Tuy nhiên, với Việt Nam, cơ sở của nền văn hóa nông nghiệp truyền thống hàng nghìn năm thì “đô thị hóa nóng” sẽ gây ra nhiều hệ lụy về văn hóa nói riêng và đời sống con người nói chung.

“Đô thị hóa nóng” được hình dung về tốc độ là quá nhanh, về tổng thể là thiếu cân nhắc yếu tố văn hóa. Tốc độ quá nhanh làm con người không thích ứng kịp với môi trường mới, điều kiện mới. Thậm chí đã có thuật ngữ hài hước để chỉ hiện tượng này “khổ mãi quen rồi, sướng không chịu được!”. Nói chính xác là tập quán cũ, nếp quen cũ đã hình thành và ăn sâu trong tình cảm, lối sống khó có thể thay đổi một cách quá nhanh. “Đô thị hóa nóng” sẽ tạo ra cú sốc văn hóa đối với cư dân làng chuyển lên phố, “nghịch cảnh làng trong phố” với cả nghĩa đen và nghĩa bóng của cảnh tượng này! Gặp nhau khi đi lại trong hành lang chung cư người ta không chào nhau niềm nở như gặp nhau trên đường làng, ngõ xóm. Càng không thể nói to, cười lớn thoải mái như ở làng quê. Còn đâu lũy tre làng ru ta? Còn đâu khói lam chiều bò lan man trên mái rạ? Tiếc nuối, nhưng không thể giữ nó hoàn toàn trong xu thế đô thị hóa mạnh mẽ như ở Thủ đô Hà Nội. Làm thế nào để vượt qua cú sốc văn hóa “làng trong phố” là bài toán khá nan giải.

Sách "Hà Nội nửa đầu thế kỷ 20" của Nguyễn Văn Uẩn từng gọi tên nhiều làng trong phố, như: Ngọc Hà, Vĩnh Phúc, Kim Mã, Liễu Giai... thuộc trung tâm quận Ba Đình (Hà Nội). Hiện nay tên những làng ấy đã là tên phố. Những đặc sản như làng hoa Ngọc Hà không còn nữa nhưng đình, chùa, đền, miếu vốn là thiết chế văn hóa tâm linh nơi làng xóm vẫn tồn tại trên các phố. Chính điều đó và thời gian giúp cho cơn sốc văn hóa gần như ít có biểu hiện tiêu cực trong sự đổi thay và hội nhập.

Tuy nhiên, cũng có những dấu ấn hạn chế khó bề khắc phục của hiện tượng làng trong phố do lịch sử để lại. Đó là đường làng, ngõ xóm không phù hợp với phố, ngõ của đô thị. Phố, ngõ đô thị rộng hơn và được quy hoạch theo kiểu “ô bàn cờ”. Ngõ, đường làng hẹp hơn, lại hình thành tự nhiên theo từng mảnh đất “khai khẩn” hoặc được chia theo kiểu làng xã xưa, giao thông chủ yếu là nội bộ và đi bộ. Khi lên phố, những đường làng, ngõ xóm không còn phù hợp với giao thông mở và bằng phương tiện. Khi phương tiện là xe đạp và còn ít thì chưa bộc lộ bất cập. Nhưng đến phương tiện xe máy, những bất cập xuất hiện rõ hơn. Và đương nhiên không thể sử dụng ô tô trên những con đường ấy! Những con đường nhỏ lại “cong mềm mại” thật bất tiện cho xe máy, và gây nguy hiểm khi tham gia giao thông. Những bất tiện ấy không chỉ trong giao thông mà còn ảnh hưởng đến tình làng nghĩa xóm truyền thống xưa. Sự khó chịu, nỗi bực dọc, nhất là có va chạm trong giao thông.

Những thay đổi trong lối sống làm cho tình làng nghĩa xóm thêm phai nhạt. Vậy là, lối sống đô thị chưa kịp hình thành, lối sống làng xã lại phai nhạt. Con người đứng giữa ngã ba đường “chịu trận văn hóa” cảm thấy vật chất có đầy đủ hơn nhưng vẫn không thấy sung sướng, thỏa mãn! Có bao nhiêu làng lên phố, làng trong phố như vậy giữa nội thành Hà Nội? Có giải pháp đồng bộ nào cho vấn đề này chưa? Thực ra vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ từ lâu. 

leftcenterrightdel

 Một góc TP Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: TRỌNG HẢI  

Bây giờ bàn thêm về làng trong phố thời hiện đại. Thời nay, làng lên phố cũng ná ná như thời xa xưa. Những bất cập cũng không khác xưa mấy, dẫu kinh tế có khá giả hơn, cuộc sống có tiện nghi hơn. Bởi vì việc “lên phố” dường như cũng cứ “tự nhiên” như vậy không có sự “can thiệp” đáng kể nào mang tính “tầm nhìn”! Chỉ có các làng nằm trong khu đô thị mới, mất đất cho khu đô thị mới có thể có quy hoạch đô thị. Mặt khác, kinh tế có khá hơn nên diện mạo làng trong phố cũng có thể khá hơn. Tuy nhiên, bất cập cũ vẫn không được cải thiện bao nhiêu vì nó vẫn chưa được quan tâm khắc phục một cách bài bản, tổng thể. Hãy đến các làng trong phố, như: Cổ Nhuế, Mỗ Lao, Văn Quán... ta sẽ lại thấy những hình ảnh quen thuộc của làng trong phố. Có thể đó là nét riêng của sự “đô thị hóa nóng” chăng?! Vấn đề khá nan giải, khó có thể giải quyết triệt để trong thực tế vừa vui, vừa đáng lo ngại. Vui vì sự phát triển. Lo ngại vì những hệ lụy và hậu quả của nó.

Còn một dạng làng trong phố nữa cần quan tâm là các khu đô thị mới. Về quy hoạch, kiến trúc xây dựng, nhà cửa và cảnh quan thì nó là phố, nhưng cư dân trong đó thì chưa phải là cư dân đô thị đúng nghĩa. Bởi thế yếu tố làng vẫn tồn tại ngay trong “ngôi nhà phố”. Chính sự bất cập này làm cho cuộc sống trong chung cư có nhiều bất an. Người ta mang văn hóa làng vào chung cư như bày cỗ ra hành lang, cười nói thoải mái, không quan tâm đến sự khó chịu của người xung quanh, xả rác bừa bãi... Có nơi “số đông làng” thắng thế yêu cầu phải có nơi thực hành văn hóa tâm linh trong chung cư. Tất cả đều do sự chưa thích nghi kịp, hoặc cố tình giữ “yếu tố làng” trong phố mà tạo nên bất cập. Tuy nhiên, cũng phải thấy một điều khác nữa là các chủ đầu tư chung cư mới quan tâm xây dựng căn hộ cao cấp để bán, chưa quan tâm đến các thiết chế khác cho văn hóa cộng đồng, nhất là thiết chế cho văn hóa tâm linh, vốn là yêu cầu có thực của cộng đồng dân cư hiện nay, trong đó có nhiều người sống lâu năm với văn hóa làng xã.

 Nói về giải pháp nào cho vấn đề này quả là không dễ. Văn hóa vốn là thứ không thể khiên cưỡng, ép buộc. Việc hình thành thói quen, nếp sống, lối sống là quá trình tự nhiên, lâu dài. Việc đô thị hóa là tất yếu của phát triển hiện nay. Ngăn cản sự phát triển không đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao đời sống xã hội! Hối thúc chuyển đổi văn hóa cần thời gian và các điều kiện vật chất, tinh thần phù hợp.

Nhìn nhận sự việc như vậy nên chúng ta phải có giải pháp để hạn chế những bất cập hiện nay của hiện tượng làng trong phố. Cơ quan nhà nước cần có kế hoạch sớm về quy hoạch và các hình thức hỗ trợ vật chất, tinh thần cho các cư dân trong làng lên phố, huyện lên quận. Quy hoạch đường, phố thay cho đường làng thường nhỏ hẹp và cong. Việc này phải có sự đồng thuận của cư dân trên nguyên tắc chỉ có lợi ích cộng đồng, không có lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân. Việc này khó nhưng nếu làm minh bạch, công khai, vì cái chung của cộng đồng thì có thể làm được. Đối với các khu đô thị, cùng với việc xây những căn hộ để bán, phải có các thiết chế tối thiểu về văn hóa, giáo dục. Về văn hóa tâm linh, không thể thỏa hiệp hoặc vì lợi ích nào đó mà dựng chùa trong chung cư. Nhưng nên xem xét làm đường thuận tiện tới các chùa, đền, đình vốn có trong khu vực và hướng dẫn cư dân hòa nhập với nơi ở mới. Những cố gắng này chắc chắn sẽ giảm thiểu bất cập của việc làng lên phố và làng trong phố.

Hà Nội tương lai sẽ có thành phố trong thành phố. Làng trong phố sẽ còn nhiều hơn. Làm sao để làng lên phố, hay làng trong phố ít bất cập và giữ được nét riêng của vùng đất “kinh sư muôn đời” với truyền thống nghìn năm văn hiến. Thành phố phát triển, sáng tạo là mong muốn của người Hà Nội và nhân dân cả nước!

Tiến sĩ NGUYỄN VIẾT CHỨC