QĐND - Tác phẩm điện ảnh có giá trị xã hội sâu sắc, luôn gắn kết với hiện thực cuộc sống. Chính hiện thực ấy, muôn thuở là mảnh đất ươm mầm tư duy và cảm hứng cho nghệ sĩ làm nên tác phẩm. Nói cách khác, tác phẩm điện ảnh là sinh thể được tái tạo bởi môi trường hiện thực-trong đó hình hài, cốt cách, sắc màu của tác phẩm tùy thuộc phần lớn vào chất dạng hiện thực. Sự gắn kết giữa hiện thực cuộc sống với tác phẩm điện ảnh, từ lâu đã trở thành quy luật sống còn phản ánh cuộc sống, góp phần giải đáp các vấn đề của cuộc sống, đồng thời nuôi dưỡng tác phẩm.

Tại cuộc hội thảo “Điện ảnh phản ánh hiện thực cuộc sống” do Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức cách đây chưa lâu, vấn đề điện ảnh và hiện thực thêm một lần được phân tích, mổ xẻ, với hy vọng sẽ giúp những nhà làm phim nhận thức và sáng tạo ra những tác phẩm điện ảnh chân thực, phản ánh bản sắc văn hóa dân tộc một cách sâu sắc.

Quân đội nhân dân Cuối tuần xin trích đăng một số ý kiến tại hội thảo.

Cảnh trong phim "Bi, đừng sợ!", bộ phim được đánh giá mang đậm hiện thực cuộc sống. Nguồn: Internet

PGS, TS Trần Luân Kim:

Cơ sở của hiện thực là thực tại. Từ thực tại, nghệ sĩ nhận thức hiện thực. Chính sự hiện hữu cụ thể của thực tại, thông qua cảm nhận riêng có của nghệ sĩ, được phản ánh vào tác phẩm điện ảnh. Thực chất mối quan hệ giữa hiện thực cuộc sống với tác phẩm điện ảnh là quan hệ nhận thức và phản ánh, trong đó tác phẩm điện ảnh đóng vai trò tấm gương soi chiếu hiện thực.

Nghệ thuật điện ảnh thời nay nói chung đã biết khéo léo phản ánh hiện thực; không chụp hình, không lặp lại cuộc sống một cách tùy tiện, giản đơn. Nhiều nghệ sĩ đã biết đi sâu khám phá hiện thực cuộc sống thông qua quá trình thăng hoa cảm xúc của mình. Như vậy, đối với chúng ta, đang tồn tại cả hiện thực trần trụi khách quan lẫn hiện thực đã qua nhào nặn của nghệ sĩ. Hai hiện thực ấy gắn quyện nhau, cùng xuất phát từ một nguồn gốc nhưng lại là hai phạm trù riêng rẽ. Hiện thực tác phẩm luôn huyền diệu, kỳ ảo và lấp lánh sắc màu - tùy thuộc vào linh cảm, tài năng của mỗi nghệ sĩ. Ở đây, hiện thực không còn là thực tế trần trụi khô khan, mà đã trở thành chất liệu gây men làm nên tác phẩm.

Chất lượng hiện thực gắn với tài năng, đạo đức, lý tưởng xã hội và lý tưởng thẩm mỹ của nghệ sĩ thông qua quá trình sáng tạo tác phẩm. Hiện thực được phản ánh bằng nhiều phương pháp, thủ pháp, trường phái khác nhau. Cho dù đi theo phương pháp, trường phái nào, người nghệ sĩ cũng không thoái thác được trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ nhân sinh của mình, bằng cách đề cao chân, thiện, mỹ, bảo vệ con người và cổ vũ tiến bộ xã hội.

Gần đây, qua thời gian đất nước đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế, sáng tác phim truyện (kể cả phim truyện điện ảnh lẫn phim truyện truyền hình ở nước ta) đã bước sang giai đoạn phát triển mới, có điều kiện mở rộng phạm vi phản ánh hiện thực với nhiều góc độ, chiều kích mới; làm cho bộ mặt của hiện thực trở nên phong phú, có chiều sâu hơn. Những khuyết tật giáo điều, công thức, rập khuôn, một chiều, gượng gạo, đơn điệu đang từng bước được khắc phục. Không ít tác giả phim trăn trở muốn bứt phá trong phương pháp phản ánh hiện thực, thể hiện hoàn thiện hơn hình tượng tác phẩm và hình thức biểu đạt ngôn ngữ. Từ đó, đã xuất hiện trong thời gian qua những phim truyện nổi trội trên cả màn ảnh lớn lẫn màn ảnh nhỏ. Phần lớn các tác phẩm này đề cập hiện thực với thái độ thẳng thắn, khách quan, tạo nên đà bay bổng của xúc cảm nghệ thuật cùng độ lắng đọng của hiện thực cuộc sống. Một hiện thực mới trong nghệ thuật thể hiện là hiện thực đơn tuyến quen thuộc đã được bổ sung bằng hiện thực đa tuyến có khả năng lập thể hóa hình ảnh hiện thực.

