bà?

Bà Trần Thị Hoàng Mai: Trong năm 2017, việc đầu tiên, chúng ta sẽ đề nghị UNESCO công nhận Hát xoan từ danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp” lên danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Lý do là chúng ta đã làm tốt công tác bảo tồn và di sản này đã “sống” được.

Việc tiếp theo, chúng ta sẽ bảo vệ di sản Hát bài chòi trước UNESCO để được công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Những năm tiếp nữa, chúng ta có kế hoạch đệ trình hồ sơ về hát then, xòe Thái…

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

Tháng 3-2014, Việt Nam đã chính thức đệ trình UNESCO Hồ sơ “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” xét đăng ký vào danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Theo Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, hồ sơ đề cử di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đáp ứng những tiêu chí sau để đăng ký vào Danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”:

Thứ nhất, các thông tin trong hồ sơ đã chỉ ra rằng, di sản đã và đang góp phần quan trọng vào việc tạo ra sợi dây tinh thần liên kết các cộng đồng thực hành di sản. Từ góc độ xã hội, với tính chất cởi mở của di sản, đã thúc đẩy sự khoan dung giữa các sắc tộc và tôn giáo. Di sản này đã được trao truyền lại từ thế kỷ thứ 16 thông qua việc thực hành, truyền dạy của thủ nhang, đồng đền và con nhang, đệ tử... Nó tương thích với các quy định về nhân quyền quốc tế và không có giới hạn về thực hành.

Thứ hai, các thông tin trong hồ sơ chỉ ra rằng, bộ phận cấu thành của di sản này góp phần vào khả năng thực hành di sản nói chung và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nó ở các cấp độ khác nhau; đưa ra được những điểm tương đồng văn hóa giữa các cộng đồng và các nhóm người tham gia vào việc thờ Mẫu như là biểu tượng của lòng từ bi và độ lượng, cùng với đó là sự kết hợp của Đạo giáo, Phật giáo và các tôn giáo khác. Khi di sản này được chia sẻ bởi các nhóm dân tộc khác nhau ở Việt Nam, việc thực hành sẽ tăng cường đối thoại và thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa; giúp cho việc sáng tạo, làm giàu vốn văn hóa và trở thành một thành phần quan trọng của lễ hội, nơi mà yếu tố nghệ thuật như trang phục, vũ đạo và âm nhạc đóng vai trò quan trọng.

Thứ ba, từ thập niên 1990, những người thực hành di sản này đã tự nguyện huy động, đóng góp tiền, hỗ trợ cho việc duy trì lễ hội và trùng tu di tích thờ Mẫu. Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để quản lý các lễ hội, di sản. Các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị của di sản đã được đưa ra. Các hoạt động đó phản ánh cam kết của Nhà nước, cộng đồng và các nhóm nhằm bảo vệ di sản. Mục tiêu tổng thể là để bảo đảm tính khả thi trong việc thực hành di sản, tránh việc thương mại hóa các nghi lễ.

Thứ tư, đề cử này là kết quả của việc tham vấn và hợp tác của những người thực hành, đại diện cộng đồng, nhà nghiên cứu, cùng với nhiều tổ chức chính phủ và phi chính phủ. Các tài liệu kèm theo hồ sơ cho thấy họ đã nhận được sự đồng thuận của cộng đồng cho việc đề cử di sản. Thông tin của hồ sơ đã chứng minh rằng, các biện pháp cụ thể nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản đã được thực hiện luôn tôn trọng phong tục tập quán, quyền tham gia thực hành di sản.

Thông tin hồ sơ cũng đã cung cấp một phụ lục chứng minh di sản đã được đưa vào “Danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” năm 2013. Hoạt động kiểm kê đã được Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp tổ chức thực hiện với Viện Văn hóa-Nghệ thuật quốc gia Việt Nam; kết quả kiểm kê đều được cập nhật hằng năm. Việc kiểm kê đã được thực hiện với sự tham gia của cộng đồng địa phương, trưởng thôn, thủ nhang, đồng đền, ông đồng, bà đồng, con nhang, đệ tử...

PHƯƠNG TRANG (thực hiện)