leftcenterrightdel

Bộ Giáo dục và Đào tạo trao bằng khen tặng các em học sinh tỉnh Phú Thọ đoạt giải cao tại kỳ thi Olympic quốc tế năm 2020. Ảnh: VIỆT HÀ 

Công tác khuyến học, khuyến tài cũng như việc xây dựng xã hội học tập trên địa bàn TP Hà Nội những năm qua có nhiều đổi mới, sáng tạo. Từ năm 2020 đến nay, thành phố đã phát triển thêm 463.000 hội viên, nâng tổng số hội viên hội khuyến học trên địa bàn Thủ đô lên hơn 1,3 triệu người, chiếm 16,15% dân số. Để huy động nguồn lực xây dựng quỹ khuyến học, cấp ủy, chính quyền các cấp TP Hà Nội đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo cụ thể, viết thư kêu gọi, tích cực tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông nhằm vận động toàn dân ủng hộ xây dựng quỹ. Hiện tổng số quỹ khuyến học của các cấp hội trên địa bàn Thủ đô đạt hơn 346 tỷ đồng.

Với 30 hội khuyến học quận, huyện, thị xã; 6.557 chi hội khuyến học; 14.806 ban khuyến học, thời gian qua, Hội Khuyến học TP Hà Nội đã phát huy vai trò nòng cốt của một tổ chức xã hội tập hợp công dân trên địa bàn thành phố, góp sức cho phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho Thủ đô. Bà Nguyễn Thị Ngọc Minh, Chủ tịch Hội Khuyến học TP Hà Nội, cho biết: "Nhằm tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học của Thủ đô, thời gian tới, đội ngũ cán bộ, hội viên Hội Khuyến học TP Hà Nội sẽ tập trung thực hiện tốt nhiều nhiệm vụ, giải pháp, trong đó trọng tâm là tiếp tục xây dựng các mô hình học tập, triển khai xây dựng mô hình “công dân học tập”, chú trọng phối hợp với các cấp, ngành để tổ chức các hoạt động khuyến học, khuyến tài hiệu quả, phấn đấu xây dựng Thủ đô trở thành “thành phố học tập”.

Tìm hiểu công tác khuyến học, khuyến tài ở tỉnh Phú Thọ, chúng tôi có dịp gặp gỡ em Nguyễn Thị Thu Nga, học sinh Trường THPT Chuyên Hùng Vương, vừa được cấp ủy, chính quyền địa phương, hội khuyến học đến nhà chúc mừng, trao thưởng bởi thành tích đoạt huy chương bạc Olympic Sinh học quốc tế năm 2021. Gia đình em Nga thuộc diện đặc biệt khó khăn. Nhờ sự giúp đỡ tận tình của các thầy giáo, cô giáo trong trường, sự quan tâm, chăm lo của hội khuyến học địa phương, em đã vượt lên khó khăn, giành nhiều kết quả xuất sắc trong học tập. Bà Nguyễn Thị Kim Hải, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ, tâm sự: "Với đặc thù là tỉnh miền núi, Phú Thọ còn không ít học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều em dù rất tài năng, muốn đến lớp học nhưng do hoàn cảnh gia đình nên phải đứng trước nguy cơ dừng học giữa chừng. Để động viên, chia sẻ và nâng bước các em trên con đường học tập, các cấp hội khuyến học trong tỉnh đã phát huy vai trò cầu nối, tổ chức hiệu quả nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, giúp đỡ hàng trăm học sinh hoàn cảnh khó khăn có cơ hội phấn đấu, học tập. Đặc biệt, từ năm 2018 đến nay, mô hình gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập không ngừng được nhân rộng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Qua đó, ngày càng có nhiều người dân tự giác tham gia học tập tại các trung tâm học tập cộng đồng, nhà văn hóa... Từ các mô hình học tập này, các thành viên trong gia đình, dòng họ, cộng đồng ngày càng gắn bó chặt chẽ, đùm bọc, yêu thương, giúp đỡ nhau trong cuộc sống".

Có thể khẳng định, yếu tố nền tảng và vững chắc nhất bao giờ cũng xuất phát từ mỗi gia đình, dòng họ. Chính vì vậy, sự chủ động và khơi dậy truyền thống hiếu học trong mỗi gia đình, dòng họ sẽ là động lực quan trọng để phong trào khuyến học, khuyến tài ở các địa phương không ngừng phát triển. Đó cũng là tiền đề giúp giáo dục nhà trường gắn kết chặt chẽ hơn với giáo dục gia đình, giáo dục xã hội, tạo sự đồng thuận trong từng cộng đồng dân cư, thúc đẩy chủ trương xã hội hóa giáo dục và Phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” trong các cơ sở giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

NGUYỄN MINH PHONG