“Có lệnh là lên đường”, các nghệ sĩ-chiến sĩ ở các đoàn văn công quân khu, quân chủng, Bộ đội Biên phòng luôn xác định rõ quyết tâm như vậy. Trong thời buổi kinh tế thị trường “hậu Covid-19”, điều đó không hề là sự lựa chọn dễ dàng...

Khó đủ bề - văn công

Cũng giống Bảo Ngọc, giọng ca Sao Mai Lê Nhung của Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng nhiều lần từ chối, bỏ những show diễn hàng chục triệu đồng để đi biểu diễn cho bộ đội, nhân dân. Chị cũng từ chối nhiều lời mời về làm việc với những ưu đãi hấp dẫn, dù biết nếu lựa chọn khác, chị sẽ có nhiều cơ hội cho bản thân hơn cả về tiền bạc và danh tiếng.

Những người nghệ sĩ quân đội không chỉ bỏ qua những lợi ích kinh tế mà nhiều khi còn phải gác lại tình riêng. Vợ vừa sinh con hôm trước thì ngay sáng hôm sau, Đại úy QNCN Nguyễn Thanh Trúc (Đoàn Văn công Hải quân) đã lên đường cùng đoàn đi biểu diễn liên tục vài đợt. Về nhà, con đã 3 tháng tuổi... Chuyện của Thanh Trúc không mới bởi những chuyến công tác dài ngày, có khi kéo dài hàng tháng trời từ lâu đã là “đặc sản” của văn công quân đội. Nghệ sĩ chưa có gia đình riêng còn đỡ, những người có gia đình, con nhỏ thì đúng là... khó đủ bề.

leftcenterrightdel
Nghệ sĩ Đoàn Văn công Quân khu 2 thể hiện tác phẩm múa “Vượt Pha Đin”. Ảnh: PHÚC HẢI

Với những đoàn có tính chất toàn quân, toàn quốc, đặc thù địa bàn hoạt động rộng, khó đi lại thì khó khăn đối với đoàn cũng như các nghệ sĩ còn nhiều hơn. Thanh Trúc là một người đàn ông rắn rỏi, khỏe mạnh nhưng vẫn không khỏi rùng mình mỗi khi nhớ lại những chuyến biểu diễn gặp bão, những trận say sóng kinh hoàng, lên sân khấu người vẫn đang chao đảo. Nhiều người hát xong chạy ra nôn, nôn xong lại vào hát tiếp. Nhưng chỉ cần lên đảo, tới những nơi có bộ đội và nhân dân đang chờ, nghệ sĩ có nề hà gì!

Cũng giống như Đoàn Văn công Hải quân, với địa bàn hoạt động chủ yếu ở biên giới, hải đảo trải dài 44 tỉnh, thành phố, hơn 5.000km trên bộ, cán bộ, diễn viên Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng hoạt động hầu như không có ngày nghỉ trên những chặng đường hiểm trở. Đi lại khó khăn đã đành, theo Thượng tá Nguyễn Tuấn Anh, Đoàn trưởng Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng, do thường xuyên hoạt động ở vùng rừng núi, khí hậu khắc nghiệt, các nhạc cụ, thiết bị kỹ thuật, nhất là những thiết bị điện tử xuống cấp, hao mòn rất nhanh. Có khi sau một đêm diễn, toàn bộ đều ướt đẫm sương muối. Còn Đoàn Văn công Hải quân thì sau mỗi hành trình lưu diễn hàng chục nghìn hải lý, trang thiết bị dù đã được bảo quản cẩn thận cũng không tránh khỏi bị nắng gió, nước biển, hơi muối tàn phá.

leftcenterrightdel

Diễn viên Đoàn Văn công Hải quân biểu diễn, giao lưu tại Nga. Ảnh: VŨ HƯỞNG

Điều đó tất nhiên chưa thể nói hết những cái khó của các đoàn văn công hiện nay. Vấn đề nhân sự cũng đang khiến các đoàn văn công bối rối, chẳng biết làm sao khi nghệ sĩ lớn tuổi nhiều trong khi hết biên chế, không thể tuyển thêm nghệ sĩ trẻ. Mặc dù có cơ chế cho các đoàn tự chủ ký hợp đồng nhưng hầu hết các đoàn đều không có kinh phí để làm việc này; hoặc chỉ dám ký hợp đồng với nghệ sĩ ở mức trung bình. Đoàn Văn công Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) hiện có hai hợp đồng với mức lương 2 triệu đồng/tháng. Với mức này, thật khó có được nhân lực chất lượng cao.

