Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, giao các ban, ngành chức năng phối hợp tổ chức các hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Phan Kiệm, nguyên Phó bí thư Khu ủy Sài Gòn-Chợ Lớn. Cùng với các hoạt động tưởng niệm, Thường trực Thành ủy giao Đảng ủy Quân sự TP Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm về thân thế, sự nghiệp đồng chí Phan Kiệm; Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức giới thiệu, tọa đàm về cuốn sách “Mật mã đặc khu”, giao lưu với tác giả-Đại tá, nhà báo Phan Tùng Sơn. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên những hoạt động này phải dời lại, dự kiến sẽ tổ chức vào dịp 22-12 sắp tới.

Lãnh đạo khởi nghĩa và kháng chiến ở thủ phủ Tây Nguyên

Theo cuốn truyện ký “Mật mã đặc khu” (Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh-2017) của tác giả Phan Tùng Sơn, đồng chí Phan Kiệm (các bí danh: Đào Tấn Xuân, Năm Thành, Năm Vân, Năm Xuân), sinh ngày 15-7-1920, tại xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Phan Kiệm được đồng chí Lê Duẩn trực tiếp dìu dắt đi theo cách mạng. 16 tuổi được kết nạp Đảng. 20 tuổi là Phó bí thư Huyện ủy Triệu Phong, bị địch bắt năm 1940, giam cầm tại Nhà lao Buôn Ma Thuột. Ông là Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của tỉnh Đắc Lắc. Hiện ở thành phố Buôn Ma Thuột có một con đường mang tên Phan Kiệm. Theo tác giả Phan Tùng Sơn, để hoàn thành cuốn truyện ký gần 300 trang về nhà cách mạng Phan Kiệm, anh đã mất 4 năm sưu tầm tư liệu, gặp gỡ nhân chứng, đi thực tế tại các vùng đất, địa danh đồng chí Phan Kiệm đã từng hoạt động và bị địch bắt...

leftcenterrightdel
Đồng chí Phan Kiệm và vợ tại Chiến khu Đ, năm 1950. Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp

Trước ngày Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Tây Nguyên, Phan Kiệm là một trong những cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng trong Nhà lao Buôn Ma Thuột. Trung tuần tháng 8-1945, ông cùng chi bộ Đảng nhà lao lãnh đạo, tổ chức cho tù nhân phá ngục vượt ra ngoài. Ông cùng các đồng chí của mình thành lập Ban lãnh đạo lâm thời Đảng bộ tỉnh Đắc Lắc, do Phan Kiệm làm Bí thư, gấp rút tổ chức lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền. Sau khi chính quyền về tay nhân dân, các thế lực thù địch điên cuồng tìm cách chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết giữa Đảng với đồng bào các dân tộc, hòng cướp lại chính quyền. Phan Kiệm đã sáng suốt tổ chức lễ hội ăn thề ở các buôn làng, cắt máu uống rượu, thề với các già làng và đồng bào, Đảng, chính quyền cách mạng với đồng bào là một, người Kinh với người Thượng đều cùng mẹ Âu Cơ, cùng đi theo Cụ Hồ, không bao giờ ăn ở hai lòng...

Việc tập hợp đồng bào các dân tộc thành một khối thống nhất đã giúp chính quyền cách mạng giữ vững ổn định, lực lượng Việt Minh được tăng cường, bổ sung vũ khí, chuẩn bị hậu cần chu đáo. Khi thực dân Pháp thực hiện âm mưu tái chiếm Tây Nguyên, Phan Kiệm trên cương vị Bí thư Ủy ban Kháng chiến, Chính trị viên lực lượng vũ trang tỉnh Đắc Lắc, đã lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng Việt Minh và đồng bào xây dựng các tuyến phòng thủ, quyết tâm bảo vệ thủ phủ Tây Nguyên bằng mọi giá.

Nhờ chủ động xây dựng trận tuyến phòng ngự toàn dân nên Ủy ban Kháng chiến tỉnh Đắc Lắc đã đối phó hiệu quả âm mưu tái chiếm Buôn Ma Thuột của quân đội Pháp. Đồng chí Phan Kiệm đã cùng Tỉnh ủy, Ủy ban Kháng chiến tỉnh Đắc Lắc huy động hàng chục nghìn dân phong tỏa các khu vực huyết mạch của tuyến Đường 14, chặn đứng hai cuộc hành quân quy mô lớn bằng bộ binh và xe cơ giới của quân Pháp từ Đông Nam Bộ lên.

