Muôn tà áo dài dâng hương sắc mùa thu bồng bềnh phiêu lãng, đan xen sen trắng, sen hồng, lay ơn, huệ trắng, cúc vàng... như hút từ trời xanh muôn nẻo hoa thơm về hội tụ ở phố phường Hà Nội. Các "cụ" sấu già, xà cừ, bằng lăng, bàng, sưa trăm tuổi lúc gió mưa sần sùi, lụ khụ, thân mang bao vết đạn cổ thành bỗng chốc cựa mình, xôn xao, rạng rỡ trong hương sắc mùa thu với bồng bềnh tóc mây, xống áo nhi đồng, thanh nữ, lão niên sắc màu muôn nẻo... Từng đôi tân lang, tân nương váy áo trắng tinh, vest đủ màu trang nhã lung linh phố phường, thong thả thưởng ngoạn dìu dặt mùa thu. Tưởng như lúc trời thu xanh mát, người ngắm phố phường đã quên hẳn thời gian thực tại mà cứ thế theo cùng với mùa thu mơ ảo.

Mùa thu Độc lập vậy mà đã dài ngót 8 thập kỷ. Ngày Quốc khánh đầu tiên-ngày 2 tháng 9 năm 1945, Bác Hồ đọc "Tuyên ngôn độc lập" cách đây đã 78 năm sao vẫn rất gần, còn đang văng vẳng trong hương sắc mùa thu: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do...”.

Lời Người cũng là lời hịch non sông, vô cùng bình dị nhưng vô cùng vang vọng. Nó khẳng định đường hoàng, chắc chắn tư thế và khát vọng chính đáng của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam. Đó cũng là trọng trách của hậu nhân với non sông, với lịch sử nghìn năm đất Việt.

Mùa thu nay khác rồi/ Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi/ Gió thổi rừng tre phấp phới/ Trời thu thay áo mới/ Trong biếc nói cười thiết tha/ Trời xanh đây là của chúng ta/ Núi rừng đây là của chúng ta/ Những cánh đồng thơm mát/ Những ngả đường bát ngát/ Những dòng sông đỏ nặng phù sa/ Nước chúng ta, nước những người chưa bao giờ khuất/ Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về...

Những câu thơ trong bài "Đất nước" của Nguyễn Đình Thi thong thả ngân rung luôn thẳm sâu vùng ký ức của chúng ta, của mỗi người chiến sĩ. Trong ngọn gió mùa thu thổi mãi, ta thấy vô cùng dài rộng biển trời vững chãi tinh tươm. Trong ngọn gió mùa thu thổi mãi, ta như thấy được những cánh chim Lạc bay rợp trống đồng, định phận vững vàng nguồn cội giữa trời đất của ta thơm thảo. Ta như thấy trong ngọn gió mùa thu, từ hoa cỏ hoa lau bình dị, những vần thơ vút ra từ nghìn trang sử sách cha ông:

Vẫn là lau sông Hồng đấy thôi

Phần phật bay mừng Vạn Xuân-Trấn Quốc

Đinh-Lý-Trần-Lê... nối nền Độc lập

Lau sông Hồng xanh mát suốt nghìn năm

 

Thân gục trong đêm buổi mất Cổ Loa thành

Vạn mũi tên lao vang tiếng hô sát Thát

Sạm chiến bào Tây Sơn đốt cháy quân cướp nước

Trắng khăn tang Hoàng Diệu tử chiến thành

 

Lửa cháy năm cửa ô rừng rực đêm đông

Những chàng trai vượt sông lau in nhỏ máu

Những mắt lá giương soi nòng súng trận

Chuông thất thanh lỗ chỗ tiếng bom rền

 

Trăng sáng đêm đêm

Lau lặng lẽ chờ Người chín năm bạc tóc

Đã òa nước dâng sao vàng bay phần phật

Bóng cha già in bóng lau sông...

