Tuyệt kỹ của cha ông
Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng hiện là nơi bảo quản, khai thác Mộc bản triều Nguyễn. Mặc dù đã có nhiều hư hao do những biến cố của lịch sử nhưng tại đây vẫn còn lưu giữ được 34.619 tấm mộc bản, tương đương với 55.320 bản khắc. Trong đó có nhiều bản khắc những văn kiện đặc biệt quan trọng như “Chiếu dời đô” của Lý Công Uẩn, “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt, “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn, “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi, các bộ sách sử: “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Đại Nam thực lục chính biên”, “Đại Nam nhất thống chí”, “Đại Nam thực lục tiền biên”, “Phủ biên tạp lục”…
Đa số mộc bản được chế tác vào thời nhà Nguyễn nhưng cũng có nhiều tấm mộc bản có lịch sử lâu đời hơn, được chuyển từ Thăng Long vào Huế vào thời vua Minh Mạng. Việc chế tác mộc bản phải trải qua rất nhiều khâu, trong đó khắc ván (hay còn gọi là san khắc) là công đoạn cuối cùng, quan trọng nhất, quyết định chất lượng những bộ sách Hán Nôm.
    |
 |
Nghệ nhân Lê Viết Quyết trình diễn kỹ thuật san khắc mộc bản |
Dưới thời Nguyễn, những thợ khắc tài hoa nhất trong cả nước sau khi được tuyển chọn được tập trung về Cục Thư khắc thuộc Vũ khố để làm việc. Gỗ để khắc ván in sách là các loại gỗ thị, gỗ nha đồng có thớ mịn, dẻo, trắng như ngà, đã qua ngâm tẩm để không bị mối mọt, cong vênh hoặc nứt. Gỗ sau khi được chế tác thành các tấm ván khắc, người thợ sẽ dùng hồ phết lên bề mặt ván, sau đó dán bản thảo do các quan Đằng lục chép lại tinh tả và đã qua khâu hiệu đính. Khi bản thảo và hồ đã khô, thợ khắc tiếp tục phết lên bề mặt ván một lớp dầu thực vật để các chữ hiện ra và nghệ nhân sẽ bắt đầu công đoạn tạo tác. Dụng cụ khắc ván có nhiều loại với nhiều kích thước như dùi, đục, chàng, nạc. Tùy từng loại chữ, nét chữ hoặc các vị trí mà thợ khắc sử dụng các dụng cụ khác nhau. Khi khắc, người thợ sẽ đục bỏ những phần không có nét chữ, khuôn sách và vạch phân cách dòng, sau đó mới tiến hành khắc nội dung từng hàng chữ, hết hàng này tiếp hàng khác cho đến khi xong hết mặt khắc. Theo mũi dùi của người thợ, từng lọn gỗ nhỏ sẽ bung ra khỏi bản gỗ thô ráp để nhường chỗ cho nét chữ, hoa văn tinh xảo. Dù là trang sách chữ nhỏ dày đặc hay một hình vẽ bản đồ, bức tranh, hoa lá thì qua bàn tay khéo léo và cảm xúc bay bổng của người thợ, tất cả sẽ hiện ra đẹp tựa bức tranh.
Với những tấm mộc bản khắc chữ để in sách, người thợ phải khắc hai trang trên mỗi tấm ván. Đặc biệt, tất cả các chữ khắc trên ván đều là chữ ngược, rất khó hình dung, có chữ chỉ bằng hạt gạo với nhiều nét đậm-nhạt, dài-ngắn khác nhau nhưng luôn được thể hiện một cách chính xác. Dưới triều Nguyễn, có nhiều thợ khắc đã phải bỏ trốn vì không chịu nổi áp lực công việc cùng sự khắt khe của triều đình trong việc san khắc mộc bản, vì thế, một lần xuống thăm lính thợ ở Vũ khố, vua Tự Đức đã xuống dụ rằng: “Lính và thợ nếu xảy ra thiếu thốn thì cấp thêm, chi đủ cho họ vui lòng mà làm việc”.
Sau khi khắc ván hoàn thành, các vị hoàng đế sẽ đích thân ngự lãm và ban thưởng. Những khắc ván sau đó được chuyển về kho sách của triều đình để bảo quản, in ấn và ban cấp cho khắp nơi.
