NSƯT Quyền Văn Minh: Dự án cuộc đời nghệ thuật của tôi
Tối 4-10-2013, khi đang dẫn chương trình nghệ thuật của Quyền Thiện Đắc-con trai tôi-tại Nhà hát Lớn Hà Nội thì tôi nhận được tin từ một người bạn là nhà báo nói rằng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần. Tôi đã mời tất cả nghệ sĩ cùng 500 khán giả đứng dậy dành một phút mặc niệm Đại tướng. Tất cả những người có mặt hôm đó đều xúc động, nghiêng mình tiếc thương Đại tướng.
Tôi chưa từng được gặp và cũng chưa có cơ hội biểu diễn phục vụ Đại tướng. Tôi chỉ được biết về Đại tướng giống như bao người dân bình thường biết về ông. Một thời gian sau, bố con tôi vào Quảng Bình viếng mộ Đại tướng. Tôi đã mang theo kèn saxophone, biểu diễn vài bản nhạc phục vụ cán bộ, chiến sĩ và người dân ở khu vực Vũng Chùa-Đảo Yến. Cảm xúc lúc ấy dâng trào, khiến tôi thậm chí ngồi ngay xuống bên bờ biển viết ra những ý tưởng âm nhạc vừa lóe lên trong đầu. Từ giây phút ấy, tôi thai nghén viết một tác phẩm âm nhạc lớn về Đại tướng Võ Nguyên Giáp...
Đến giờ, tác phẩm đã được viết cơ bản xong, gồm ba chương: Chương 1 “Vinh quang Điện Biên" là sự kết hợp với những tác phẩm nổi tiếng để người nghe dễ mường tượng ra không gian, không khí Điện Biên, cuộc chiến hào hùng và thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ đã gắn liền với cuộc đời, chiến công của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chương 2 “Mãi tỏa sáng”, âm nhạc sẽ hơi trừu tượng, có lúc chùng xuống, rồi lại bùng nổ. Chương 3 “Bất tử” sẽ là âm nhạc hoành tráng, cao sang... Tác phẩm lớn về Đại tướng Võ Nguyên Giáp là dự án cuộc đời nghệ thuật của tôi.
NSƯT Trịnh Mai Nguyên: Tự hào ba lần được vào vai Đại tướng
Tôi bắt đầu bằng việc bắt tay ngay vào đọc, nghe, xem thật nhiều về Đại tướng, đặc biệt là các bài phân tích về nghệ thuật quân sự của ông, cố gắng nắm bắt thật nhanh mọi thông tin liên quan và những điều làm nên một vị danh tướng mà cả thế giới phải kính phục khi được vào vai Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong phim “Tuyết Đông Dương” (năm 2002). Lúc ấy, tôi nhận thức rất rõ đây sẽ là “trận Điện Biên Phủ” của mình, phải quyết tâm, phải thắng bởi đó là danh dự, trách nhiệm của người nghệ sĩ và hơn hết, đó là hình tượng vị Đại tướng mà tôi kính yêu.
|
|
NSƯT Trịnh Mai Nguyên. Ảnh do NVCC. |
Sau đó, tôi có thêm hai lần vào vai Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong vở kịch “Cách mạng” (năm 2003) và dự án kết hợp sân khấu-điện ảnh “Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bản giao hưởng Điện Biên” (năm 2010). Càng nghiên cứu, tìm hiểu nhiều về Đại tướng, tôi dần hiểu ra một điều: Nếu như ta thực sự tin tưởng vào chính nghĩa và dành trọn tâm huyết cho nó, chắc chắn sẽ gặt hái được thành công. Sự nhẫn nại, kiên trì để theo đuổi lý tưởng đã tạo nên một vị Đại tướng trong lòng dân với bao chiến công hiển hách mà những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới thán phục. Nhưng, vị Đại tướng ấy lại rất gần gũi, ân cần và hết mực khiêm nhường... Trước tấm gương sáng, một nhân cách lớn, tôi tự thấy mình cần phải cố gắng hơn nữa, học hỏi nhiều hơn để có thể làm tốt vai trò của người nghệ sĩ, không chỉ trong thể hiện, khắc họa hình tượng Đại tướng mà với bất cứ vai diễn nào, để đưa tới khán giả những tư tưởng, giá trị chân-thiện-mỹ.
Ca sĩ Hồ Quỳnh Hương: Đại tướng dặn tôi hãy là người luôn sống tốt
Tôi được biết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua những bài học lịch sử và đặc biệt là từ những câu chuyện của ông nội vốn là một người lính. Ông nội tôi vô cùng kính trọng và thường kể về Đại tướng, một vị anh hùng, một huyền thoại của dân tộc... Và tôi thấy mình rất may mắn vì đã được gặp Đại tướng hai lần. Lần đầu tiên khi tôi khoảng 7 tuổi, được cùng các bạn thiếu nhi tới thăm Đại tướng. Tôi nhớ mình đã rất hồi hộp khi hát tặng ông bài “Như sao sáng ngời’. Lúc ấy Đại tướng lặng yên lắng nghe và khá xúc động, sau đó ông gọi riêng tôi ra chụp ảnh cùng, rồi dặn rằng hãy chăm ngoan và sống có ích cho xã hội, khiến tôi vừa run, vừa bất ngờ chẳng thể đáp lại gì, chỉ biết đứng im và cúi đầu lắng nghe.
