Đến ấp Tràm Thẻ Đông (Tân Phú, Thời Bình, Cà Mau) hôm nay từ người già đến trẻ đều hết lời khen ngợi một cô gái của quê hương họ là Trần Thị Như Huỳnh.
|
Như Huỳnh cùng em trai đang luyện đờn ca tài tử chuẩn bị cho cuộc thi ở Bạc Liêu cuối năm nay (ảnh: Huỳnh Lâm). |
Như Huỳnh có dáng vóc cao ráo, trắng trẻo, mặt trái xoan, nụ cười tươi, đôi mắt nhung huyền đằm thắm... Tóm lại có đủ phẩm chất của một diễn viên thực thụ, hay một người mẫu thực thụ. Mọi người đều bảo, ở cái xứ “cánh đồng chó ngáp” này, sinh ra được một cô gái tài sắc vẹn toàn như thế là hiếm lắm, trời cho! Cũng cần nói thêm là, Tràm Thẻ Đông đến hôm nay còn rất nghèo, đất sình, chua phèn và người dân ở đây đều phải một nắng hai sương vất vả làm ruộng quanh năm mới đủ ăn.
“Cánh đồng chó ngáp” là nơi sình lầy hàng trăm héc-ta của xã Tân Phú, trong đó chủ yếu nằm ở ấp Tràm, cái cánh đồng lúa một vụ loe hoe chưa được cải tạo, vẫn còn là biểu tượng cho sự đói nghèo ở vùng rốn nước Nam Bộ này. Bà con tự hào về Như Huỳnh không chỉ vì cô xinh đẹp, hát hay, mà còn vì cô tình nguyện ở lại gắn bó với quê hương, năm lần bảy lượt khước từ lời mời của các đoàn văn công tỉnh, thành phố. Cô muốn giữ mãi cái chân quê, chứ không phải “Hôm qua em đi tỉnh về, hương đồng gió nội bay đi ít nhiều” (thơ Nguyễn Bính).
14 tuổi Như Huỳnh đã là cây văn nghệ xuất sắc của trường cấp hai Thới Bình. Trời phú cho cô chất giọng ngọt ngào, khả năng luyến láy nhuần nhị, lại rất hợp với đờn ca tài tử, với cải lương Nam Bộ. Lúc đó có ông trưởng đoàn cải lương chuyên nghiệp ở Cần Thơ biết tiếng về tận quê rủ rê, nhưng bố mẹ già, em thơ đã giữ chân cô ở lại. Rồi học lên cấp ba, mới lớp 9, Như Huỳnh đã phải nghỉ học để “dồn sức” bù trì cho em trai học lên. Song năng khiếu trời cho về ca hát của cô gái hiền thảo, nết na ấy lại không hề bị thui chột, mà thăng tiến không ngừng. Năm học cấp hai cô đã đoạt giải nhất Tiếng hát nông dân huyện Thới Bình. Năm cô mới 16 tuổi (2002), đoạt liền hai giải nhì Liên hoan Đờn ca tài tử Nam Bộ tổ chức tại quê hương và thị xã Bạc Liêu. Năm tròn 18 tuổi, Như Huỳnh lại giành giải nhất Liên hoan Đờn ca tài tử tại Long An. Và năm ngoái, sau khi đoạt giải B tại Liên hoan ở Sóc Trăng, cô về thành phố Cần Thơ và giành giải B (không có A) tại Liên hoan giọng hát cải lương giải Bông Tràm. Đặc biệt, Như Huỳnh đại diện cho tỉnh Cà Mau có mặt trong Ngày hội thống nhất non sông tổ chức tại cầu Hiền Lương (Quảng Trị) năm 2005 và được Bộ Văn hóa-Thông tin tặng bằng khen cho cá nhân xuất sắc của phong trào văn hóa quần chúng.
Ngày nay cô gái mới 20 tuổi ấy đã được phong là “Nghệ nhân” về Đờn ca tài tử. Cô vẫn chăm chỉ miệt mài học và biểu diễn với câu lạc bộ thể nghiệm ở quê hương, nơi có nhiều bậc thầy về Đờn ca tài tử như: Huỳnh Hồng, Minh Đăng, Trường Giang, Hoàng Thắng, Quốc Sĩ... Và trên làn sóng của đài phát thanh, truyền hình tỉnh, mới đây là trung ương, tiếng hát Như Huỳnh liên tục bay xa. Đó là các bài ca ngợi Đảng, Bác Hồ và những bài hợp với giọng tình cảm mượt mà của cô trong điệu “oán” như: Phận nghèo; Ánh chớp quê hương; Chiêu quân cống Hồ; Bá Nha-Tử Kỳ...
Sinh ra để hát Đờn ca tài tử, Trần Thị Như Huỳnh đã chọn cho mình con đường đi riêng của một người suốt đời nặng nợ với quê hương. Và trở thành một nghệ nhân khi còn rất trẻ, dòng Đờn ca tài tử Nam Bộ mà khởi xướng từ nghệ nhân Cao Văn Lầu cách nay hơn 100 năm với những thế hệ nối tiếp như cô, sẽ còn dạt dào chảy mãi...
Sáu Quang