Ngoài ra, khi thực hiện các chương trình lớn, để nâng cao chất lượng, các đoàn vẫn cần có những nghệ sĩ tên tuổi từ hòa âm phối khí, biên đạo, đạo diễn, ca sĩ... nhưng thù lao để mời đội ngũ này thường gấp hàng chục lần mức bồi dưỡng cho đội ngũ đoàn nhà làm. Vậy nên lâu nay, việc mời gọi các tên tuổi lớn vẫn trông chờ vào sự phát huy những mối quan hệ cá nhân của chỉ huy, lãnh đạo hay nghệ sĩ trong đoàn.

Sáng tạo để vượt khó

Theo Thượng tá Kiều Văn Thịnh, Chính trị viên Đoàn Văn công Hải quân, với đặc thù có nhiều chuyến đi biểu diễn kéo dài cả tháng trời, đoàn chủ trương quản lý diễn viên với phương châm “lạt mềm buộc chặt”, tạo cảm hứng để diễn viên phát huy được trí tuệ, tài năng, sáng tạo nghệ thuật; tạo điều kiện hợp lý cho các nghệ sĩ khó khăn. Nhờ đó, nghệ sĩ yên tâm công tác, hoạt động của đoàn cũng tốt hơn. Cùng phương châm đó, các đoàn cũng tạo điều kiện cho nghệ sĩ tranh thủ đi diễn bên ngoài, vừa thêm thu nhập, vừa rèn luyện chuyên môn, tạo hình ảnh, miễn sao vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Với khó khăn về nhân lực, Đoàn Văn công Quân khu 2 đã phát huy đội ngũ cộng tác viên thường xuyên là những nghệ sĩ trẻ. Họ được tập luyện, biểu diễn cùng đoàn để học tập kinh nghiệm, ngược lại, đoàn có thêm một lực lượng trẻ, giải quyết phần nào vấn đề trẻ hóa đội ngũ nghệ sĩ biểu diễn. Thời gian gần đây, đoàn cũng tập trung vào dàn dựng những chương trình nghệ thuật chất lượng cao theo đặt hàng của các đơn vị trong và ngoài quân đội. Qua đó, vừa nâng cao chuyên môn, quảng bá hình ảnh đoàn, vừa có thêm nguồn kinh phí nhỏ hỗ trợ nghệ sĩ.

leftcenterrightdel

Đoàn Văn công Hải quân biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa. Ảnh: HOÀNG NGUYÊN.

Cùng với đó, các đoàn cũng nhanh nhạy nắm bắt thị hiếu, xu hướng âm nhạc, nghệ thuật trên thế giới để kịp thời cập nhật phong cách mới, phù hợp với bộ đội trẻ, nhu cầu của công chúng nói chung. Mới đây, ca khúc “Chung tay phòng, chống dịch Covid-19” trong màn biểu diễn của các nghệ sĩ Đoàn Văn công Quân khu 1 trên mạng xã hội đã thu hút được sự chú ý của công chúng với hàng chục triệu lượt xem, chia sẻ.

Trước nguy cơ mai một của nghệ thuật cải lương, Đoàn Văn công Quân khu 9 đã chủ động đầu tư, dàn dựng nhiều vở cải lương chất lượng tốt, đoạt giải trong các hội thi, liên hoan lớn; kết hợp thường xuyên biểu diễn những “chập cải lương” trong các chương trình phục vụ bộ đội, nhân dân trong vùng...

Cái khó ló cái khôn. Trong khó khăn, thách thức, các đoàn văn công đã nỗ lực phát huy thế mạnh của mình, tìm ra giải pháp tháo gỡ vướng mắc để hoàn thành nhiệm vụ là người chiến sĩ văn hóa tiên phong. Nhiều đoàn liên tục vượt chỉ tiêu biểu diễn hằng năm như Đoàn Văn công Quân khu 1 từ 10 đến 20%; Đoàn Văn công Hải quân từ 20 đến 25%; Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng đã hoàn thành chỉ tiêu từ khoảng tháng 10 mỗi năm... Đoàn Văn công Quân khu 9 đã xây dựng được lực lượng trẻ kế thừa khá hùng hậu, có tài, có tâm với nghề, đủ sức duy trì loại hình nghệ thuật sân khấu cải lương và hoạt động biểu diễn thường xuyên. Bên cạnh đó, các đoàn còn sáng tác, dàn dựng mới hàng trăm chương trình; tham gia tập huấn, hỗ trợ chuyên môn các đơn vị trong và ngoài quân đội; biểu diễn đối ngoại, đi lưu diễn ở nước ngoài...

Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng với sự say mê nghề nghiệp, với trách nhiệm, bản lĩnh vững vàng của người nghệ sĩ-chiến sĩ, họ vẫn ngày đêm đem lời ca, tiếng hát đến với bộ đội, nhân dân trên khắp mọi miền của Tổ quốc.

THU HÒA-HOÀNG VIỆT-BỈNH HIẾU