Thành phố biển Nha Trang có nhiều điểm mua bán sách cũ. Nói sách cũ là nói chung cho những cuốn sách đã không còn nằm trên kệ của các hiệu sách. Nhiều cuốn sách còn mới keng thơm phức, chưa có nếp gấp, không dính vết bẩn, nhưng khi ra đến những điểm mua bán sách cũ thì nghiễm nhiên được xếp vào loại sách cũ. Đã có những cuốn như Rèn kiếm, một tuyển tập truyện ngắn Trung Quốc chọn lọc, xuất bản năm 2006, giá bìa 47 nghìn đồng, nhưng vì trên mạng Internet có thông tin công bố là đã tuyệt bản nên khi ra đến điểm bán sách cũ, khách nào hên có thể gặp được mà mua với giá giảm xấp xỉ 50% theo giá bìa, chỉ còn 25 nghìn đồng, trong khi trên một trang web về Sách lại rao bán cuốn này với giá… 19,99USD! Hay như cuốn Buổi sáng biến mất, tuyển tập truyện ngắn hay và đoạt giải cuộc thi báo Văn nghệ 2006-2007 còn mới tinh mùi mực, xuất bản năm 2007, giá bìa 65 nghìn đồng, khách sẽ mua được với “giá mềm” là 35 nghìn đồng. Còn rất nhiều cuốn sách mới xuất bản khác đã ra nằm ngoài “chợ sách cũ”, bảo đảm không phải “hàng luộc” vì đã qua khâu “kiểm dịch” của người thu mua sành sỏi, sẽ có những mức “giá rẻ bất ngờ”…
Đã từng có một khách chịu khó lùng sục kiếm tìm, ở các “chợ” sách cũ Nha Trang, cuối cùng đã mua được cuốn “Tuyển tập thi-nhạc-họa” do Nhà xuất bản Lá Bối xuất bản năm 1967, có chữ ký của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, với giá chỉ… 5 nghìn đồng, nếu bán lại cho dân chơi sách cổ có thể được giá 150-200 nghìn đồng! Một khách khác đã từng kiếm được cuốn “Câu chuyện dòng sông” của Hermann Hesse-Phùng Khánh và Phùng Thăng dịch, xuất bản năm 1966, người bán sách chỉ tính giá mềm 15 nghìn đồng; chỉ qua ngày hôm sau, cuốn sách này đã được “sang nhượng hữu nghị” cho một tay sưu tầm “kinh sách Phật giáo” với giá gấp mười lần.
Một chợ sách cũ hình thành lặng lẽ từ 10 năm qua trên đường Hoàng Hoa Thám. Ở đó có 4 người chuyên mua bán sách cũ, đếm ra có đến 6 chiếc xe đẩy đầy sách các loại, không tính đến số sách được bỏ trong các bao tải cho gọn gàng, chỉ lôi ra khi khách hàng có yêu cầu tìm kiếm… Dường như các cơ quan chức năng đã thông cảm làm lơ cho chợ sách cũ này từ nhiều năm qua vì đó cũng là một nét văn hóa không thể thiếu của một thành phố luôn luôn dập dìu khách du lịch. Các quán cà phê cóc có thể bị dẹp, bị cấm buôn bán, vì giăng bàn ghế, tập trung người và xe chiếm hết lối đi trên vỉa hè, chứ còn mấy xe bán sách cũ thì… ưu tiên! Các chủ xe sách cũ cũng nhận biết sự “thông cảm ưu ái” đó, nên họ luôn giữ đúng phép tắc, khi trưng bày đều cho sách nằm trên xe và bạt trải sát vào tường, hướng dẫn khách đậu xe đúng nơi đúng chỗ, đồng thời họ cũng luôn nhớ rằng, mình không được mua bán các loại sách cấm có nội dung đồi trụy, chống phá cách mạng, phản ngược với chủ trương chính sách của Nhà nước… Trước kia, chợ sách cũ Hoàng Hoa Thám có đến 8 người chuyên mua bán sách cũ, đến nay một người đã giải nghệ, 2 người khác thì lần lượt “quy tiên”, một người nữa thì “bỏ chợ” vì lấy vợ ở tận Gia Lai, nhưng sau lại quay về Nha Trang với nghề cũ vì “không thể bỏ được”.
Ngoài ra, còn có một điểm sách báo cũ trên góc ngã tư Quang Trung-Lý Tự Trọng, cũng gần ngã tư đèn tín hiệu giao thông, nhưng ở đây bán báo cũ nhiều hơn là sách. Nếu khách cần mua các loại tạp chí về phim ảnh, nhiếp ảnh, hội họa, thời trang model, nhà cửa, xe hơi, xe máy, mua sắm… thì nên tìm đến điểm này. Trên đường Trần Quý Cáp cũng có một tiệm sách cũ trong nhà, sách cũ có nhiều nhưng bị khiếm khuyết là diện tích chật hẹp, khách ra vào để chọn lựa hàng rất khó khăn. Và, còn một tiệm mua bán sách cũ khác, cũng ở trong nhà, ngay ngã tư Ngô Đức Kế-Lê Đại Hành, gần trường Lê Quý Đôn (cũ). Sách ở đây được chất chồng từng dãy, từng lớp nằm hai bên bậc cấp chật hẹp dẫn từ tầng trệt lên đến tầng 3. Nhưng thật tiếc một điều, đa số sách cũ là… truyện tranh dành cho con trẻ, ngoại trừ một số từ điển tiếng Nga, tiếng Pháp…
NGUYỄN THỊ HỒNG PHƯƠNG