Chọn sự khác biệt
 
Quảng Trị không thiếu những danh lam thắng cảnh, những sản phẩm du lịch độc đáo, như: Làng cổ Bích La, chợ phiên Cam Lộ, bãi biển Cửa Tùng, bãi biển Cửa Việt, rừng nguyên sinh Rú Lịnh, bản dân tộc Vân Kiều, núi Talung, núi Klu, thánh địa La Vang… Thế nhưng có thể khẳng định, đó không phải là thế mạnh để Quảng Trị phát triển du lịch. Bởi lẽ, nếu chỉ chú trọng phát triển du lịch theo hướng tham quan, nghỉ dưỡng, Quảng Trị sẽ khó có thể cạnh tranh được với nhiều địa phương khác trên địa bàn cả nước đang sở hữu những tài nguyên du lịch có giá trị rất lớn. Ví như, tỉnh liền kề phía Bắc của Quảng Trị là Quảng Bình, nơi có Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng đã được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Chưa hết, du lịch Quảng Bình còn sở hữu một “ngôi sao đang lên”-hang Sơn Đoòng-một kỳ tích thiên nhiên đang thu hút sự quan tâm của cả thế giới. Tỉnh liền kề phía Nam của Quảng Trị là Thừa Thiên-Huế, nơi có kinh thành Huế-lại một di sản được UNESCO công nhận. Cùng đó, Thừa Thiên-Huế còn có hàng trăm di sản, danh lam thắng cảnh đủ sức hấp dẫn du khách.
 
Du lịch Quảng Trị cần tìm sự khác biệt, phát triển tài nguyên không địa phương nào có được. Đó chính là du lịch hoài niệm.
leftcenterrightdel
Thành cổ Quảng Trị
Trong số 498 di tích và danh thắng của Quảng Trị được kiểm kê, đánh giá, có tới 431 di tích lịch sử cách mạng. Rất nhiều trong số di tích lịch sử cách mạng ấy, chỉ cần nghe tên, người ta đã biết là thuộc về Quảng Trị, như: Thành cổ Quảng Trị, sông Thạch Hãn, căn cứ Cồn Tiên-Dốc Miếu, hàng rào điện tử McNamara, sông Bến Hải, cầu Hiền Lương, địa đạo Vịnh Mốc, nhà tù Lao Bảo, căn cứ Làng Vây, căn cứ Khe Sanh, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9… Điều ấy có nghĩa, chưa cần quảng bá, du lịch Quảng Trị đã có sẵn “tiếng tăm”. Đây là lợi thế rất lớn mà không phải địa phương nào cũng có được. 
 
Và thực tế, khi lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2005, chương trình du lịch “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội” đã thu hút được sự quan tâm của du khách. Từ năm 2005 đến nay, Quảng Trị đã có những định hướng phát triển, xác định những bước đi phù hợp trong từng giai đoạn, trước mắt và lâu dài. Đến nay, chương trình du lịch “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội” đã trở thành một thương hiệu du lịch nổi trội của tỉnh Quảng Trị, mang lại nhiều ý nghĩa về chính trị-xã hội sâu sắc. Trong hơn 13 năm qua, tổng lượng khách đến Quảng Trị theo chương trình này đạt khoảng 10 triệu lượt. Đây là một kết quả đáng khích lệ, thể hiện hướng đi đúng đắn trong việc chọn du lịch hoài niệm làm trọng điểm phát triển ngành du lịch Quảng Trị.
 
Chọn đúng nhưng chưa đủ
 
Hướng phát triển của du lịch Quảng Trị đã thể hiện hiệu quả qua thực tế. Liên tục trong những năm gần đây, kết quả kinh doanh du lịch có sự tăng trưởng khá. Giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng lượng khách đạt trung bình 18,6%/năm. Năm 2016, lượng khách du lịch đến địa bàn tỉnh đạt hơn 1,1 triệu lượt, gấp 2,2 lần so với năm 2011, trong đó, lượng khách quốc tế chiếm khoảng 15%. Năm 2018, Quảng Trị ước đạt 1.820.000 lượt du khách, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2017. Năm 2019, Quảng Trị đề ra mục tiêu có tổng lượng du khách đạt 2 triệu lượt.
 
