Sắc màu thổ cẩm-nét đẹp văn hóa dân tộc thiểu số

Đi dọc tuyến đường Hồ Chí Minh, suốt từ Bắc vào Nam, qua các vùng miền núi tập trung nhiều cộng đồng dân cư đồng bào các dân tộc vốn có những nền văn hóa đặc sắc, thể hiện rõ nhất là trên trang phục, chúng tôi hầu như không gặp ai mặc trang phục dân tộc của mình như trước. Nhiều đoàn đại biểu các già làng, trưởng bản vùng cao về thăm Thủ đô Hà Nội, người ta cũng thấy rất ít người mặc trang phục của dân tộc mình, mà hầu hết là trang phục “âu hóa”. Trong nhiều hội nghị, phải có quy định thì các đại biểu là đồng bào dân tộc thiểu số mới mặc trang phục của dân tộc mình.

Mặc trang phục dân tộc không chỉ làm đẹp và đề cao bản sắc văn hóa của dân tộc mình mà còn thể hiện lòng yêu quê hương, đất nước, truyền thống dân tộc. Nước ta có gần 60 dân tộc anh em cùng chung sống. Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa và truyền thống riêng. Một trong những biểu hiện bản sắc văn hóa là trang phục. Ấy vậy mà ngày càng có nhiều người dân ngại mặc trang phục của dân tộc mình trong các cuộc hội nghị, giao lưu, gặp gỡ, thậm chí là trong đời sống hằng ngày. Sự mai một bản sắc văn hóa dân tộc trong trang phục là đáng báo động. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do tác động của cơ chế thị trường và tác động của lối sống hiện đại, đi cùng với tốc độ đô thị hóa, hiện đại hóa nông thôn và miền núi. Để có một bộ trang phục dân tộc, người dân phải mất nhiều thời gian lấy nguyên liệu, sản xuất vật liệu, dệt vải, may vá mà giá trị kinh tế không cao. Trong khi một bộ quần áo “âu” chỉ khoảng trăm nghìn đồng, vừa bền, vừa tiện lợi. Gần đây, việc mặc trang phục dân tộc đã được một vài ngành và địa phương chú ý hơn. Tuy nhiên, nếu chỉ mỗi năm đôi lần mặc trang phục dân tộc trong những ngày lễ hội quy định thì đâu còn bản sắc dân tộc, truyền thống, với nét văn hóa đã đi vào đời sống hằng ngày?

Đảng và Nhà nước ta đã có chủ trương, chính sách và giải pháp để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của từng dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, để thực hiện đúng và hiệu quả, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống cần có những quy định và hướng dẫn cụ thể, trong từng vấn đề cụ thể. Vì vậy các địa phương, các tổ chức đoàn thể, cơ quan chức năng cần không ngừng tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc, trước tiên là thông qua trang phục. Đặc biệt, các ngành, các cấp, các địa phương cần có chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề liên quan đến trang phục truyền thống. Đồng thời, tổ chức cho nhân dân sử dụng trang phục truyền thống dân tộc nhiều hơn trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, trong gia đình và tập thể. Ngành thông tin-văn hóa, các tổ chức đoàn thể và phương tiện truyền thông là lực lượng nòng cốt trong việc giúp cho đồng bào nhận thức đầy đủ việc mặc trang phục dân tộc là sự tôn vinh bản sắc văn hóa, dân tộc, công tác này cần tiến hành thường xuyên, không nên để sao nhãng.

HƯƠNG HỒNG THU