Sau những lần thất bại, quân Pháp ồ ạt tăng chi viện, sử dụng sức mạnh tổng lực tấn công giành quyền kiểm soát Buôn Ma Thuột. Để chuẩn bị cho kháng chiến lâu dài, Phan Kiệm được trên điều sang Mặt trận Quy Nhơn-An Khê, rút sâu vào rừng củng cố tổ chức, tăng cường lực lượng. Nhiệm vụ hoàn thành, năm 1947, ông được giao làm Chính ủy Đoàn quân Nam tiến, tăng cường lực lượng cho Nam Bộ kháng chiến...

Tình bạn cảm động với “Thi tướng” Huỳnh Văn Nghệ

Vào Nam Bộ, Phan Kiệm được giao nhiệm vụ làm trợ lý cho đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, sau đó làm Chính ủy Trường Lục quân Nam Bộ. Đầu năm 1949, ông được điều về Chiến khu Đ giữ cương vị Khu ủy viên, Trưởng phòng Dân quân Khu 7, sát cánh cùng Tư lệnh Khu 7 Huỳnh Văn Nghệ lên kế hoạch, phương án huấn luyện, phát triển lực lượng kháng chiến. Toàn bộ mảng lực lượng vũ trang địa phương, gồm xây dựng, phát triển dân quân, tổ chức chiến tranh du kích, được Tư lệnh Huỳnh Văn Nghệ giao cho Phan Kiệm phụ trách. Ông đã tổ chức lực lượng hành quân lên phía bắc sông Đồng Nai, qua thượng nguồn sông Bé, vượt cả trăm cây số đường rừng tổ chức xây dựng lực lượng dân quân rộng khắp, tạo thế trận phòng ngự từ xa, bảo đảm an toàn cho Chiến khu Đ. Sự năng động, sáng tạo của Phan Kiệm đã góp phần mở rộng hành lang Chiến khu Đ lên phía bắc-đông bắc Thủ Biên, nối liền chiến trường Đông Nam Bộ với chiến trường Tây Nguyên, tạo thế trận phòng thủ-tiến công liên hoàn, vững chắc, tiến có chỗ đánh, lui có chỗ đứng. Đến mỗi địa phương, Phan Kiệm đều vận động các già làng, trưởng buôn động viên thanh niên tham gia huấn luyện dân quân, xây dựng lực lượng kháng chiến tại chỗ, đẩy mạnh phong trào chiến tranh du kích...

Trong những năm tháng bám rừng tham gia lãnh đạo kháng chiến, Phan Kiệm đã được “Thi tướng” Huỳnh Văn Nghệ giới thiệu, mai mối kết hôn với nữ giao liên Dương Kim Bằng, quê ở Tây Ninh. Đám cưới dưới mái trung quân với cỗ bàn chủ yếu là lương khô, rau rừng, củ mài... nhưng vô cùng ấm áp. Đích thân Huỳnh Văn Nghệ làm chủ hôn lễ.

Năm 1950, Phan Kiệm được Xứ ủy Nam Bộ điều về Sài Gòn-Chợ Lớn trong bối cảnh hết sức khó khăn. Nhiều cán bộ cốt cán của ta bị địch bắt. Hàng loạt cơ sở cách mạng bị lộ. Trong lúc đó, thực dân Pháp lại ồ ạt tăng lực lượng viện binh từ Pháp sang, nâng tổng số quân của quân đội Pháp ở Sài Gòn-Chợ Lớn năm 1950 lên đến hơn 14.000 tên. Bộ máy cảnh sát, mật vụ của địch cũng lên đến gần 80.000 tên (trung bình 20 người dân có 1 cảnh sát). Để đối phó với tình hình ngày càng khó khăn, tháng 8-1950, Xứ ủy Nam Bộ quyết định thành lập Đặc khu Sài Gòn-Chợ Lớn. Lực lượng vũ trang đặc khu bao gồm toàn bộ dân quân, du kích thuộc Thành đội, Tiểu đoàn Quyết tử 950, các đội Biệt động và Cơ quan Thành đội bộ dân quân. Thời kỳ đầu Phan Kiệm được giao nhiệm vụ Ủy viên Đặc khu ủy, Phó tư lệnh quân sự Đặc khu. Năm 1951, sau khi đồng chí Nguyễn Văn Thi (Năm Thi) bị địch bắt, Phan Kiệm được giao nhiệm vụ Quyền Tư lệnh kiêm Chính ủy Đặc khu Sài Gòn-Chợ Lớn.

