Xuất hiện từ khoảng năm 1924, cây dừa Sáp Cầu Kè đã một thời bị lãng quên, giờ đây nó đã trở thành một trong những thế mạnh kinh tế nhất của huyện Cầu Kè nói riêng và tỉnh Trà Vinh nói chung. Đây là một loại cây đặc sản quý hiếm, tuy được nhiều người biết đến nhưng không có nhiều người có cơ hội thưởng thức do giá cả trên thị trường hiện rất cao, từ 100.000 đến 120.000 đồng/trái, dịp lễ tết giá dừa Sáp có khi lên tới 150.000-170.000 đồng/trái. Lượng dừa Sáp luôn trong tình trạng cung không đủ cầu.

Nhìn bề ngoài dừa Sáp không khác gì với loại dừa bình thường, thế nhưng đây là loại dừa có nguồn gốc từ Phi-líp-pin (hay còn gọi là Makapuno). Được biết đây là hiện tượng đột biến gen của giống dừa cao Laguna. Vì thế dừa có ruột dạng đặc, tùy vào từng trái mà có độ đặc khác nhau, nước dừa có dạng sệt, cùi dừa tựa như cơm nhão, thơm và dày có khi chiếm hết phần ruột, đặc biệt dừa Sáp có hàm lượng dầu rất cao. Mỗi buồng chỉ có khoảng 25-30% trái đặc ruột được gọi là dừa Sáp, số còn lại như dừa bình thường, vì phải được thụ phấn bằng chính phấn dừa Sáp mới có khả năng cho cơm dừa Sáp. Nếu dừa Sáp được thụ phấn của cây dừa bình thường thì chỉ cho cơm dừa bình thường, nên tỷ lệ trái sáp cao hay thấp phụ thuộc vào số lượng và mật độ cây dừa Sáp được trồng trong vườn dừa. Những trái Sáp đặc ruột thì không thể nảy mầm, vì vậy người dân muốn nhân giống dừa Sáp lấy trái dừa bình thường trên cây dừa Sáp để ươm và thế hệ dừa tiếp theo cũng cho tỷ lệ trái đặc ruột tương đương 25-30%.

Dừa Sáp là món quà mà thiên nhiên ban tặng cho Trà Vinh

Khoảng đầu năm 2000, cây dừa Sáp chỉ là loại dừa ăn chơi của bà con người dân địa phương và do kế hoạch chuyển đổi cây trồng nhiều hộ dân đã chặt bỏ loại cây này để thay vào đó là một loại cây khác. Nhưng sau đó, dừa Sáp bỗng trở thành một mặt hàng bán rất “chạy” trong những ngày lễ lớn nên đã trở thành loại dừa đắt nhất ở Việt Nam.

Hiện nay, loại dừa Sáp đặc sản này có giá trên thị trường là từ 100.000 đến 120.000 đồng/trái, cao khoảng 20 lần so với dừa thường, chủ yếu được dùng để ăn giải nhiệt trong gia đình, bán  cho khách du lịch, tặng người thân, chế biến thực phẩm và mỹ phẩm.

Trong chiến lược phát triển thương hiệu cho trái dừa Sáp, huyện Cầu Kè đã triển khai vùng trồng dừa Sáp tập trung, đúng kỹ thuật nhằm phát huy ưu thế của mình ở đồng bằng sông Cửu Long mà ít nơi nào có được. Từ năm 2006, chương trình đã khuyến khích người dân trồng dừa Sáp, đến đầu năm nay diện tích lên đến 50ha với khoảng 7.000 cây dừa Sáp. Trong 3 năm nay, huyện đang giao cho anh Thạch Phu My (nông dân sản xuất giỏi và am hiểu nhiều về loại dừa Sáp) trực tiếp ươm giống và giao lại cho bà con nông dân các xã Hòa Tân, Thị Trấn, Phong Điền… trồng và nhân rộng mô hình với giá từ 35.000 đến 40.000 đồng/cây. Hiện nay, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Trà Vinh phối hợp với Trung tâm dừa Đồng Gò (Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu) nghiên cứu đã và đang triển khai thử nghiệm khá thành công tại Cầu Kè cách thụ phấn “trợ lực”cho dừa Sáp, đây là cách khá thành công để tăng tỷ lệ dừa sáp từ 40 đến 45%, thời gian trồng loại dừa này khoảng 4 năm là có thể cho trái. Hy vọng, trong thời gian không xa khách du lịch có thể được thưởng thức dừa Sáp với giá phải chăng khi đến với Trà Vinh.

Bài và ảnh: Huỳnh Văn Xây