Những ấn bản đặc biệt đầu tiên sau 1975

Nhiều người nhầm lẫn cho rằng sau năm 1975, phải mãi đến đầu thế kỷ 21, việc in ấn các ấn phẩm sách đặc biệt mới quay trở lại thị trường sách, nhưng thật ra không phải vậy.

Ngay năm 1976, trong điều kiện đất nước còn khó khăn sau chiến tranh, Nhà xuất bản (NXB) Đại học và Trung học chuyên nghiệp đã ra cuốn Truyện Kiều do Nguyễn Thạch Giang khảo đính và chú thích, in tới 40.000 cuốn, trong đó có 10 bản đặc biệt. Những ấn bản đặc biệt này không phải dành cho dân chơi sách mà để làm công tác ngoại giao văn hóa, gửi tham dự Hội chợ sách quốc tế lần đầu tiên tại Moscow vào năm 1977. Ấn bản này đặc biệt ở chỗ nó vẫn là một cuốn Truyện Kiều thường, có in sau trang bìa lót thông báo rằng đấy là một ấn bản đặc biệt, được để trong một hộp sơn mài thửa riêng; mặt hộp sơn mài là tranh minh họa phỏng theo câu thơ Kiều “So dần dây vũ dây văn” của họa sĩ Trần Văn Cẩn, do Trần Đạo Uyên thể hiện sơn mài.

Năm 1977, NXB Văn hóa in lần thứ hai cuốn Hề chèo của tác giả Hà Văn Cầu, minh họa của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Ngoài các bản thường mà số lượng lên đến 11.000 bản còn in thêm một số bản đặc biệt trên giấy dó lụa, đánh số từ A đến Y (khoảng 24 bản). Các bản này bọc bìa và có 5 minh họa màu in theo lối cổ truyền Việt Nam trên giấy dó bồi điệp.

Năm 1988, khi tái bản Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân, ngoài các bản bìa mềm, NXB Văn học còn in thêm một số bản bìa cứng, trình bày bìa hai bản giống hệt nhau. Những bản bìa cứng này, không rõ số lượng bao nhiêu, có thể tạm coi là những ấn bản đặc biệt của tác phẩm vốn rất được chuộng in bản đặc biệt này của Nguyễn Tuân.

Bức tranh “So dần dây vũ dây văn” của họa sĩ Trần Văn Cẩn lại một lần nữa xuất hiện trên một ấn bản Kiều đặc biệt do NXB Thông tin xuất bản năm 1989 (không đề số lượng), cho thấy việc ra đời những ấn bản đặc biệt vẫn tiếp tục trong ngành xuất bản ở Việt Nam sau khi đất nước thống nhất, dẫu chỉ lác đác. Mục tiêu chủ yếu để phục vụ các nhu cầu tặng, biếu lễ tân, ngoại giao.

leftcenterrightdel
Sách đặc biệt làm bằng bìa da của Công ty Truyền thông và Văn hóa Nhã Nam.

Bản đặc biệt đầu tiên của Đông A

Phải đến đầu thế kỷ 21, việc xuất bản những ấn phẩm đặc biệt mới bắt đầu nở rộ, bắt đầu từ một ấn bản của Công ty Cổ phần Văn hóa Đông A kết hợp với NXB Hội Nhà văn, ra đời quý III năm 2005. Đó là cuốn Văn mới 5 năm đầu thế kỷ, một tuyển tập những truyện ngắn của các tác giả, già có, trẻ có, có tác phẩm nổi bật trong những năm đầu thế kỷ 21, nhà văn Hồ Anh Thái tuyển chọn.

Sách in 1.500 bản, trong đó có 100 bản trên giấy quý Conqueror màu vàng ngà cực bền có tuổi thọ trên 100 năm. 100 bản này đánh số, nhưng điểm đặc biệt là tác phẩm tuyển chọn 41 tác phẩm của 41 tác giả thì có chữ ký tươi của 39 người trong số này (nhà văn Việt kiều Nguyễn Quý Đức ở nước ngoài và nữ nhà văn Đoàn Lê ở Hải Phòng nhưng trong thời gian làm sách đang đi công tác châu Âu nên không ký được).

Để có đủ 39 chữ ký này, ngoài một số nhà văn sinh sống tại Thủ đô hoặc nhân dịp tham dự hội nghị, hội thảo ở Hà Nội được nhân viên của Công ty Cổ phần Văn hóa Đông A đi lấy chữ ký, còn các nhà văn ở tỉnh xa, ông chủ của Đông A là họa sĩ Trần Đại Thắng phải thân hành đến tận nơi gặp mặt và lấy chữ ký. Lên Buôn Ma Thuột gặp Nguyên Hương, quay về Sài Gòn rồi bắt xe đò xuyên đêm đi tiếp Cà Mau lấy chữ ký Nguyễn Ngọc Tư, rồi lại quay về Sài Gòn ngay trong ngày là một trong những lộ trình vất vả của Trần Đại Thắng để có được chữ ký của các nhà văn trong tuyển tập.

