Gừa (nhiều nơi gọi là cây si) thường mọc hoang dọc theo các nhánh sông, kênh, rạch, có mặt khắp nơi ở ĐBSCL. Theo truyền miệng của người dân ấp Nhơn Khánh, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, Giàn Gừa nơi đây đã tồn tại trên phần đất khai khẩn của dòng họ Nguyễn hơn 150 năm. Khởi nguồn chỉ là một gốc duy nhất, cây cứ âm thầm phát triển. Từ xưa tới nay, người trong làng không ai dám chặt phá vì dưới tán cây còn có miếu thờ bà Thượng Động Cố Hỷ rất linh thiêng.
    |
 |
Năm 2013, Giàn Gừa được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận Cây di sản Việt Nam. |
Từ trung tâm TP Cần Thơ, chúng tôi chạy xe gắn máy về hướng quận Cái Răng (TP Cần Thơ) rồi rẽ phải theo đường Vị Thanh (kết nối TP Cần Thơ với tỉnh Hậu Giang), đi tiếp gần 10km là tới Giàn Gừa. Trước đây, khi chưa có đường nối Vị Thanh (khánh thành tháng 5-2012), du khách muốn tham quan Giàn Gừa có phần vất vả hơn, vì phải ngồi đò qua sông Cần Thơ, sau khi vượt chặng đường dài trên Lộ Vòng Cung (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ).
Những ngày TP Cần Thơ thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch Covid-19, Khu di tích Giàn Gừa tạm thời đóng cửa, nhưng tuyến đường bê tông chạy ngang vẫn được phép lưu thông. Dừng xe trên đoạn đường này, Giàn Gừa cách chúng tôi chỉ một hàng rào nhỏ, nhánh gừa che phủ dày đặc trên đầu, tràn qua không gian của con đường rồi cắm từng chùm rễ vững chắc xuống con rạch nhỏ cạnh đó.
Thoát khỏi cái nắng chang chang trên đầu suốt cuộc hành trình, Giàn Gừa như cánh rừng mát rượi, hào phóng che chở chúng tôi. Khách du lịch đến đây, ai cũng phải trầm trồ thích thú vì sự đặc biệt và độc đáo của loại cây này. Ông Nguyễn Văn Sô, người được họ tộc cử ra quản lý di tích Giàn Gừa giải thích: "Gốc chính chỉ còn dấu tích thôi, được đắp bằng xi măng, ngay vị trí cũ của nó, nhờ ông bà chỉ cho chứ con cháu sau này không biết. Thế hệ tôi là đời thứ sáu của họ Nguyễn. Chúng tôi luôn trân quý Giàn Gừa, xem đây như bảo vật mà tổ tiên để lại".
Trước đó, tôi có ghé Giàn Gừa, tình cờ được ngồi trò chuyện với một cụ già thuộc dòng họ Nguyễn. Theo lời kể nôm na của cụ, thời chiến tranh (cụ không nhớ rõ năm nào), máy bay Mỹ-ngụy từ Cần Thơ đi ném bom ở đâu đó, sót lại một quả về ngang Giàn Gừa thả xuống. Bom nổ làm cháy một góc Giàn Gừa. Gốc chính của cây bị cháy vào đợt đó.
    |
 |
Miếu thờ bà Thượng Động Cố Hỷ tại Giàn Gừa đã trở thành nơi sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng. |
Lúc bấy giờ, Giàn Gừa rộng đến 10.000m2, chung quanh là cỏ cây, lau sậy, kênh rạch chằng chịt. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nơi đây được chọn làm địa điểm huấn luyện, đào tạo lực lượng biệt động thành Cần Thơ. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Giàn Gừa là điểm cất giấu vũ khí, đạn dược để các lực lượng dùng xuồng đưa từ rạch Bà Thợ (cạnh Giàn Gừa hiện nay) ra vàm Sung, vượt sông Cần Thơ tiếp cận Lộ Vòng Cung tấn công các cơ quan đầu não của Mỹ-ngụy trong nội ô Cần Thơ. Trước đó, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nơi đây cũng được chọn để tổ chức học tập, triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Khu ủy Tây Nam Bộ.
Khách thập phương đến tham quan Giàn Gừa, ai cũng công nhận đây là cây cổ thụ “độc nhất vô nhị” của ĐBSCL và của cả nước. Cả vùng cây lúc nào cũng như rùng rùng chuyển động, chim hót véo von trong tán lá, gợi nhớ về một thời tiền nhân đi khẩn hoang, mở cõi.
Ông Võ Thành Giúp, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại, du lịch và quản lý di tích huyện Phong Điền, cho biết: "Từ năm 2013, Giàn Gừa đã được UBND TP Cần Thơ xếp hạng Di tích lịch sử cấp thành phố. Cùng năm đó, Giàn Gừa là cây cổ thụ đầu tiên tại ĐBSCL được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận Cây di sản Việt Nam. Giàn Gừa được chính quyền địa phương và dòng họ sở hữu cam kết bảo tồn, phát triển thành điểm du lịch sinh thái, tín ngưỡng của địa phương".
Bài và ảnh: THIỆN NHÂN