Ở hướng ngược lại, ta thấy không nhiều tác phẩm đạt tới các thay đổi tích cực nói trên. Nhiều tác giả chưa nắm bắt được bản chất cũng như chiều sâu của hiện thực được phản ánh; thể hiện cứng nhắc, nông cạn, thiếu sức sống. Một số khác né tránh hiện thực sôi động bằng những tìm tòi mang tính cá nhân, vô thưởng vô phạt.

Hiện thực cuộc sống-nền tảng của ý tưởng sáng tạo, luôn là phương tiện chủ yếu-đồng thời cũng luôn là chất liệu quan trọng giúp nghệ sĩ tung tác trong thăng hoa biểu hiện. Do đó, rời xa hoặc rũ bỏ hiện thực trong sáng tác, đồng nghĩa với cắt đứt nguồn máu nuôi dưỡng sự sống của tác phẩm điện ảnh.

Nhà văn Chu Lai:

Hiện thực và cách phản ánh hiện thực là câu hỏi một thời và muôn thời của người nghệ sĩ, không chỉ trong vòm trời điện ảnh mà còn cả vòm trời thi ca, âm nhạc, hội họa, sân khấu, kiến trúc. Và cũng không phải vấn đề của một quốc gia mà là của toàn nhân loại.

Vậy hiện thực là cái thứ gì mà nó hành ta dã man và ghê gớm người ta như vậy? Nó kiêu kỳ, đỏng đảnh luôn chơi trò ẩn chìm biến ảo hay rú gào gầm thét khiến cho tâm hồn ta bất ổn, bất lực không làm sao tiếp cận được nó để đến nỗi năm này qua năm khác, các ngành nghệ thuật dẫu trải qua muôn ngàn vật vã thăng trầm vẫn cứ đau đớn tự hỏi: Hình như ta vẫn chưa sờ thấy nó, ngửi thấy nó, động được tay vào lục phủ ngũ tạng của nó.

Hiện thực như tình yêu. Không yêu cháy lòng cháy dạ, không tha thiết, không khổ đau tìm mọi cách để xâm nhập được vào trái tim chật chội và kiêu kỳ của nàng để buồn vui sâu thẳm thì mãi mãi đứng bên ngoài, hắt bóng.

Vâng, hiện thực là kiêu kỳ nhưng hiện thực cũng rất mong manh, dễ bị tổn thương. Nó sẽ kiêu kỳ, xa cách với những ai chỉ một chiều chàng màng với nó và nó sẽ rất ấm áp, dịu dàng nếu ta nhập hồn, hiểu lòng nó, chân tình chân cảm xoắn bện với nó.

Hiện thực có quyền đòi hỏi ở người nghệ sĩ một thái độ tôn trọng và lịch sự.

Vâng, ở đời nói thì dễ, làm thì khó, cái còn lại là sự lao động cô đơn, âm thầm, hành xác và nghiêm cẩn trong mỗi góc tối vo ve muỗi bay của từng tấm lòng nghệ sĩ. Tin rằng, từ sự cô đơn tinh khiết và từ những nẻo đường sáng tạo gập ghềnh thành bại đã đi qua, nền điện ảnh nước nhà sẽ dần dà rút tỉa được những thành tựu mới như đã từng tạo dựng.

Nhà lý luận phê bình, TS Ngô Phương Lan:

Nhiều ý kiến vẫn cho rằng, việc phản ánh hiện thực cuộc sống trong tác phẩm điện ảnh vẫn còn nhạt nhòa, phiến diện, thiếu sức thuyết phục và nhìn chung chưa xứng tầm với những bước đi mạnh mẽ, những bước ngoặt căn bản của đời sống xã hội. Trong khi đó, không thể phủ nhận được rằng, vị trí của mảng phim phản ánh hiện thực cuộc sống rất quan trọng, thậm chí cần phải trở thành mảng màu chính, đem lại diện mạo mới cho bức tranh toàn cảnh điện ảnh.

Ở góc độ một người làm lý luận phê bình, từ thực trạng còn nhiều hạn chế trong những bộ phim khai thác và phản ánh hiện thực cuộc sống, tôi mạo muội khái quát những nguyên nhân chính khiến cho những bộ phim chưa tạo nên được dấu ấn đậm nét đối với xã hội, chưa trở thành những “tác phẩm để đời” của điện ảnh Việt Nam.

Một là, phim ta chưa xây dựng được những nhân vật có sức sống mạnh mẽ, bản lĩnh Việt Nam thời đại ngày nay chưa được bộc lộ rõ nét trong phim nói chung, trong các nhân vật chính nói riêng.

Hai là, phim ta phản ánh hiện thực nhiều hơn đi vào bản chất cuộc sống, vì vậy, phim thiếu sự sâu sắc, chưa đạt đến tầm triết lý cuộc sống để người xem phải chiêm nghiệm và nhớ mãi.