Trong cuốn truyện ký “Mật mã đặc khu”, tác giả Phan Tùng Sơn đã dành một chương tái hiện khá chi tiết tài thao lược trong lãnh đạo, chỉ huy của đồng chí Phan Kiệm. Theo đó, ông đã trực tiếp tổ chức xây dựng lực lượng biệt động ngay trong lòng địch, chỉ huy thực hiện những trận đánh xuất quỷ nhập thần khiến quân Pháp kinh hồn bạt vía. Hàng loạt mục tiêu quan trọng của quân đội Pháp như trại lính, kho xưởng hậu cần-kỹ thuật ở khu Thị Nghè, bót cảnh sát trên đường Albert I (đường Đinh Tiên Hoàng ngày nay), nhà hàng trên đường Catinat (nay là đường Đồng Khởi), các mục tiêu xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất, kho xăng, dầu và bom đạn Phú Thọ, câu lạc bộ không quân của quân đội Pháp... đã bị các đơn vị biệt động Việt Minh cải trang, bí mật tấn công gây thiệt hại nặng. Quân đội và cảnh sát Pháp bị hoang mang tột độ. Vừa tổ chức, chỉ huy lực lượng kháng chiến ngay trong lòng địch, Phan Kiệm vừa đề xuất phương án cài người vào hàng ngũ địch hoạt động tình báo. Đồng chí Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc), Bí thư Đặc khu ủy Sài Gòn-Chợ Lớn đã giao cho Phan Kiệm toàn quyền quyết định phương án táo bạo này. Thiếu tướng tình báo Nguyễn Văn Khiêm (Sáu Trí), một trong những huyền thoại của tình báo Việt Nam chính là người được Phan Kiệm dìu dắt, cài vào nội bộ Nha Công an Nam Phần từ tháng 3-1953, thời kỳ phong trào kháng Pháp ở Sài Gòn-Chợ Lớn đang như nước sôi lửa bỏng...

Ẩn náu tại các cơ sở cách mạng ngay trong lòng Sài Gòn-Chợ Lớn tham gia lãnh đạo, chỉ huy lực lượng kháng chiến, Phan Kiệm đã góp công lớn xây dựng, củng cố, phát triển phong trào cách mạng xuyên suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và những năm đầu kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Tháng 10-1957, trong một lần xuống cơ sở chỉ đạo chuẩn bị cho cuộc xuống đường biểu tình của quần chúng, ông bị chỉ điểm và bị địch bắt. Lúc bấy giờ Phan Kiệm là Phó bí thư Khu ủy Sài Gòn-Chợ Lớn. Địch coi ông là người nắm giữ “mật mã” kháng chiến. Giải được “mật mã” này sẽ nắm được toàn bộ bí mật của Khu ủy Sài Gòn-Chợ Lớn, là đầu mối phăng ra các cơ sở của Xứ ủy Nam Bộ. Mục tiêu của địch là thông qua Phan Kiệm để giăng bẫy bắt bằng được Lê Duẩn, Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh), phá hủy toàn bộ bộ máy lãnh đạo Xứ ủy Nam Bộ. Chúng đã sử dụng mọi âm mưu, thủ đoạn mua chuộc, dụ dỗ, tra tấn cực hình tàn khốc, nhưng Phan Kiệm luôn giữ vững khí tiết cách mạng. Năm 1961, trên đường bị áp giải từ Côn Đảo về Sài Gòn bằng tàu hải quân Mỹ, Phan Kiệm mưu trí nhảy tàu trốn thoát. Ông trở về với cách mạng, hoạt động tại Trung ương Cục Miền Nam theo phân công của tổ chức đến ngày đất nước thống nhất, sau đó về công tác tại Văn phòng Thành ủy TP Hồ Chí Minh đến khi nghỉ hưu. Ông qua đời năm 1998, thọ 78 tuổi.

Tại lễ tưởng niệm nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, đồng chí Trần Lưu Quang, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết, sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng đưa tên Phan Kiệm vào ngân hàng tên đường để đặt tên ông cho một con đường ở TP Hồ Chí Minh sắp tới.

NGUYỄN MINH TÂM