Sự tăng trưởng du lịch của Quảng Trị rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên hiện nay, du lịch Quảng Trị vẫn tồn tại một số vấn đề cần tháo gỡ để phát triển. Thứ nhất, về cơ cấu lượng du khách. Khách du lịch nội địa luôn là lượng khách chủ yếu, trung bình hằng năm chiếm khoảng 85% tổng lượng khách du lịch đến Quảng Trị. Khách quốc tế đến Quảng Trị chủ yếu từ các nước Đông Nam Á, trong đó, thị trường Lào, Thái Lan chiếm tỷ lệ tương đối lớn, đến 43,1%. Với cơ cấu khách du lịch này, hiệu quả doanh thu hoạt động du lịch thường không cao. Ngành du lịch Quảng Trị cần cơ cấu lại, quảng bá, xúc tiến mạnh vào những thị trường có xu hướng chi tiêu nhiều cho du lịch, như: Châu Âu, Mỹ, Đông Bắc Á…
leftcenterrightdel
Địa đạo Vịnh Mốc
Ưu thế lớn và riêng có của du lịch Quảng Trị là các di tích lịch sử chiến tranh cách mạng. Song hiện nay, phần lớn các điểm di tích mới chỉ phục vụ việc tham quan, trong khi hệ thống sản phẩm đi kèm để khách tiêu dùng, mua sắm còn hạn chế. Bên cạnh đó, tỉnh chưa có hệ thống sân bay, cảng nước sâu, mạng lưới giao thông chưa hoàn chỉnh. Các khu du lịch, lưu trú, vui chơi, giải trí đạt tiêu chuẩn có khả năng lưu giữ khách chưa nhiều. Vì vậy, đa phần khách của các tour đến Quảng Trị chỉ tham quan di tích trong ngày rồi chuyển sang địa phương khác. Với thời gian ngắn như vậy, việc tham quan chỉ mang tính “cưỡi ngựa xem hoa”. Hơn nữa, thời gian ngắn cũng khiến du khách khó có thể chi tiêu nhiều. Xét về nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ, nhân viên trong ngành du lịch Quảng Trị vừa thiếu, vừa yếu về trình độ, kinh nghiệm. Mạng lưới công ty lữ hành của tỉnh vẫn còn mỏng, phụ thuộc vào lữ hành của địa phương khác nối tour, gửi khách.
 
Đối với riêng chương trình du lịch “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội”, từ khi triển khai đến nay đã đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, những kết quả này vẫn còn khiêm tốn, bởi qua thực tiễn đã bộc lộ một số khó khăn, hạn chế, như: Đặc thù của di tích chiến tranh phần lớn là phế tích, do chịu tác động của tự nhiên nên dễ xuống cấp, hư hại; việc bảo tồn, trùng tu đòi hỏi nhiều kinh phí...; cơ sở vật chất ngành du lịch mặc dù có tăng cường đầu tư nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách; cách thức tổ chức khai thác sản phẩm du lịch còn lúng túng, chưa phát huy hiệu quả; nguồn nhân lực còn hạn chế. Hơn nữa, công tác tuyên truyền, quảng bá cho loại hình du lịch này tới nay vẫn chưa được đầu tư đúng mức và thiếu bài bản. Các doanh nghiệp lữ hành còn thiếu năng động trong việc thiết kế tour du lịch hoài niệm hấp dẫn, đem lại hiệu quả. Việc kết nối mở rộng tour hay liên kết phối hợp với các tỉnh, thành phố lân cận vẫn chưa tốt.
 
Theo TS Nguyễn Quốc Hưng, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, để giải bài toán phát triển du lịch, Quảng Trị cần tiếp tục xây dựng hoàn thiện du lịch hoài niệm thành sản phẩm đặc thù, độc đáo, mang sự khác biệt và nét đặc trưng riêng có của tỉnh.
 
Mặt khác, Quảng Trị là cửa ngõ quan trọng của trục đường xuyên Á thuộc tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây (EWEC). Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị, tổng lượng khách du lịch qua tuyến EWEC chiếm khoảng 80%. Như vậy, EWEC chiếm vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển du lịch Quảng Trị. Vì thế, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương trên tuyến EWEC, nhất là Quảng Trị-tỉnh đầu cầu, cửa ngõ của tuyến EWEC về phía Việt Nam. Các bộ, ngành cần phối hợp nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ nhằm tháo gỡ một số rào cản trong hoạt động du lịch thông qua việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, áp dụng hình thức quản lý hiện đại, tìm kênh tài trợ để quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài. Về phần mình, Quảng Trị cần tranh thủ tối đa các nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch từ giao thông, tổ hợp nghỉ dưỡng đến dịch vụ hỗ trợ, khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và thực hiện các chính sách thu hút đầu tư để phát triển du lịch, tạo nên những sản phẩm mang tính đặc trưng, độc đáo nhằm thu hút khách tham quan, kéo dài thời gian lưu trú. Cùng với đó, nhằm nâng cao hình ảnh du lịch Quảng Trị trên EWEC, tỉnh cần có kế hoạch quảng bá du lịch trong và ngoài nước. Quảng Trị cũng cần liên kết với các hãng lữ hành từ đầu cầu Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để đưa sản phẩm du lịch địa phương vào các tour, tuyến. Bên cạnh đó, tỉnh có sự liên kết với nhiều địa phương trong vùng như Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên-Huế... để gắn kết chương trình du lịch “Con đường di sản miền Trung” và “Con đường huyền thoại”. Ngoài ra, việc liên kết với các địa phương ở Lào, Myanmar, Thái Lan sẽ tạo cơ hội cho Quảng Trị đón dòng khách đi theo tuyến EWEC vào Việt Nam.     
 
Bài và ảnh: HOÀNG NGỌC HÙNG