Đó là bài thơ "Lau sông Hồng" tôi viết trong đêm thu trăng vằng vặc sáng trước những tấm hình liệt sĩ khuyết danh. Sự hy sinh nào cũng đều để tô thắm lá cờ Tổ quốc. Máu xương nào cũng của cha mẹ, tổ tiên dành dụm, trao truyền. Đạo lý của tổ tiên, của người Việt Nam chúng ta rất bình dị nhưng vô cùng sâu sắc.

Từ thực tiễn khách quan và thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới đất nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Và khẳng định đó càng được minh chứng sinh động, thuyết phục trong thành quả nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Lời khẳng định đó của đồng chí Tổng Bí thư vừa tự hào, vừa trang nghiêm trong tầm vóc đất nước của chúng ta hướng tới dấu mốc kỷ niệm 80 năm thành lập nước vào năm 2025. Dưới sắc cờ và trời thu lồng lộng gió, người chiến sĩ và nhân dân náo nức, tự hào thấy mình trưởng thành hơn, chững chạc hơn, sẵn sàng cống hiến, hy sinh, làm những việc lớn lao hơn để đất nước hùng cường, nhân dân no ấm.

leftcenterrightdel

Thủ đô Hà Nội hôm nay không ngừng phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, bền vững. Ảnh: TUẤN HUY 

Chúng ta náo nức, tự hào là bởi trong bối cảnh tình hình kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm và gặp nhiều rủi ro, nhưng Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vẫn nhận định và đánh giá: Việt Nam là một điểm sáng “trong bức tranh xám màu” của kinh tế toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 đạt 2,56%, trong khi nhiều nền kinh tế trên thế giới tăng trưởng âm; tăng trưởng kinh tế nước ta năm 2022 đạt 8,02%, cao hơn nhiều so với mục tiêu 6-6,5% và là mức tăng cao so với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới; tăng trưởng GDP trong quý I-2023 tuy chỉ đạt 3,2% so với cùng kỳ nhưng theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, cả năm 2023, Việt Nam vẫn có thể đạt tăng trưởng 6-6,5%. Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm 25 nền kinh tế hàng đầu về thương mại. Những thành tựu về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... giúp Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng của các tập đoàn kinh tế toàn cầu, thậm chí có những tập đoàn đặt triển vọng, tương lai phát triển 100 năm tới ở Việt Nam. Việt Nam tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế...

Thật là những con số vô cùng ấn tượng, tự hào!

Thơm thảo tròn đầy như hương sắc mùa thu.

*

*       *

Trong ngọn gió mùa thu hương sắc ấy, không hiểu sao, có không ít lúc tôi cứ bâng khuâng, lo lắng và tự hỏi tại sao đất nước ta, Đảng ta, nhân dân ta, ngày hôm nay vẫn phải nhìn thấy những cảnh buồn lòng? Đó là sự tha hóa, xuống cấp của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có nhiều người giữ cương vị rất cao đến mức phải kỷ luật, phải đưa ra khỏi Đảng, phải đối diện với pháp luật và án tù. Những chuyến bay giải cứu là để đưa nhân dân về với Tổ quốc mình trong mịt mùng đại dịch Covid-19, khi tính mạng và cao hơn cả tính mạng là niềm tin, là đạo lý uống nước nhớ nguồn, tương thân tương ái phải là bản chất căn cốt nhất của con người Việt Nam cũng đã bị nhóm người tha hóa, biến chất đang tâm đánh cắp. Chúng mặc cả với nhau, thông đồng nhau, bất chấp mạng sống của nhân dân để làm những điều càn rỡ như đạo tặc. Chao ôi! Giặc nội xâm là ở đây chứ ở đâu nữa? Giặc ở ngay trong cơ quan đoàn thể, những tay bắt mặt mừng, hoa tươi nụ thắm, phỉnh nịnh lẫn nhau, lừa dối Đảng, lừa dối nhân dân và Tổ quốc, thật quá đỗi đau lòng! Các lời khai của cán bộ tha hóa khiến ta rùng mình. Liệu còn có bao nhiêu "cặp triệu đô" nữa luồn lách và quật đổ những quan tham?