Sự kỳ công của một ông chủ làm sách đã được đền đáp xứng đáng. Mặc dù giá thành khi ấy khá cao nhưng 100 bản đặc biệt này khi ra đời được dân chơi sách mua hết ngay tắp lự, có người kỹ tính còn kỳ công đi tìm gặp nốt hai tác giả còn thiếu là Nguyễn Quý Đức và Đoàn Lê xin đủ 41 chữ ký, thành “bản đặc biệt của đặc biệt”.

10 năm sau, năm 2015, vẫn Đông A của Trần Đại Thắng thực hiện lại một ấn phẩm đặc biệt tương tự, Văn mới 5 năm 2011-2015, 40 tác giả, 39 chữ ký (thiếu 1 chữ ký của tác giả Trương Quang), thêm 3 chữ ký của các họa sĩ tham gia minh họa trong tuyển tập. Vẫn 100 bản trên giấy Conqueror màu vàng ngà nhưng khác với bìa cuốn trước màu vàng, bìa ấn phẩm đặc biệt năm 2015 này của Đông A màu xanh, với chân dung của các nhà văn rải rác như trên bề mặt của một khối vuông rubic.

leftcenterrightdel
Sách "Văn mới 5 năm đầu thế kỷ"

Cuộc đua song mã

Năm 2006, nhân dịp Didier Daeninckx, một nhà văn Pháp gốc Bỉ sang thăm Việt Nam, Công ty Truyền thông và Văn hóa Nhã Nam, một “ông lớn” khác trong làng xuất bản, quyết định kết hợp với NXB Hội Nhà văn làm bản đặc biệt tác phẩm Đường du mục của tác giả này. 100 bản đặc biệt của cuốn này in trên giấy mỹ thuật, bìa cứng, có trước số và triện son của Nhã Nam. Đây là ấn bản đặc biệt đầu tiên của Nhã Nam.

Cùng năm 2006, Nhã Nam còn làm thêm một ấn bản đặc biệt khác của tác phẩm Mặt trời nhà Scorta của tác giả người Pháp Laurent Gaudé, kể lại câu chuyện về một dòng họ bị nguyền rủa, cũng với những đặc tính ấn bản đặc biệt tương tự.

Nhã Nam và Đông A luôn là hai cơ sở đi đầu trong cuộc đua song mã ra các ấn bản đặc biệt. Sau những ấn bản đặc biệt khá đơn giản buổi ban đầu, Nhã Nam đi vào xuất bản bộ Việt Nam danh tác, bao gồm hàng loạt tác phẩm có giá trị trong nền văn học Việt Nam. Trong số này, quãng năm 2014, Nhã Nam làm bản đặc biệt 6 tác phẩm tiêu biểu: Vang bóng một thời, Việc làng, Số đỏ, Anh phải sống, Chiếc lư đồng mắt cua, Miếng ngon Hà Nội, đều bìa cứng có áo, trên giấy Village thượng hạng đánh số từ 1 đến 100; ngoài ra còn có 5 bản trên giấy Conqueror ký hiệu từ A đến E, không bán.

Tiếp đó, đến năm 2020, Nhã Nam hoàn thành tiếp 15 tác phẩm có ấn bản đặc biệt trong bộ Việt Nam danh tác, chất liệu cũng giống 6 bản đặc biệt đợt đầu nhưng lần này bìa bằng da PU cao cấp, nhũ ba mặt mép sách, có hộp và tất nhiên có đánh số và triện son của Nhã Nam.

Đông A sớm đi vào làm bản bìa da, nổi đình nổi đám với các bản đặc biệt đầu tiên Anh em nhà Karamazov năm 2019, do nghệ nhân Nguyễn Đức Khuynh ở Nha Trang tự làm thủ công, 100 bản. Các bản bìa da sau đó nối đuôi nhau ra đời như: Kiêu hãnh và định kiến, Những ngôi sao Eger, Robinson Crusoe, Hán Sở diễn nghĩa, Khát vọng sống, Thiên Hoàng minh trị...

Riêng đến ấn phẩm đặc biệt Bố già kỷ niệm 50 năm tác phẩm kinh điển này ra đời, Đông A tiến thêm một bước nữa cho nó đặc biệt hơn là đặt 12 họa sĩ vẽ 12 bức tranh minh họa riêng cho cuốn sách, quay về với những giá trị xưa cũ của bản đặc biệt: Tranh phụ bản.

