QĐND - Ngắm ngôi nhà nhỏ trên phố Thụy Khuê - Hà Nội, ít ai biết rằng đây là nơi sinh hoạt của các thành viên trong câu lạc bộ ca trù Thái Hà. Tất cả đều là con cháu trong gia đình nghệ nhân trống chầu Nguyễn Văn Mùi, họ đang lưu giữ nghề tổ mà cha ông bao đời truyền lại. Đây cũng như một cách bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi (người ngồi ngoài cùng bên trái) và các thành viên trong câu lạc bộ.

 

Mặc dù tuổi đã cao nhưng khi được hỏi về lịch sử của câu lạc bộ, với ánh mắt sáng và giọng trầm ấm, ông Nguyễn Văn Mùi vẫn say sưa kể cho chúng tôi nghe về cái nghiệp cầm ca. Ông cho biết: “Tính đến nay, câu lạc bộ ca trù Thái Hà đã có 7 đời theo nghề tổ và truyền nghề cho tất cả con cháu trong gia đình”. Trên bàn thờ của gia đình đặt trang trọng bức ảnh của bà Nguyễn Thị Tuyết là cô tổ của nghề hát trong dòng họ. Dưới thời vua Thành Thái, bà được cử vào trong cung dạy múa hát cho các công chúa rồi còn được vua tặng kim tiền và tạc tượng. Ở ấp Thái Hà, ngôi đình Ca Công, được xem như một “nhà hát riêng” của dòng họ mở ra để đón tiếp các quan khách. Và đến năm 1995, câu lạc bộ Thái Hà ra đời như là cách để nhớ lại nhà hát riêng ấy.

Sinh ra trong cái nôi của nghệ thuật ca trù, có cha là Nguyễn Văn Xuân - nghệ nhân đàn đáy lừng danh Bắc Hà, ông Nguyễn Văn Mùi đã coi ca trù như cái nghiệp mà cha ông để lại. Vì thế, mặc cho thời cuộc xoay vần, ông vẫn một lòng theo nghề tổ. Ông Mùi còn luôn khuyến khích con cháu học hỏi, lưu giữ tinh hoa của nghề truyền thống, để các con làm quen và tiếp xúc với ca trù từ ngay khi còn nhỏ. Cô con gái Nguyễn Thúy Hòa được học hát từ khi mới 6 tuổi, giờ đây đã trở thành một ca nương có tiếng. Anh con trai Nguyễn Văn Khuê cũng trở thành một nghệ nhân đàn đáy điêu luyện. Được lớn lên trong những giai điệu trong trẻo, mượt mà với tiếng ca, tiếng đàn, hai cô cháu gái Thu Thảo và Kiều Anh cũng sớm bộc lộ năng khiếu của mình. Thấy vậy, ông Mùi đã truyền dạy cho các cháu những kỹ năng cơ bản về cách hát, cách nhả chữ, vẻ đoan trang của một đào nương. Đến nay, hai em đều trở thành sinh viên của các trường nghệ thuật và mong muốn sau này trở thành những nghệ nhân ca trù chuyên nghiệp.

Với nền tảng vững chắc, câu lạc bộ đã có nhiều hoạt động sôi nổi như tổ chức biểu diễn hai buổi mỗi tuần ở Hàng Buồm không bán vé để những người yêu ca trù có thể tới thưởng thức và tìm hiểu về bộ môn nghệ thuật truyền thống độc đáo này. Đây cũng là cách làm sống lại hoạt động văn hóa tinh thần của dân tộc, đưa ca trù đến gần hơn với đời sống của mọi người. Tiếp đó tại phố Hàng Bồ, ca trù Thái Hà còn biểu diễn đều đặn 6 buổi mỗi tuần. Không chỉ có hát ca trù, câu lạc bộ còn biểu diễn cả chèo, hát văn. Trong năm vừa qua, được quỹ Ford tài trợ, ca trù Thái Hà còn dạy nghề cho 20 câu lạc bộ từ Quảng Bình ra đến các tỉnh ở Đồng bằng Bắc Bộ. Học hát ca trù không chỉ trong ngày một, ngày hai, không chỉ ở một vài bài mà hát ca trù rất khó ở cách nhả chữ, cách lấy giọng, cách gõ phách sao cho nhịp nhàng. Đặc biệt, hát ca trù cần ở sự rèn luyện ngay từ khi còn nhỏ, có khi phải đến 10 năm hay 15 năm mới có thể hát thuần thục được các giai điệu. Ông Mùi cho biết: “Nhiều người học chỉ được một vài tháng hay nửa năm thì bỏ vì ca trù khó quá”. Nhưng với những người đam mê ca trù, đặc biệt là các em nhỏ, ca trù Thái Hà vẫn hướng dẫn dạy nhiệt tình.

Được mang điệu hát phục vụ khán giả là một niềm hạnh phúc đối với các thành viên trong gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi. Không chỉ được đánh giá cao ở trong nước mà ca trù Thái Hà còn được khách quốc tế vô cùng quý mến. Câu lạc bộ đã đi biểu diễn ở nhiều nơi như Pháp, Anh, Bỉ… đều nhận được sự chào đón và ủng độ rất lớn. Tham gia biểu diễn ở nhiều nước, câu lạc bộ đã giành được những giải thưởng lớn.

Trong bối cảnh các thể loại âm nhạc truyền thống đang bị mai một dần, bộ phận công chúng thưởng thức âm nhạc truyền thống chiếm số lượng nhỏ thì việc bảo tồn và phát triển ca trù là việc làm cần thiết, khi ca trù đã được UNESCO công nhận đây là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi cũng mong muốn Nhà nước cần quan tâm nhiều hơn trong việc giữ gìn bộ môn nghệ thuật truyền thống này, cần tổ chức để các nghệ nhân đi dạy ở các đình làng các điệu hát truyền thống. Hiện nay, ở các làng quê hát cửa đình, hát cửa quyền, hát nhả tơ còn lại rất ít. Ngoài ra, cũng cần quan tâm đến đời sống của các nghệ nhân để họ có thể cống hiến hết mình vì nghệ thuật của dân tộc. Trong năm mới, một loạt những dự định mới ca trù Thái Hà sẽ thực hiện như: Làm lại các vũ khúc của ca trù như múa bổ bộ, hát bổ bộ, múa bài bông... và dạy cho các cháu từ 13 đến 16 tuổi. Sang tháng 3-2013, câu lạc bộ sẽ lại sang Pháp biểu diễn. Xin chúc cho những kế hoạch của câu lạc bộ ca trù Thái Hà sớm thành công để mang đến cho khán giả những tiết mục hay, ý nghĩa và để tiếng hát trong trẻo của ca nương Thúy Hòa, Thu Thảo hay Kiều Anh... hòa cùng tiếng đàn đáy thanh thoát của nghệ nhân Nguyễn Văn Khuê, tiếng trống chầu trầm ấm của nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi... thực sự là những "sứ giả văn hóa" của âm nhạc truyền thống của dân tộc.

Bài và ảnh: LÊ PHƯỢNG