Có bao nhiêu vụ việc như Việt Á, chuyến bay giải cứu, trước đó là Vinashin, Vinalines... làm thiệt hại cho Nhà nước không chỉ hàng nghìn tỷ đồng, mà nguy hại hơn chính là làm mất đi niềm tin của nhân dân với Đảng và chế độ. Chúng ta còn giật mình hơn nữa, khi đội ngũ quan chức làm công tác quản lý ở các địa phương lẽ ra phải miệng nói tay làm, khẩn trương hành động, tất cả vì sự no ấm của nhân dân, vì sự phát triển bền vững của đất nước, thì không ít người lại "án binh bất động", mũ ni che tai, ngậm miệng ăn tiền, sống chết mặc bay, coi việc công không phải của mình, thấy khó liền sợ sệt né tránh, thấy phức tạp lập tức đùn đẩy xuống dưới lên trên, thiết lập ma trận, kết bè kéo cánh để công việc cứ thế chây ỳ, nghẽn tắc. Con số thống kê về giải ngân mỗi tháng, mỗi năm của nhiều tỉnh, thành thấp đến mức nhiều người như không tin vào tai, mắt mình. Không hiểu tại sao lại như thế? Đến mức nhiều lần các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước sốt ruột đã phải nhắc nhở, cảnh tỉnh, phê bình mà vẫn chưa chuyển biến được bao nhiêu.

Trong khi đất nước ta rất cần phát triển; rất cần tới trí tuệ, vật chất để Việt Nam cất cánh và đồng tốc, đồng hành với bạn bè thế giới... thì vẫn còn những cán bộ lười nhác, tha hóa, hư hỏng, thờ ơ, chỉ vinh thân phì gia của chính mình. Những hạn chế, yếu kém này chính là lực cản lớn nhất của đất nước ta hôm nay...

*

*       *

Những ngọn gió mùa thu muôn năm thổi mát mọi chân trời.

Những lá cờ mùa thu đỏ thắm thiêng liêng in máu xương các anh hùng, liệt sĩ.

Sắc vóc mùa thu với người chiến sĩ càng đặc biệt thiết thân, nghĩa tình thơm thảo trước sau như một, như sắc sen hồng, cúc thắm ngoài kia.

Như gió mùa thu thổi mãi, người chiến sĩ chúng ta dù ở nơi phố phường mùa thu giăng mắc hay nơi hải đảo xa xôi sóng gió mịt mùng, nơi biên cương hun hút mang mang thăm thẳm thì vẫn trước sau vẹn nguyên một tấm lòng trung thành tuyệt đối với đất nước, với Đảng, với nhân dân. Người chiến sĩ trong bất kỳ hoàn cảnh nào, trong tim mình cũng nâng niu, ôm ấp lá cờ Tổ quốc. Lá cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh vươn lên từ mùa thu tháng Tám lịch sử cách đây gần 80 năm. Sâu và xa hơn, mùa thu đã có từ tổ tiên cội rễ, từ thuở Hồng Bàng cho tới Hùng Vương, đến An Dương Vương, đến Hai Bà Trưng xây nền độc lập; tiếp đó là sắc thu thiêng liêng Đinh-Lý-Trần-Lê-Nguyễn nghìn năm. Và sắc thu hôm nay, sắc thu sóng sánh, đầy đặn mà trang nghiêm mực thước vô cùng trong thời đại Hồ Chí Minh lịch sử.

Như gió mùa thu thổi mãi. Như lá cờ đỏ sao vàng mãi mãi tung bay. Như lời nói của Bác Hồ ngân vang trong Ngày Độc lập. Như ao ước của Bác Hồ, Bắc-Nam liền một dải thống nhất non sông. Như ước vọng nghìn đời của nhân dân được ấm no, hạnh phúc, sống trong một quốc gia luôn lễ nghĩa, giàu tình thương, có niềm tin và trí tuệ lớn hướng tới văn minh cùng bè bạn năm châu bốn biển.

Trong sắc vóc đất trời mùa thu lồng lộng, mỗi chúng ta hết sức tự hào khi được là một phần máu thịt của Việt Nam ta.

Tùy bút của PHÙNG VĂN KHAI