Nghệ nhân trẻ đau đáu với nghề xưa
    |
 |
Một bản khắc tác phẩm "Bình Ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV |
Từ thế kỷ 20, công nghệ in ấn đã có những tiến bộ vượt bậc, nghề san khắc mộc bản tại nước ta dần rơi vào quên lãng và nghệ nhân trẻ Lê Viết Quyết, sinh năm 1993, quê ở xã An Bình, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, hiện là một trong những người hiếm hoi còn gắn bó với nghề. “Hải Dương là quê hương của Thám hoa Lương Như Hộc, một vị quan sống dưới thời Lê vào thế kỷ 15, nhờ hai lần đi sứ sang Trung Quốc, ông đã học được nghề làm mộc bản, sau đó về truyền dạy lại cho người dân hai làng Liễu Tràng và Hồng Lục, khiến nghề in ở đây phát triển và ông được xem là ông tổ của nghề khắc ván in của Việt Nam”-nghệ nhân Lê Viết Quyết tự hào cho biết.
Trao đổi với chúng tôi, Lê Viết Quyết chia sẻ, nghề này anh học từ cha của anh, ông Lê Viết Tiến, cũng là một trong những nghệ nhân hiếm hoi của tỉnh Hải Dương làm nghề san khắc mộc bản. “Từ bé, thấy cha suốt ngày đục đẽo rồi sai phụ việc, tôi cũng có biết đôi chút nhưng thú thực chẳng lấy làm hứng thú vì với tôi, đó là công việc quá gian khổ, buồn tẻ. Chỉ sau khi xuất ngũ, rồi đi xuất khẩu lao động về, thấy cha già yếu, mắt mờ, tôi mới thương và trân trọng công việc của cha. Từ đó, tôi quyết định gắn bó với nghề mà cha đã trọn đời tâm huyết”-nghệ nhân Lê Viết Quyết bồi hồi nhớ lại.
Từ ngày gắn bó với nghề, Lê Viết Quyết rong ruổi khắp mọi miền đất nước để khắc câu đối, kinh Phật cho các nhà chùa. Hành trang anh mang theo gồm giấy dó, dao, chàng, đục cùng những tấm gỗ thị, gỗ thừng mực. Riêng dụng cụ dùng khắc ván anh phải tự đặt vì trên thị trường không bán. Trung bình, để khắc xong một chữ Hán hoặc chữ Nôm, anh phải mất khoảng 10-15 phút, một mặt khắc mất khoảng một tháng. Với những cuốn kinh Phật dày hàng trăm trang thì mất vài năm mới hoàn thành. “Nghề này đòi hỏi chữ nhẫn và sự tập trung cao độ. Phải biết được chữ Hán và chữ Nôm kẻo khắc chữ “tác” thành chữ “tộ”. Một mặt khắc chỉ cần sai một chữ là phải bỏ đi và khắc lại từ đầu. Công sá, tiền nong không quan trọng, nhà chùa cho mình bao nhiêu thì nhận bấy nhiêu. Mỗi khi khắc xong một bộ sách quý, được sư thầy khen là mình thấy lòng vui rồi”-Lê Viết Quyết chia sẻ.
Khi được hỏi tại sao không ứng dụng công nghệ hiện đại vào việc san khắc mộc bản để tiết kiệm thời gian, công sức, nghệ nhân Lê Viết Quyết cho biết, anh đã thử và thất bại. Ví như dùng tia laser gỗ sẽ bị cháy, còn dùng máy công nghệ cao để khắc thì lưỡi dao của máy chạy theo phương thẳng đứng, không thể uốn lượn hoặc vát được chân chữ, hơn nữa, chi phí cũng rất cao. Do đó, công việc này chưa có máy móc nào có thể thay thế được.
Hơn 8 năm gắn bó với nghề san khắc mộc bản, đã đặt chân tới mọi miền đất nước nhưng nghệ nhân Lê Viết Quyết vẫn chưa gặp người nào làm nghề giống như anh, điều đó khiến anh luôn trăn trở và đau đáu một nỗi mong sẽ được truyền nghề cho ai đó để di sản quý báu của cha ông sẽ được gìn giữ, phát huy.
Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG