Vẻ đẹp nhân sinh và triết lý làm nghề
Lần cuối cùng tôi gặp NSƯT, đạo diễn Lê Cung Bắc cách đây đã hơn một năm. Ông giản dị, gần gũi và ấm áp. Xét về tuổi đời, tôi phải gọi ông bằng chú xưng cháu mới phải phép. Nhưng kể từ ngày quen biết ông, Lê Cung Bắc bảo, tuổi tác và thời gian chỉ mang ý nghĩa cơ học, người nghệ sĩ phải luôn nuôi dưỡng sự tươi trẻ và tươi mới trong tâm hồn thì mới có đủ năng lượng, cảm hứng sáng tạo. Thế nên ông coi chúng tôi như những người bạn vong niên, lúc nào cũng anh em dân dã.
Lê Cung Bắc yêu thích thiên nhiên và sự mộc mạc. Ông thường hẹn bạn bè ở những nơi như bờ sông, bờ kênh, công viên... để được giao hòa với cỏ cây hoa lá, để cảm nhận nhịp sống sinh sôi từ những tiếng chim, cánh bướm, tiếng côn trùng rỉ rích trong đám cỏ xanh, hoa dại. Với ông, thiên nhiên là người thầy vĩ đại và công tâm, là người bạn tâm giao và tri kỷ, là người tình thủy chung và quyến rũ... của người nghệ sĩ. Lắng nghe, cảm thấu được những sắc màu, âm thanh của thế giới tự nhiên sẽ giúp người nghệ sĩ có được nguồn năng lượng dồi dào và cảm hứng, phong cách sáng tạo mới mẻ. Chính vì thế, trong vai trò đạo diễn phim truyền hình và điện ảnh từ gần 30 năm nay, Lê Cung Bắc đã định hình, phát triển phong cách làm phim tôn vinh vẻ đẹp và tình yêu thương con người. Triết lý làm nghề của ông dứt khoát là “Nghệ thuật vị nhân sinh”. Học cái hay, cái đẹp của người khác để làm giàu kỹ năng cho mình chính là cách để người nghệ sĩ có sức bền đi lâu, đi xa, đi vững trên hành trình sáng tạo.
Yêu cái đẹp của tạo hóa và phẩm giá con người, hướng công chúng đến những giá trị nhân sinh, nhân văn nên hầu hết những bộ phim do Lê Cung Bắc đạo diễn, chỉ nghe tên phim thôi đã thấy phần nào triết lý ấy, chẳng hạn như: “Người đẹp Tây Đô”, “Mỹ nhân Sài thành”, “Những đóa hoa tình yêu”, “Nơi trái tim ở lại”, “Những chiếc lá thời gian”, “Nhịp đập trái tim”, “Duyên phận”, “Ta tắm ao ta”, “Duyên trần thoát tục”, “Giã từ cô đơn”...
Trong gần 30 năm qua, kể từ khi làm đạo diễn phim đầu tay “Trên cả hận thù” năm 1992, Lê Cung Bắc đã đạo diễn hơn 50 phim điện ảnh và truyền hình, trong đó có nhiều bộ phim truyền hình dài từ 30 đến gần 60 tập. Nhiều phim do chính ông viết kịch bản hoặc trực tiếp chấp bút chuyển thể. Các phim mang "thương hiệu" Lê Cung Bắc đều được giới chuyên môn đánh giá cao về giá trị nội dung, tư tưởng và nghệ thuật, được đông đảo công chúng yêu thích. Điều này phần nào chứng minh niềm đam mê nghệ thuật và nguồn năng lượng sáng tạo trong Lê Cung Bắc dồi dào đến mức nào.
    |
 |
NSƯT, đạo diễn Lê Cung Bắc đầu năm 2020. |
Ông là hình mẫu nghệ sĩ đa tài, đa năng, thành công cả trong sự nghiệp diễn xuất và đạo diễn, sống giản dị, chỉn chu, tình nghĩa. Sự ra đi của ông là mất mát lớn đối với điện ảnh nước nhà, để lại niềm tiếc thương, cảm phục sâu sắc trong giới nghệ sĩ và công chúng nghệ thuật thứ bảy.
Với những đóng góp xuất sắc cho nghệ thuật thứ bảy, Lê Cung Bắc đã được trao tặng hàng chục giải thưởng danh giá. Nhiều diễn viên điện ảnh và phim truyền hình nổi tiếng ở phía Nam hiện nay đều trưởng thành từ sự phát hiện, dìu dắt, hướng dẫn của đạo diễn Lê Cung Bắc. Họ coi ông là người thầy nghiêm khắc trong nghề, là người cha, người anh nhân từ trong cuộc sống.
Nổi tiếng, nhưng Lê Cung Bắc là nghệ sĩ có lối sống rất giản dị. Ông đi lại bằng chiếc xe máy Cup 81, thịnh hành từ những năm 80 của thế kỷ 20. Hình ảnh Lê Cung Bắc trong cuộc sống thường ngày trở nên quen thuộc với người dân lao động ở các quán cà phê bình dân, đội mũ bê rê, đeo kính mát, mái tóc lòa xòa và phong cách nói chuyện từ tốn, gần gũi. Ông tự nhận, bản thân thuộc lớp người “sống chậm”, tin vào kiếp luân hồi và luật nhân quả, nên luôn tự nhủ phải tránh “tham-sân-si”. Cuộc sống vật chất, tiền tài, danh vọng, nên biết dừng khi thấy đủ. Chính vì vậy, khi chúng tôi hỏi ông, tại sao không làm hồ sơ đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, vì xét cả về đức, tài, đặc biệt là bề dày cống hiến và bộ sưu tập các giải thưởng, ông có thừa tiêu chuẩn, Hội Điện ảnh TP Hồ Chí Minh và nhiều nghệ sĩ cũng giục ông làm hồ sơ, nhưng ông lại khiêm tốn khước từ, Lê Cung Bắc chỉ nói, ông thấy những gì mình có đã đủ, đã xứng đáng nên thôi, không cần phải có thêm gì nữa.
Bây giờ, khi ông đã về thế giới bên kia, chúng tôi mới ngỡ ngàng. Hóa ra lâu nay Lê Cung Bắc bị bệnh ung thư. Theo người nhà của ông kể lại, nếu là người khác có thể đã ra đi từ lâu. Nhưng với Lê Cung Bắc, sự lạc quan, yêu đời, sống tận hiến cho nghệ thuật đến giọt năng lượng cuối cùng đã giúp ông chống chọi và cầm cự được đến ngày hôm nay. Có lẽ, đây chính là lý do ông không muốn nhận cho riêng mình thêm những quyền lợi hay ưu ái gì.
Một người làm nghệ thuật để đi tìm, khai thác, tôn vinh, tôn thờ vẻ đẹp nhân sinh của con người nên bản thân thể hiện sự khiêm tốn, chừng mực cũng là điều dễ hiểu.
Đời người hữu hạn, yêu thương vô cùng
Lê Cung Bắc là một nghệ sĩ đa tài. Ông chơi được và chơi hay các loại nhạc cụ như: Guitar, piano, sáo trúc..., nói thành thạo tiếng Anh, tiếng Pháp và rất giỏi chữ Hán. Ông được học hành bài bản về kinh tế, nhưng lại bén duyên với nghệ thuật. Trước khi nổi tiếng với điện ảnh cách mạng Việt Nam, trước giải phóng, Lê Cung Bắc có nhiều năm làm báo, viết văn, diễn kịch, biên kịch ở Sài Gòn... Sự đa tài và kỹ năng tích lũy từ trải nghiệm cuộc sống đa dạng chính là một lợi thế giúp ông thể hiện được nhiều dạng nhân vật trên màn ảnh. Trong khoảng 25 năm, kể từ sau ngày đất nước thống nhất đến những năm cuối thế kỷ 20, Lê Cung Bắc góp mặt trong hơn 200 bộ phim, đa số đều là vai chính và vai nặng ký, có nhiều “đất” diễn. Lê Cung Bắc là cái tên được nhiều đạo diễn “đo ni đóng giày” cho vai chính trong các phim. Ông hóa thân thành công vào nhiều dạng nhân vật, cả chính diện lẫn phản diện, từ chiến sĩ biệt động, cán bộ cách mạng, công an, sĩ quan ngụy, tướng cướp, giang hồ, giáo sư, nhà giáo, nghệ sĩ, doanh nhân...; từ những vai sang trọng, quyền lực đến người có số phận cùng cực... Dạng nhân vật nào ông cũng nhập vai thành công, để lại nhiều dấu ấn. Thành công trong sự nghiệp diễn xuất đã giúp Lê Cung Bắc ghi tên mình vào danh sách những diễn viên hàng đầu của thế hệ vàng điện ảnh cách mạng Việt Nam.
