Trước nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, fast fashion (thời trang nhanh) đã ra đời. Và những thương hiệu thời trang lớn nhất thế giới, mang lại doanh thu chủ yếu cho ngành may mặc chính là những hãng thời trang nhanh, như: Mango, Zara, H&M, F21... Fast fashion cho ra đời những sản phẩm quần áo được cập nhật liên tục, có giá thành rẻ và hạn sử dụng ngắn ngủi. Nhờ những tiêu chí đó của fast fashion mà người tiêu dùng sẵn sàng thay đổi tủ quần áo của mình thường xuyên và bỏ đi lượng lớn quần áo cũ khi bị hỏng hoặc lỗi mốt. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường như: Ô nhiễm nguồn nước từ thuốc nhuộm hóa chất độc hại; nguồn lương thực bị đe dọa bởi các sợi vải li ti có mặt trong thực phẩm... Bên cạnh đó, fast fashion còn liên quan đến những vấn nạn về quyền con người ở các nước đói nghèo.

Trước những tác động tiêu cực của thời trang đối với môi trường và cuộc sống của con người, xu hướng eco fashion đang ngày càng được đẩy mạnh trên phạm vi toàn thế giới. Tại Việt Nam, các nhà thiết kế nổi tiếng lẫn nhà thiết kế trẻ cũng định hướng cho mình xu hướng thời trang bền vững như: Võ Việt Chung, Linda Mai Phùng, Li Lam, Công Trí... Vincent Đoàn, nhà thiết kế gốc Việt đã thành lập thương hiệu thời trang cá nhân tại Mỹ, từng chia sẻ: “Thời trang bền vững là một hệ thống chứ không chỉ là một sản phẩm, khởi nguồn từ việc sản xuất ra nguyên vật liệu, cách thức để “chế biến” nguyên vật liệu đó cho đến công đoạn ra thành phẩm, được bày bán, đến tay người tiêu dùng và cách để nó được tái chế, tiếp tục phục vụ nhu cầu sử dụng của con người”.

leftcenterrightdel

NTK Kate Morris giành giải nhất Giải thưởng Thời trang sinh thái 2017 (EcoChic Design Award 2017). Ảnh: EcoChic

Eco fashion là xu thế được xem như tương lai của thời trang, thể hiện sự nhân văn và tiến bộ. Tất cả tiêu chí của eco fashion đều nhằm mục đích bảo vệ môi trường. Trong đó, có hai khâu trong quy trình sản xuất sản phẩm thời trang cần được đặc biệt quan tâm. Thứ nhất là sợi vải. Phần lớn sản phẩm dệt may ứng dụng hiện nay được làm ra từ sợi tổng hợp như nilon và polyester-các chất liệu được làm ra từ các chất hóa dầu rất ô nhiễm môi trường. Chúng không có khả năng tự phân hủy, nghĩa là khi đã trở nên cũ và bị vứt bỏ, quần áo làm từ chất liệu này sẽ trở thành thứ rác thải “lì lợm”. Đấy là chưa kể, trong quá trình chế tạo ra sợi nilon, nitro oxide cũng được sinh ra, mà khả năng gây hiệu ứng nhà kính của chất này cao hơn carbon dioxide những hơn 300 lần. Hiện tại, chúng ta sản xuất hàng tỷ món quần áo mới mỗi năm. Vì vậy, cần nhanh chóng có giải pháp thay thế nguyên liệu thời trang bằng những thứ thân thiện với môi trường hơn như vật liệu tái chế.

Khâu gây ô nhiễm đứng đầu trong quy trình sản xuất sản phẩm thời trang là nhuộm vải. Đây được coi là một trong những hoạt động xả thải hàng đầu ra môi trường. Đơn cử, việc một số thương hiệu thời trang nhanh đặt xưởng nhuộm tại Trung Quốc đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước tự nhiên của quốc gia này. Chưa kể, các hóa chất có trong phẩm nhuộm hóa học có thể gây ra các chứng dị ứng trong quá trình sử dụng đối với những người có cơ địa nhạy cảm. Vì vậy, việc tận dụng các phẩm nhuộm có trong tự nhiên được đề cao trong thời trang bền vững.

Ước tính, 8% ô nhiễm khí hậu toàn cầu bị gây ra bởi ngành công nghiệp thời trang. Nếu doanh nghiệp may mặc là một quốc gia, đây là sẽ đất nước gây ô nhiễm khí hậu lớn thứ tư trên Trái đất. Vì thế, nhiều ý tưởng về thời trang bền vững đã xuất hiện. Công ty Modern Meadow, có trụ sở tại bang New Jersey (Mỹ), đã gây xôn xao khi sử dụng đường làm nguyên liệu cho các tế bào nấm men để tạo ra collagen. Sau đó, collagen được ép thành từng tấm và phơi nắng để tạo thành “da bò giả”. Chất liệu da sinh học này sẽ có mặt trên thị trường vào năm 2020, nhưng hiện nay nó đã làm khuynh đảo giới thời trang bởi sự xả khí thải thấp và thân thiện với động vật. Hội đồng tiểu bang California (Mỹ) đã thúc đẩy một đạo luật: Quần áo chứa 50% polyester phải được gắn nhãn cảnh báo có vi sợi và khuyến cáo phải giặt tay. Ngành công nghiệp thời trang đã chuyển sang dùng chất tổng hợp có nguồn gốc từ dầu mỏ. Nguyên liệu này thải ra các vi sợi (các mảnh nhựa dưới 5mm). Những sợi vải này tuy rất bé nhỏ nhưng có khả năng gây ra thảm họa cho môi trường thủy sinh.

Tại Vương quốc Anh, ước tính khoảng 30 tỷ bảng Anh tiền quần áo đang nằm “mốc meo” trong tủ đồ. Vì thế, ý tưởng về việc chia sẻ quần áo đã được đưa vào thực hiện. Công ty thời trang cho thuê cao cấp Armarium đã hợp tác với Công ty Browns để làm dịch vụ cho thuê và chia sẻ quần áo...

VŨ XUÂN NGÀ