Năm 1971, khi cuốn sách Truyền thuyết Hùng Vương của tác giả Nguyễn Khắc Xương (Hội Văn nghệ dân gian Vĩnh Phú xuất bản) ra mắt bạn đọc thì lần đầu tiên chúng ta được đọc bằng văn bản tiếng Việt một cách hệ thống các truyền thuyết dân gian về một thời các Vua Hùng lập đô - dựng nước. Dù mức độ thêu dệt các tình tiết và cốt truyện, cũng như khoảng xác định không gian và thời gian của truyền thuyết có thực hư đến đâu - ở cuốn sách đó - Nguyễn Khắc Xương đã giúp chúng ta biết thêm nhiều về văn hóa thời đại các Vua Hùng.

"Xoan và ghẹo Phú Thọ đều là dân ca phong tục, hát có mùa, gắn với đình đám hội làng. Xoan và ghẹo không phải là những câu dân ca phổ biến mà ai hát và hát ở đâu cũng được như ví, ru, hò. Xoan và ghẹo chỉ được hát ở một số làng, xã vùng đất Tổ và có những bài bản, những ca khúc riêng…". Điều này không phải đã nhiều người được biết, được đọc. Chỉ qua ngòi bút ghi chép, nghiên cứu được công bố ở tập sách Hát Xoan, hát Ghẹo Vĩnh Phú của Nguyễn Khắc Xương (Hội VHNT Vĩnh Phú xuất bản năm 1979, viết cùng tác giả Dương Huy Thiện) thì bạn đọc rộng rãi trong và ngoài tỉnh mới rõ. Từ nhiều năm nay, tác giả Nguyễn Khắc Xương đã cho xuất bản liên tiếp nhiều công trình nghiên cứu, sưu tầm - biên soạn về các vấn đề liên quan đến văn hóa dân gian vùng đất Tổ (Vĩnh Phú cũ) và các sách về thân thế sự nghiệp của Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu.

Nhiều tác phẩm, công trình nghiên cứu, biên soạn của ông đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Ủy ban toàn Quốc các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam cùng một số Nhà xuất bản trao tặng giải thưởng. Ông còn được UBND tỉnh Vĩnh Phú (cũ) trao tặng Giải thưởng Hùng Vương về Văn học - Nghệ thuật.

Chân dung và tác phẩm của Nguyễn Khắc Xương

Vậy Nguyễn Khắc Xương là ai, ông là người thế nào?

Theo cuốn Kỷ yếu Đại hội Văn nghệ dân gian Phú Thọ, xuất bản 4 - 1986, thì Đại hội thành lập Chi hội Văn nghệ dân gian Phú Thọ được tổ chức tháng 12 - 1967. Đây là Đại hội Văn học dân gian cấp tỉnh đầu tiên được thành lập trong cả nước, ngay sau khi thành lập Hội Văn học dân gian Việt Nam. Tại Đại hội này, ông Nguyễn Khắc Xương - Trưởng phòng Thư viện và bảo tàng thuộc Ty Văn hóa Phú Thọ được bầu làm Ủy viên thư ký, Thường trực chi hội. Ông Đặng Văn Đăng (tức nhà thơ dân gian Bút Tre) Trưởng Ty Văn hóa làm Chi hội trưởng. Nhân kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, tạp chí Văn học dân gian số đặc biệt tại trang 20, nhà thơ Xuân Thiêm (Phó tổng thư ký) viết: "Nguyễn Khắc Xương làm việc âm thầm hàng chục năm liền, với hàng chục đầu sách, hơn 30 tập hồ sơ bản thảo, sổ ghi chép về vốn văn học - nghệ thuật (chủ yếu là văn học dân gian) ở vùng Đất Tổ. Tóc đã bạc nhiều nhưng chân đi vẫn chưa ngại mỏi… Tuổi càng nhiều thì sức đi, sức hỏi, sức ghi, sức quan sát, sức suy ngẫm và sức viết càng dẻo dai bền bỉ". Như vậy, từ một cán bộ công an ở Hải Phòng (1952 - 1953) chuyển lên làm cán bộ ở huyện Hạ Hòa (1953 - 1958) rồi về làm cán bộ nghiên cứu ở Ty Văn hóa (1958-1979), qua nhiều việc, nhiều cương vị, Nguyễn Khắc Xương đều hoàn thành tốt công tác của mình. Ông đã cặm cụi như cái kiến tha lâu đầy tổ, như cánh ong siêng năng góp mật dâng đời, để trở thành nhà nghiên cứu văn học dân gian thâm hậu.

