Thoạt đầu chỉ định tổ chức ở Hà Nội, nhưng bạn bè ở TP Hồ Chí Minh kêu rần rần, thế là thầy trò lại bay vào TP Hồ Chí Minh. Mà đâu cũng đã xong, anh em lính tráng Quân khu 9 cũng đồng thanh rằng: “Anh quên chúng tôi, quên miền sông nước này rồi hay sao?”. Thế là Minh Đức lại cùng các bạn mình xuôi về miền Hậu Giang...
Dương Minh Đức trở thành người lính từ lúc mới 15 tuổi, khi anh cùng nhiều con em của các sĩ quan quân đội được tập trung học tập tại Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi. Tuổi này vẫn còn là con nít thích nghịch ngợm, bởi thế ngày nhập học, chẳng hiểu thế nào, sau một trận đá bóng, Đức lại thành mục tiêu cho bọn trong lớp tính chuyện “bề hội đồng". Người được bạn bè giao trách nhiệm “trùm chăn” không ai khác là Võ Dũng (con trai đồng chí Võ Văn Kiệt-khi ấy đang chiến đấu ở miền Nam), cũng nổi tiếng tinh nghịch.
Nhưng trò đánh đấm cuối cùng bất thành, vì dù giờ "G" đã điểm, Võ Dũng và anh em đã sẵn sàng, nhưng bỗng nhiên Đức lại cất lên tiếng hát, một giọng hát cao vút, trong sáng và thuyết phục, làm cả bọn thốt lên: "Hay quá!" và ngẩn người ra nghe, quên béng chuyện phải "đánh hội đồng" cho tay lính mới này một trận. Chiếc chăn định trùm lên đầu Đức cũng rơi khỏi tay Võ Dũng tự lúc nào...
Đức và Dũng cùng lũ con trai nghịch ngợm trong lớp thành thân thiết từ buổi đó. Trải qua những năm tháng luyện rèn, học tập, nhưng rồi cũng đến ngày chia tay nhau. Nhiều bạn bè lên tàu tiếp tục đi học tập ở nước ngoài. Nhiều người vào giảng đường đại học. Còn Võ Dũng thì nằng nặc xin về quê hương miền Nam chiến đấu, vì ba má anh trong đó... Cho đến một ngày, trái tim Đức và bạn bè nhói lên khi tin từ chiến trường đưa ra: Võ Dũng đã hy sinh. Chiếc chăn mùa đông năm ấy đắp trên người Đức và bạn bè dường như ướt đầm nước mắt thương bạn. Kể từ ngày ấy, mỗi khi vào phương Nam biểu diễn, lòng Đức lại khôn nguôi nhớ về Võ Dũng, trái tim anh luôn hướng về nơi người bạn thân yêu và các đồng chí, đồng đội của mình đã nằm xuống.
Và lần này, tôi nghĩ rằng đây cũng là một trong những lý do để Dương Minh Đức xuôi về miền sông nước. Một lần nữa anh muốn chia tay Võ Dũng và những bạn bè...
Tôi cùng đi với Đức, cùng: Đức Trịnh, Xuân Thủy, Quang Thọ, Quang Huy, Doãn Tần, Hoàng Chè và những: Kiến Quốc, Thái Lê Thắng, Toàn Thắng, Dương Thanh-những bạn học tuổi thơ cùng trường thiếu sinh quân với Đức và Võ Dũng. Riêng với tôi, không chỉ để chia sẻ cùng Dương Minh Đức, mà cũng còn một chút lý do riêng của trái tim mình: Ấy là tìm về với khẩu đội đầu tiên trong đời lính của tôi, nay đã thuộc Lữ đoàn Pháo phòng không 226, Quân khu 9.
Cuối năm 1969, tôi cùng 100 chiến sĩ trẻ người Hà Nội của Sư đoàn 320B đang luyện quân ở Ninh Bình thì bất ngờ được lệnh phải hành quân cấp tốc bổ sung cho mặt trận Lào. Lúc này, ở đây đang trong chiến dịch “cù kiệt”-nghĩa là trả hận-quân thù đánh phá dã man chưa từng thấy. Bộ đội ta hy sinh không kể xiết. Chúng tôi được đưa về bổ sung cho Tiểu đoàn 11 pháo cao xạ. Bởi là lính bộ binh bổ sung cho cao xạ nên ngày đầu về tiểu đoàn, chúng tôi phải huấn luyện vài ba buổi mới được đưa xuống đơn vị chiến đấu. Người huấn luyện chúng tôi ở tiểu đoàn bộ là Tiểu đoàn phó Hoàng Anh Phúc và trợ lý tác chiến Hoàng Ngọc Chấp. Ngay từ buổi đầu huấn luyện, chẳng hiểu sao tôi lại được các anh chú ý, anh Chấp bàn với anh Phúc (hồi đó các anh đều rất trẻ) giữ tôi lại, đưa về tiểu đội trinh sát của tiểu đoàn. Nhưng do lúc đó ở các khẩu đội, bộ đội ta hy sinh nhiều quá, thiếu hụt quá nên anh Phúc đành lắc đầu, bảo cứ đưa xuống khẩu đội tham gia chiến đấu một thời gian đã. Thế là tôi khoác ba lô chào các anh về Khẩu đội 3 thuộc Đại đội 11, chiến đấu ở Bản Ban. Ngay ngày đầu tiên tới khẩu đội đã phải "ăn" bom, phải quần thảo suốt từ sáng tới tối, bom nổ, đạn réo tưởng như long trời lở đất. Khẩu đội được bổ sung hai lính mới là tôi và Thái, thì ngay ngày hôm ấy lại bị hy sinh một người là anh Giang và hai anh khác phải đi cấp cứu ở bệnh viện. Khiếp thật!