Tất cả những ấn bản đặc biệt này của Đông A đều được tiêu thụ trong thời gian nhanh kỷ lục, thậm chí tính bằng phút khi đăng ký bán qua mạng.

Khi nhu cầu muốn có ấn bản đặc biệt tăng lên đến mức điên cuồng, một làn sóng làm sách đặc biệt cũng phủ khắp các cơ sở xuất bản, tạo thành một cuộc đua tranh mà cuối cùng, những người mua sách được lợi.

Người mua sách đặc biệt -anh là ai?

Hẳn nhiên, đó phải là những người mê sách, ham chơi sách, coi sưu tầm sách là một thú vui phong lưu hơn hẳn mọi thú vui khác. Theo như cụ Vương Hồng Sển, một trong số những người chơi sách có danh tiếng bậc nhất ở nước Nam thì người chơi những bản sách đặc biệt thuộc vào hạng khá... kỳ lạ!

Trong cuốn Thú chơi sách, cụ Vương mô tả về hạng người kỳ lạ này: “Nhiều nhà chơi sách phong lưu, mặc dầu không dư dả, thích sắm mỗi bộ sách đến hai bản: Một bản thường và một đặc bản tuyệt đẹp. Bản thường để tra cứu hằng ngày, thỉnh thoảng cho bạn thiết mượn qua mượn lại, rủi thất lạc cũng chưa hại lắm. Bản đẹp bìa xinh để trưng trong tủ, tâng tiu như trân ngoạn, ít khi đem dùng”.

Cái bản đẹp bìa xinh ấy chính là bản sách đặc biệt!

Trải qua thời gian, bản sách đặc biệt có những thăng trầm và người chơi bản sách đặc biệt cũng thay đổi theo. Trước kia, người mua, sưu tầm những bản sách đặc biệt phải là người phong lưu, gia đình không có gì khác ngoài điều kiện bởi mỗi bản sách đặc biệt thường có giá cao hơn, ít thì 5-10 lần, nhiều thì có thể cao gấp 40 lần so với bản thường! Do vậy, các ấn phẩm đặc biệt phần lớn chui vào tủ sách của những gia đình khá giả hay một số ít tay chơi sách có thâm niên.

Khi đời sống bắt đầu khá lên và xuất hiện tầng lớp trung lưu trong xã hội, thú sưu tầm sách dần được phổ biến hơn, không giới hạn trong một phạm vi ít người nữa. Nhu cầu sở hữu, lùng kiếm những ấn bản đặc biệt tăng lên nhanh chóng. Cùng với sự phát triển của internet, việc giao lưu, thành lập các hội nhóm sưu tầm sách và mua bán sách qua mạng cũng phát triển theo. Những ấn bản đặc biệt của những tác phẩm xưa cũ ngày càng hiếm dần đi, trong khi những ấn bản đặc biệt mới tiếp tục ra đời, tạo cho người ta cái cảm tưởng rằng việc sở hữu bản đặc biệt trở nên dễ dàng hơn, thậm chí chỉ bằng một cú click chuột máy tính. Lúc này, việc sở hữu một ấn bản hiếm quý nào đó trở thành mãnh liệt với câu khẩu hiệu trả giá: “Mua bất chấp!”.

Đến lúc các cơ sở xuất bản đua nhau cho ra đời các ấn bản đặc biệt như trong thời gian gần đây thì làn sóng tìm mua các ấn bản đặc biệt, đặc biệt là trong giới trẻ, những người mới bước đầu đi vào con đường mua sách, sưu tầm sách trở nên điên cuồng. Nhiều cuộc mở bán 100 ấn bản đặc biệt đã được đăng ký mua hết sạch chỉ trong vòng chưa đầy 1 phút, với hàng trăm người khác cũng đăng ký nhưng không mua được!

Tất cả tạo thành một khung cảnh hấp dẫn cho những nhà làm sách, bởi khi nhu cầu còn tăng cao thì người làm sách còn sống khỏe.

Tất nhiên, khi đã có tình trạng khan hiếm bản đặc biệt, người cần mua nhiều hơn số lượng có thể đáp ứng thì cũng lập tức xuất hiện các lái sách, những người đầu cơ mua bản đặc biệt để bán lại kiếm lời. Họ cũng là đối tượng tìm mua các ấn bản đặc biệt và đại diện cho quy luật vàng của kinh tế thị trường: Khi có cầu thì sẽ có cung bằng bất cứ giá nào.  

Do vậy, ấn bản sách đặc biệt sẽ có một đời sống sôi động, ít nhất là trong một thời gian nữa. 

Bài và ảnh: YÊN BA