QĐND - Gần 1 thế kỷ đã trôi qua, dinh thự của lãnh chúa vùng Bắc Hà vẫn gần như nguyên vẹn. Nơi ấy đã trở thành một chứng nhân trong một giai đoạn lịch sử nhiều máu và nước mắt.
Đến Bắc Hà, Lào Cai, cùng việc tham quan, sống cuộc sống của đồng bào Tây Bắc, hầu hết các du khách đều tìm đến dinh thự Hoàng A Tưởng ở trung tâm huyện lỵ. Tòa nhà được xây dựng theo lối kiến trúc Á - Âu với bố cục hình chữ nhật liên hoàn khép kín, được khởi công vào năm 1914, hoàn thành năm 1921. Gần đây, dinh thự Hoàng A Tưởng đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai phục hồi theo nguyên bản và trở thành một điểm tham quan hấp dẫn.
 |
Một góc dinh thự Hoàng A Tưởng. |
Lịch sử của dinh thự Hoàng A Tưởng gắn liền với những đau thương, mất mát của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc. Trước năm 1945, Bắc Hà là xã hội thuộc địa nửa phong kiến, có giai cấp thống trị và bị trị, người bóc lột và kẻ bị bóc lột, trong đó, tầng lớp bóc lột là các thổ ty tay sai. Hoàng Yến TChao là người dân tộc Tày, sinh năm 1883, tại châu Thủy Vĩ, phủ Quy Hóa (nay là huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai). Trước khi thực dân Pháp xâm lược, thổ ty TChao đã là một trưởng bản giàu có và quyền thế ở xứ Bắc Hà. Sau khi chiếm được vùng Tây Bắc, thực dân Pháp phong cho Hoàng Yến TChao chức quan châu của Bắc Hà. Được sự hậu thuẫn của thực dân Pháp, thế lực của Hoàng Yến TChao đã mạnh càng trở nên hùng hậu. Trong suốt thời gian trị vì từ năm 1905 đến năm 1950, thổ ty Hoàng Yến TChao và con trai Hoàng A Tưởng đã đàn áp, bóc lột nhân dân đến tận xương tủy. Sau thời gian dài trị vì và bóc lột, cha con Hoàng Yến TChao tích lũy được một số lượng tài sản lớn nên đã cho xây một dinh thự bề thế giữa lòng cao nguyên để thể hiện quyền uy và sự giàu có của mình. Vật liệu để làm nên công trình được chuẩn bị rất kỳ công. Xi măng, sắt thép được Pháp hỗ trợ chở bằng máy bay từ dưới xuôi lên. Gạch ngói được cha con họ Hoàng cho sản xuất tại chỗ bằng đất sét trong lòng các dãy núi bởi những thợ thủ công giỏi Trung Quốc. Công trình được làm rất tỉ mỉ từ khâu chọn đất đến việc nung trong lò, những người thợ phải làm từng viên gạch một và phải làm ngày đêm để hoàn thành công trình sớm. Nhân công là những thợ xây giỏi nhất lấy trong các nhà tù, các bản làng và dưới xuôi lên. Dinh thự được xây dựng theo phong cách Á - Âu kết hợp do hai kiến trúc sư người Pháp và Trung Quốc thiết kế và chỉ đạo thi công. Công trình có sự đan xen kết hợp, bố cục hình chữ nhật liên hoàn khép kín. Toàn bộ mái ngói và con sơn gỗ là của Pháp nhưng được kết hợp với kiến trúc tâm linh của Trung Quốc qua các hình rồng phượng và tứ linh. Nhìn tổng thể, dinh thự họ Hoàng rất hài hòa, vòm trên cùng của ngôi nhà chính có đắp nổi hai cành nguyệt quế, giữa có rồng hình mặt nguyệt. Tổng diện tích toàn khu nhà lên tới 4.000m² với 36 phòng chính. Hai bên tả - hữu là hai dãy nhà ngang có bố cục và kiến trúc giống nhau. Mỗi dãy đều hai tầng nhưng thấp hơn nhà chính, mỗi tầng có ba gian với tổng diện tích 300m2, sử dụng làm phòng khách, phòng ngủ cho các bà vợ của Hoàng Yến TChao; 2 phòng cho vợ của Hoàng A Tưởng và phòng cho các vị cố vấn. Tiếp giáp với 2 dãy nhà ngang còn có 2 dãy nhà phụ gồm 2 tầng nhưng kiến trúc đơn giản hơn để Hoàng Yến TChao dùng làm nhà kho đựng vật phẩm và của cải. Xung quanh dinh thự là tường bao kiên cố gồm 3 cổng, 1 cổng chính và 2 cổng phụ trổ nhiều lỗ châu mai, có đường đi trên thành và cho lính gác đi tuần xung quanh, với tổng diện tích lên tới 10.000m2.
Gần 1 thế kỷ tồn tại với thời gian, dinh thự Hoàng A Tưởng vẫn giữ được gần như nguyên bản. Người Bắc Hà vẫn xem dinh thự Hoàng A Tưởng vừa là niềm tự hào nhưng cũng thấm đượm nỗi buồn. Tự hào giữa một vùng núi khô cằn lại mọc lên một dinh thự tuyệt đẹp. Buồn vì dinh thự đó đã khiến bao nhiêu máu và nước mắt của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc phải đổ xuống.
Bài và ảnh: NGỌC ANH