 Bàn về văn hóa dân gian, văn hào Gorki đã nói: "Văn nghệ dân gian là người bạn đường tích cực của lịch sử. Văn học dân gian cũng là người khai sinh ra văn học viết". Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Xương đã chọn cho mình một nghề nghiệp vô cùng ý nghĩa, chọn đúng đất để "dụng võ". Vùng đất Tổ trung du Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc và Phú Thọ, cùng các vùng đất Sơn Tây và Bắc Ninh) là nơi phát tích dã sử và chính sử thời đại các Vua Hùng dựng nước. Nơi mang đậm dấu ấn các tầng văn hóa cổ. Đương nhiên, đây sẽ là vùng đất giàu có vốn văn học dân gian còn lưu truyền trong nhân dân. Và Nguyễn Khắc Xương đã "lập thân, lập nghiệp, lập danh" một cách tự tin, không "núp bóng" cha mình - Tản Đà thi sĩ.

Ông tâm sự:

- Quãng năm 1965-1966 gì đó, nhà thơ Xích Điểu bảo tôi: Ông nên viết về Đền Hùng và giỗ Tổ Hùng Vương để thông qua đó "nói chuyện" với văn nghệ sĩ - trí thức miền Nam, qua làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Thế là từ đó đến nay, cứ đều đặn dịp Lễ hội giỗ Tổ Hùng Vương nào tôi cũng có bài viết xoay quanh chủ đề đó.

Thêm một lần tôi phải công nhận rằng: Từ bao năm nay, ông đã cặm cụi đi điền dã hầu hết các làng xã trong tỉnh, tỉ mỉ ghi chép, hỏi han thận trọng, đối chiếu lập hồ sơ tư liệu văn học dân gian. Vậy mà sức vóc của ông ngày càng dẻo dai, tính tình vui vẻ, không biết tuổi đã nhiều, tóc đã bạc. Ông còn có quan hệ rất rộng, rất sâu với nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu phê bình văn học, các nhà giáo, các nhà xuất bản và nhiều báo, đài ở trung ương. Một người nghiên cứu văn học dân gian chuyên sâu ở địa phương đã có tầm quan hệ, tầm ảnh hưởng lớn như vậy là một hiện tượng quý hiếm, một vinh dự cho tỉnh nhà. Tác phong làm việc và chất lượng công việc của ông đáng kính trọng. Các tác phẩm - công trình đã và đang công bố, gây được tiếng vang, tập trung nhiều chú ý không chỉ ở độc giả phổ thông mà còn tác động quan trọng tới giới sinh viên trí thức, nhiều học giả và văn nghệ sĩ.

Phần tôi, bậc thiếu niên trong "làng văn nghệ" tỉnh nhà, chỉ có thể nghĩ rằng: Tất cả ai ai muốn hỏi, muốn tìm hiểu các vấn đề về văn hóa làng xã ở vùng trung du Phú Thọ, xin mời gặp nhà nghiên cứu văn hóa dân gian - nhà "Phú Thọ học" Nguyễn Khắc Xương. Ngoài ông, còn có những người làm văn hóa dân gian đầy nhiệt huyết như nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn, nhà giáo Dương Huy Thiện, cụ Dương Văn Thâm… nhưng đến "nhà Phú Thọ học" Nguyễn Khắc Xương, chúng ta sẽ thêm thú vị khác nữa, bởi ông là con trai trưởng của đại thi sĩ Tản Đà và là nhà "Tản Đà học" xuất sắc.

Kim Ngọc Đại