Cô Phượng tâm sự: “Học trò ở trường hầu hết là các học sinh khuyết tật, khả năng nhận thức không đồng đều nên đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt từ giáo viên. Ngoài chương trình phát triển chung, chúng tôi còn có chương trình riêng về giáo dục cá nhân, rèn kỹ năng sống nhằm giúp các em về ý thức tự phục vụ bản thân, tự chăm sóc hoặc có thể làm được việc nhỏ ở gia đình. Những học sinh chuyên biệt còn có tâm lý bất thường nên người thầy phải kiên trì, nhẫn nại thì mới có đủ tâm huyết để truyền tải kiến thức, dạy dỗ các em”.

leftcenterrightdel
Cô giáo Phạm Thị Nhật Phượng giảng bài cho học sinh tại Trường Chuyên biệt Bình Minh (quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh). 
Với cô, mỗi học trò là một trang giáo án khác nhau mà ở đó, người giáo viên vừa dạy học, vừa đóng vai trò như người chị, người mẹ. Điều hạnh phúc nhất của cô là thấy học trò đánh vần tròn chữ, biết làm phép toán đơn giản, biết thể hiện cảm xúc bản thân. Có một học sinh nam thường hay túm tóc cô khi cô đứng trên bục giảng, cô đã tìm đến nhà em để nghe người thân nói thêm đặc tính của người học trò này. Cô bất ngờ khi biết em đã bị mẹ bỏ rơi lúc nhỏ. Và có lẽ, hành động túm tóc cô giáo xuất phát từ việc muốn níu giữ hình ảnh người mẹ? Từ đó, cô vừa khuyên gia đình đưa em ấy đi điều trị tâm lý, vừa quan tâm trò chuyện thường xuyên, tâm sự, giải đáp cho em những khúc mắc trong cuộc sống. Nhờ vậy, cô đã giúp em vượt qua rào cản tâm lý, không còn túm tóc cô nữa, trở thành một học trò rất ngoan. 

Ở lớp, cô Phượng phụ trách khoảng 10 học sinh, độ tuổi từ 12 đến 18, chủ yếu là khuyết tật trí tuệ. Để các em có thể nắm bắt được chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo dành cho học sinh khuyết tật trí tuệ cấp tiểu học, cô Phượng luôn tìm tòi những phương pháp dạy học hay, hiệu quả. Cô hay trò chuyện với phụ huynh để nắm chắc tâm tính, sở thích của học sinh. Trên lớp, cô cho các em làm bài kiểm tra nhỏ và có kế hoạch dạy riêng từng em. Trong đó, chú trọng cách tiếp cận bài học gần gũi, tạo không khí trong lớp vui vẻ, học mà chơi, chơi mà học. Có hôm cô còn mang theo đồ vật, cây trồng… để minh họa bài giảng cho học sinh dễ hiểu. Nhìn phương pháp cô Phượng truyền đạt kiến thức cho học sinh rất ân cần, nhẹ nhàng, tạo cảm giác gần gũi. Còn học sinh rất hào hứng và thích thú khi được cô dạy nên rất cố gắng đọc theo cô dù có vài chữ không được tròn trịa. Tình thầy trò ở lớp học này thật ấm áp như một gia đình.

Trước khi vào dạy Trường Chuyên biệt Bình Minh, cô Phượng từng làm việc ở Trường Hy Vọng (quận Gò Vấp). Dạy học sinh chuyên biệt gặp rất nhiều khó khăn nên nhiều giáo viên trẻ mới ra trường chỉ làm việc được một thời gian ngắn đã xin nghỉ vì quá áp lực. Với cô Phượng, lý do để gắn bó với nghề là niềm say mê, nhiệt huyết, sự kiên trì và tình yêu thương học sinh. Bởi lẽ, học sinh chuyên biệt sinh ra đã kém may mắn, thiệt thòi thì người thầy cần giúp các em tiến bộ hơn, có được những kỹ năng sống căn bản nhất. “Chính các em học sinh là bài học cho cô giáo. Mỗi thế hệ học trò chuyên biệt qua đi đã truyền cho tôi những sáng tạo với nghề và càng thêm yêu nghề"-cô Phượng tâm sự.

Bài và ảnh: BẢO THƯ