Ba là, tính dự báo của phim ta chưa cao, chủ yếu là mô phỏng hiện tại, còn thì rất ít (hoặc thậm chí không có!) sự gợi mở xu thế phát triển của xã hội, rất ít thông điệp gửi tới tương lai.

Trong điện ảnh, vấn đề phản ánh hiện thực cuộc sống ra sao và bằng cách nào liên quan mật thiết đến cách nhìn nhận, thái độ, nguyên tắc sáng tác và tài năng của nhà làm phim. Phản ánh hiện thực cuộc sống là cốt lõi của sáng tác điện ảnh, để từ đó, cuộc sống được tái hiện trên màn ảnh qua lăng kính của nhà làm phim sẽ có tác động trở lại - tích cực hoặc tiêu cực - đối với người xem nói riêng và xã hội nói chung.

Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn:

Tôi xin trình bày một vài suy nghĩ hạn hẹp theo góc nhìn của một đạo diễn phim truyện về vấn đề: Tìm một cách kể về hiện thực cuộc sống.

Khi tham gia công tác đào tạo, tuyển sinh hoặc giám khảo các cuộc thi năng khiếu… chúng tôi nhận thấy phần lớn các tiểu phẩm, bài tập, bài thi của các bạn trẻ đều có nhân vật bán vé số, người ăn xin, cô gái điếm, và dĩ nhiên không thiếu kẻ cắp, dân giang hồ… Có nên vội cho rằng, vì các bạn trẻ biết quan tâm đến những số phận dưới đáy xã hội?

Cũng có thể, nhưng đúng hơn là các bạn nhận thấy đấy là những mảnh đất thích hợp để dồn vào đó mọi thứ hỷ nộ ái ố, tình tiền tù tội, những scandal tình ái, những trò lừa đảo, bạo lực vẫn thường xuất hiện nhan nhản trên báo chí. Các bạn tưởng rằng mình bám sát hiện thực cuộc sống. Thực ra, hoặc là thị hiếu tình tiền tù tội đã ăn sâu vào tâm trí, khiến họ hoàn toàn không rung động trước những cảm xúc nhẹ nhàng, tinh tế, hoặc là họ đã sa vào chủ nghĩa tự nhiên, hớt những váng mỡ nổi trên nồi nước dùng mà không quan tâm đến những gì đang sôi sục bên trong.

Người làm phim khi muốn khai thác chất liệu từ hiện thực cuộc sống, phải trả lời các câu hỏi về bản chất và độ tin cậy của hình ảnh muốn đưa vào phim, về mối liên hệ giữa chuyện phim và hiện thực, và về vai trò của chuyện phim có tác động gì tới cơ chế hoạt động và ý nghĩa của xã hội, và phải suy nghĩ xem chất liệu đó giúp ta thể hiện điều gì, có những khám phá gì về cuộc sống thực đang diễn ra.

Nói về nhân vật, điện ảnh hiện thực quan tâm tới những người “như anh và tôi”, những con người bình thường, những con người đắm mình ngày này qua tháng nọ trong môi trường chung của xã hội đến thấm vào máu thịt, đến độ chi phối hết những suy nghĩ, hành động, thái độ và cả tính cách của họ. Đó mới đúng là những nhân vật của hiện thực cuộc sống, chứ không phải những siêu nhân hoặc thế giới ngầm.

Và những nhân vật này đang sống trong cuộc sống thường ngày của họ. Những nhà làm phim cần phải biết nâng niu tầm quan trọng của “cái thường ngày”. Đừng nhượng bộ thêm mắm thêm muối tạo thành những tình huống, hoàn cảnh chuyên biệt tách nhân vật khỏi cuộc sống bình dị. Đừng nên dễ dãi đưa vào những sự kiện có tính thời sự làm phá vỡ thế cân bằng của cuộc sống nhân vật. Nghiên cứu con người cũng giống như nhà khoa học nghiên cứu một sinh vật, phải đặt vào những điều kiện sống bình thường, nếu không kết quả sẽ sai lệch. Phải làm sao để mảng đời hiện ra trong phim chỉ như là một nhát cắt của cuộc sống hằng ngày. Người xem có cảm giác như câu chuyện bắt đầu từ đâu và kết thúc ở đâu cũng được trong chuỗi ngày sống của nhân vật và tin là hiện thực được trình bày là cuộc sống thực. Dĩ nhiên, để tạo cho được cảm giác đó, là cả một dụng công ghê gớm của người làm phim, dựng ra được một hiện thực như nó vốn có, không giả tạo, không tô vẽ, là kết quả của một quá trình hư cấu tối đa về nội dung lẫn hình thức để đạt hiệu quả không hư cấu.

Trong điện ảnh phản ánh hiện thực, tôi cũng cho rằng, phong cách tối giản là một điều cần thiết nếu không muốn sa vào chủ nghĩa tự nhiên. Người làm phim phải bản lĩnh, tinh tế trong việc chọn lọc, tiết chế các tình tiết. Quan điểm sáng tác này ngược hẳn so với dòng phim thị trường. 

Nguyễn Duy Trí lược ghi