- Này, nghĩ ngày ấy cậu cũng gan đấy nhỉ, lính Hà Nội mới tăng cường, chưa biết nếp tẻ gì mà đánh đấm ra trò đấy...
Anh Chấp vỗ vai tôi, cười ha hả. Cái giọng cười này của anh 40 năm nay vẫn vậy, lúc nào cũng hể hả, lạc quan.
- Cũng chẳng bằng một góc của các anh - Tôi lễ phép trả lời - Sau này xa khẩu đội về binh trạm bộ, em rất nhớ các anh và những ngày tháng ấy.
Chị Chấp từ nhà dưới lên, rót nước mời khách hết sức đon đả:
- Hơn 40 năm anh em chú đi tìm nhau thế này, cũng là chuyện hiếm.
Quả có hơn 40 năm thật. Tôi xa các anh đã hơn 40 năm rồi...
- Chú ấy tìm gì tôi. Chẳng qua là chú ấy đi tìm về đơn vị cũ thôi - Chẳng hiểu anh Chấp nói thật hay trách móc tôi - Ừ, thế rồi từ ngày ấy, chú đi những đâu, làm những gì, mà sao chú lại tìm được anh chốn cùng trời cuối đất này nhỉ? Chú nói đi, rồi anh kể về tiểu đoàn, về anh chị cho chú nghe...
Thế là miên man suốt chiều ấy, tôi và anh, một người lính và một sĩ quan chỉ huy của một tiểu đoàn chiến công cũng khá lừng lẫy, từng dọc ngang khắp các chiến trường, đã ngồi kể lại cho nhau nghe không biết bao nhiêu chuyện về đơn vị, về đồng đội của mình.
- Vậy là anh gắn bó với đơn vị suốt từ ngày ấy đến nay nhỉ? Cũng 35 năm miền Hậu Giang rồi, anh cũng thành người sông Tiền, sông Hậu rồi nhỉ?
- Anh chú uống rượu thì chẳng thua ai đâu chú ạ. Bây giờ cứ chiều chiều lại đi nhậu chú ơi... - Chị Chấp hóm hỉnh nói với tôi.
Cứ như anh tâm sự thì anh gặp chị trên đường chiến đấu, rồi gắn bó với nhau. Anh người gốc Phủ Lý, Hà Nam. Còn tôi nghe giọng chị không lầm thì đích thị là con gái xứ Thanh (Thanh Hóa). Bây giờ, anh chị đã có nhà cửa, vườn tược, hoa trái nơi mảnh đất Cần Thơ này rồi. Và con cháu, dù là toàn cháu ngoại, nhưng cũng rất sum suê, nói rặt một giọng Nam Bộ hết sức dễ thương...
Xin được trở lại với Dương Minh Đức. Vốn thân quen với nhiều nghệ sĩ, tôi có thể đoán rằng, Dương Minh Đức chắc chắn là ca sĩ có nhiều bạn bè (ngoài đời) nhất và là ca sĩ được nhiều người lính yêu thích, từ những vị tướng dạn dày trận mạc đến những chàng binh nhất, binh nhì còn lông tơ trên má... Cả một cuộc đời hát cho chiến sĩ, dường như Đức đã hát tại hầu hết các đơn vị trong toàn quân...
Mỗi lần vào Nam, tôi biết, dù đứng ở sân khấu nào, hát cho thế hệ chiến sĩ nào thì trong tâm khảm, Dương Minh Đức cũng nghĩ là hát cho các bạn của anh, những bạn từ thuở học Trường Nguyễn Văn Trỗi năm xưa, giờ đây trải qua nhiều năm tháng quân ngũ, tóc đã điểm bạc, như: Lê Việt Bắc, Dương Thanh, Trần Kiến Quốc, Chu Văn Thành, Toàn Thắng, Thái Lê Thắng, Vĩnh Định... hay những người bạn đã ngã xuống như Võ Dũng. Đức yêu bè bạn, đồng chí và bè bạn, đồng chí yêu anh. Anh hát cho những người đang sống và cho cả những người không còn nữa. Bởi vậy, tiếng hát anh luôn tràn đầy cảm xúc và có một vẻ đẹp riêng không trộn lẫn với ai, luôn được công chúng, đặc biệt là những người lính yêu mến và trân trọng.
Và đêm nay, trong mênh mang sóng nước Hậu Giang, các bạn tôi đang cất cao tiếng hát của mình: "Miền Nam ơi miền Nam/ Hỡi những dòng sông soi bóng dừa xanh/ Những đỉnh núi khuất mây mờ xa tắp/ Ta sẽ đến nơi đâu còn giặc/ Ta chưa về khi Tổ quốc chưa yên.../ Miền Nam, miền Nam/ Nghe từng tiếng vang vang...".
Ở hàng ghế đầu nhà hát ấy, có những người cựu chiến binh như anh Hoàng Ngọc Chấp của tôi, có những người lính trẻ Lữ đoàn Pháo phòng không 226 của tôi, những người lính của Quân khu 9 miền sông nước Cửu Long, có những bạn học của Đức, đương nhiên, có cả Võ Dũng thân yêu... đang lặng người đi trong tiếng hát tuyệt vời của Đức và các bạn của anh. Cả tiếng hát lẫn lời hát đều như bóp nghẹt trái tim người.
Và ngoài kia là mênh mang sóng nước Hậu Giang, như một dàn giao hưởng hòa cùng các anh...
CHÂU LA VIỆT