|
|
Ca sĩ Hồ Quỳnh Hương chụp ảnh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh do NVCC. |
Lần thứ hai gặp là dịp tôi đi cùng một đoàn đại biểu đến thăm ông. Tôi 29 tuổi, còn ông đã già hơn nhiều nhưng đôi mắt vẫn rất sáng và minh mẫn. Khi tôi đưa tấm hình ngày nhỏ chụp với ông, ông xem rồi còn nói đùa rằng nhìn bây giờ trẻ ngang ngày đó. Ông lấy bút ký lên tấm hình tặng tôi. Hai ông cháu lại chụp riêng một tấm. Tôi lại hát tặng ông bài “Như sao sáng ngời”. Nhưng lần này hát được một đoạn thì tôi khóc... Ông nhìn sâu vào mắt tôi bằng ánh mắt ấm áp, long lanh như hiểu thấu lòng tôi và nói: “Cháu hãy làm việc thật tốt và là người luôn sống tốt”. Ánh mắt và lời dặn đó của ông vẫn luôn theo tôi. Tôi vẫn đang cố gắng từng giờ, từng ngày để làm việc tốt hơn, sống tốt hơn và có trách nhiệm với những người xung quanh, với môi trường, cộng đồng, là một công dân tốt như lời dặn của ông năm nào.
Đại úy QNCN, ca sĩ Vũ Thắng Lợi: Tự hào là người lính của Đại tướng
Thời còn là học sinh, tôi thường được xem nhiều phim tư liệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, về tài thao lược, lãnh đạo, chỉ huy những trận đánh của ông. Lớn lên, sau khi theo học và đam mê với dòng nhạc cách mạng, lại được đi biểu diễn phục vụ bộ đội ở nhiều vùng, miền Tổ quốc, nơi có dấu ấn một thời Đại tướng sống và chiến đấu, được nghe kể nhiều về ông, tôi lại càng trân trọng hơn sự hy sinh xương máu của lớp lớp thế hệ cha anh đi trước. Tôi vẫn nhớ khoảng thời gian Đại tướng Võ Nguyên Giáp về với thế giới người hiền, những dòng người tiễn đưa xếp hàng dài từ khắp mọi miền đất nước, khắp nơi treo cờ rủ... Hình ảnh của Đại tướng, tấm gương của Đại tướng trở thành biểu tượng kết nối thiêng liêng của mọi thế hệ, triệu triệu trái tim yêu nước và tinh thần đoàn kết của cả dân tộc.
|
|
Đại úy QNCN, ca sĩ Vũ Thắng Lợi. Ảnh do NVCC. |
Ngay khi ông mất, nhạc sĩ Bùi Hoàng Yến đã viết bài hát “Đại tướng Võ Nguyên Giáp” để thể hiện tình cảm, sự trân quý của toàn dân tộc, của những người nghệ sĩ với vị Đại tướng tài ba. Nghĩ đến những hình ảnh với sự hy sinh, cống hiến của Đại tướng khiến tôi phải rất nhiều lần kìm nén khi hát ca khúc này, nhất là đến câu: “Hôm nay người về đây trên quê hương Quảng Bình, tay ôm Lệ Thủy soi mình bên dòng Kiến Giang. Mắt nhìn xa xăm nước non giang sơn điệp trùng...”. Không chỉ riêng tôi, đến khúc ấy có lẽ hầu như ai nghe cũng phải rơi lệ. Sau này, “Đại tướng Võ Nguyên Giáp” cũng là bài hát giúp tôi giành huy chương vàng trong Cuộc thi nghệ thuật "Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc" năm 2015.
Tình cảm của tôi dành cho Đại tướng có lẽ cũng giống bao người dân Việt Nam luôn hướng về ông. Là một nghệ sĩ-chiến sĩ, hình ảnh Đại tướng luôn nằm sâu trong trái tim tôi, tiếp thêm cho tôi những cảm xúc khi cất lên tiếng hát ngợi ca những anh linh liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc; tiếp thêm cho tôi niềm tự hào, trách nhiệm là người lính-Bộ đội Cụ Hồ!
NSƯT Tố Nga: Đại tướng sống mãi với thu vàng
Ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, tôi hòa mình vào dòng người dài như bất tận để được vào thắp nén nhang tiễn biệt người. Sau này tôi cũng về thăm viếng Đại tướng ở Quảng Bình mỗi khi có dịp. Tôi chưa có may mắn được gặp Đại tướng nhưng tự nhận mình có duyên với Đại tướng qua những tác phẩm âm nhạc viết về ông. Khi anh Nguyễn Anh Trí gửi cho tôi bài hát “Sống mãi với thu vàng”, tôi đã rất vui và xúc động. Rồi khi đọc những ca từ dung dị, tôi càng cảm nhận sâu sắc nỗi đau chung của toàn dân tộc khi Đại tướng về với đất mẹ và tôi đã hát, thu âm ngay.
|
|
NSƯT Tố Nga. Ảnh do NVCC. |
Lần nào hát “Sống mãi với thu vàng”, trong tôi cũng vẹn nguyên xúc động, rưng rưng. Tôi cũng chọn hát bài này ở nhiều chương trình, cũng nhiều lần hát trên mảnh đất quê hương Đại tướng... Chính ca khúc về Đại tướng đã giúp tôi được khán giả biết đến nhiều hơn. Vì thế, khi được VTV mời thực hiện MV “Sống mãi với thu vàng”, tôi đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng với tâm thế kính trọng. Với tôi, đó không chỉ là những tình cảm tri ân, mà cuộc đời và sự nghiệp, những cống hiến to lớn của Đại tướng với đất nước luôn là tấm gương cho các thế hệ muôn đời noi theo, thúc giục tôi tiếp tục cống hiến hết mình cho người, cho đời đẹp thêm.
DƯƠNG THU (ghi)