Hà Nội, đêm, có gì thật lạ trong mắt tôi, người phương Nam. Không phải là mặt nước Hồ Gươm mờ ảo lãng đãng sương giăng, liễu rủ rèm lá trong lấp lánh ánh đèn. Không phải là sắc màu rực rỡ của lễ hội phố hoa nơi trung tâm thành phố, tấp nập nam thanh nữ tú... Cũng không phải cái giá lạnh ẩm ướt cuối đông trong cơn mưa phùn lất phất, làm cảnh vật liêu xiêu, hư thực.
|
|
Biểu diễn ca trù tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ, 50 Đào Duy Từ, TP Hà Nội. Ảnh: MINH THÀNH |
Hình như trong thinh không có tiếng chuông chùa vọng từ Hoa Lư, cố đô của nước Việt nghìn năm trước. Mơ hồ như có tiếng chèo khua từ chiếc thuyền rồng cổ nghìn tuổi, thấp thoáng bóng vị vua tay cầm “Chiếu dời đô”, đang rẽ sóng sông Hồng... Lại như nghe tiếng reo vang chiến thắng quân xâm lược của những đoàn quân dũng sĩ mang tinh thần Đông A đi xuyên qua thời gian, không gian 7-8 thế kỷ trước đến hôm nay...
Không biết điều gì xui khiến, phải chăng lời mời ngọt ngào có chút bí ẩn từ em gái Hà Nội, hay vì cảm thấy khó nhập vào đám đông nam thanh nữ tú nắm tay chen nhau dập dìu bên Hồ Gươm nghe gala âm nhạc, tôi líu ríu theo em đi ngược dòng người, vào bên trong ngôi đình thờ Tổ nghề thợ bạc cổ kính để nghe một canh hát ca trù.
Đào nương như từ một trong 4 bức tranh tố nữ cầm-kỳ-thi-họa treo trên tường hiện ra, thực trong mộng, mặt hoa rạng ngời, mắt long lanh sóng nước, dáng điệu khuê các, dịu dàng nét mai, cất tiếng oanh chào quan viên. Kép đàn cũng giống như từ trong bức gấm thêu bát tiên bước ra, ôm cây đàn đáy bảo vật, phong thái thanh thoát, cúi nhẹ lịch duyệt chào khách tri âm... Và rồi giống như một sự hòa hợp huyền hoặc đến mê đắm của giọng ca, tiếng phách, tiếng đàn, tiếng trống, một chuỗi âm thanh trau chuốt như tiếng ngọc vang trong không gian ngôi đình cổ, như đọng lại trong từng khách tri âm...
Đào nương tay róc phách mà như múa khi khoan khi nhặt, tiếng phách có lúc như âm thanh của suối reo, chim hót... giọng ca lúc lên cao trong như tiếng ngọc, lúc xuống trầm ngọt mềm như nắng mai, câu hát dù buồn mà không thấy bi, chỉ thấy sâu lắng, thâm trầm, như thấm vào hồn khách. Kép đàn như một tài nhân hòa trộn âm thanh, khi giai điệu đàn hòa quyện với tiếng trống, tiếng phách tạo nên hợp âm biến ảo, cứ như muốn rút gan ruột quan viên say đắm, si mê.
Ca trù, một lối chơi tao nhã, lịch lãm của các văn nhân tài tử xưa nay, trong đó văn thơ, âm nhạc quyện vào nhau, tạo nên vẻ đẹp mộc mạc mà khúc chiết, tinh tế, vừa có tính dân gian xen lẫn bác học, thực đấy mà ảo huyền vi diệu. Với người phương Nam, ca trù còn là một thế giới âm nhạc kỳ lạ, có chút bí ẩn thú vị để khám phá, có chút khí chất thần tiên để ngưỡng mộ, có chút huyền bí để mê hoặc, ám ảnh...
Ca trù có nhiều truyền thuyết về xuất xứ, nhưng tôi thích một truyền thuyết rất đẹp và lung linh huyền thoại về sự ra đời. Truyền rằng các vị tổ ca trù đã được chính hai vị tiên trong bát tiên bày cách chế tác ra cây đàn đáy, tiếng đàn có thể giải mọi phiền muộn, chữa bách bệnh cho nhân gian và chính tiếng đàn xe duyên cho hai vị tổ ca trù thành đôi phu thê bất tử. Đọc sách xưa, biết đến với ca trù là những tâm hồn yêu tiếng hát, tiếng thơ, tiếng tơ, nhịp phách, để sẻ chia, hòa mình vào thế giới nội tâm sâu thẳm của những tri âm, để sống những giờ khắc thanh nhã, bỏ hết bụi trần tạp niệm.
Như thực như mơ, trăng 14 gần tròn, tỏa sáng như rắc bụi bạc vào trời đêm, giơ tay như muốn níu dài âm thanh của những khúc ca: “Tự tình”, “Gặp xuân”, “Xuân tình”, “Chơi xuân kẻo hết xuân đi”, “Hồng hồng tuyết tuyết”, “Tỳ bà hành”... những câu hát da diết với âm ngân luyến láy hòa quyện trong giai điệu của đàn đáy, tiếng sênh phách, tiếng “tom, chat” của trống quan viên tạo nên sức mê đắm lạ, cứ như muốn buộc, muốn neo hồn người miên man trong canh hát.
Bất chợt tôi nhớ trước lúc chia tay, người em gái Hà Nội hát tặng tôi một khúc ca trù bài “Chơi Hồ Tây” của Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến: “Thuyền lan nhè nhẹ/ Một con chèo đủng đỉnh dạo Hồ Tây/ Sóng rập rờn sắc nước lẫn chiều mây/ Bát ngát nhẽ, ghẹo người du lãm...”.
Và tôi lạc trong mê tình ca trù phố cổ Hà Nội.
HOÀI HƯƠNG