Thời trai trẻ, khi đang trên đỉnh cao của sự nổi tiếng, Lê Cung Bắc cũng sống trong vầng hào quang của danh tiếng và cám dỗ. Thế nhưng, trong lúc một số đồng nghiệp tuột dốc không phanh, vướng vào tình ái, sa vào cờ bạc, nợ nần, phá sản... thì Lê Cung Bắc gần như không có bất cứ điều tiếng gì. Ông giữ phong cách chỉn chu, ấm áp, tình nghĩa, cư xử chừng mực. Đây là điều khiến giới nghệ sĩ và công chúng nể phục và quý trọng ông. Khi chúng tôi hỏi lý do, Lê Cung Bắc tâm sự rằng, ông là người theo đạo Phật nên trong mọi hoàn cảnh đều cố gắng giữ cái tâm thanh tịnh.
Lê Cung Bắc mắc bệnh ung thư đã khá lâu nhưng hầu như ông không chia sẻ tình trạng bệnh tật với ai. Vậy nên sự ra đi của ông, đối với nhiều người, rất bất ngờ và đột ngột. Ngay cả khi đang mang trong mình bệnh nan y, ông vẫn lao động nghệ thuật say mê. Mới đây nhất, ông đạo diễn và tham gia đóng một vai thứ trong phim điện ảnh “Giã từ cô đơn”, phim chưa kịp ra rạp thì ông đã ra đi. Tiếp nối phong cách làm phim tôn vinh vẻ đẹp phẩm giá của con người, “Giã từ cô đơn” của Lê Cung Bắc là câu chuyện về những người dân nghèo khổ, biết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau để vượt lên hoàn cảnh, vươn lên làm chủ cuộc sống. Phim mang triết lý nhân sinh sâu sắc, là cái nhìn đầy chiêm nghiệm của vị đạo diễn tuổi “cổ lai hy” với thông điệp "Sống là để yêu thương".
Thời gian gần đây, khi bệnh trở nặng, nằm trên giường bệnh, ông vẫn thể hiện phong thái lạc quan. Đồng nghiệp, học trò hỏi thăm, ông vẫn cười nói vui vẻ và nhắn là mọi người không phải lo lắng gì, ông không sao cả. Bà Bùi Thị Giang-vợ ông-tâm sự rằng, ông nói thế không phải ông giấu bệnh tật, mà vì ông không muốn mọi người vì mình mà phải lo lắng, nhất là trong bối cảnh cả nước đang phải căng sức phòng, chống dịch Covid-19.
Bây giờ thì ông đã ra đi. Người nghệ sĩ quê Quảng Trị khép lại cuộc đời ở tuổi 76, nhẹ nhàng như một chiếc lá rời khỏi cây đời sau khi đã tận hiến một màu xanh trọn nghĩa yêu thương. Chợt nhớ lời ông ấm áp trong vị cà phê bên bờ kênh Nhiêu Lộc đầy sắc hoa cỏ và mây nước xôn xao với chúng tôi hôm nào, rằng: Đời người hữu hạn nhưng cõi người thì mênh mông, yêu thương là vô tận. Hãy yêu thương và cho nhau thật nhiều thương yêu khi còn có thể, bởi chính yêu thương sẽ cứu rỗi con người...
Lê Cung Bắc ra đi nhưng những vai diễn, những bộ phim do ông làm đạo diễn sẽ mãi mãi ở lại cùng thông điệp yêu thương và triết lý nhân sinh trong môi trường nghệ thuật. Cuộc hành trình về cõi yêu thương không chấm dứt, mà nó lại bắt đầu bằng một vòng quay khác...
Bài và ảnh: PHAN TÙNG SƠN