QĐND - Nhắc đến Hà Nội là nhắc đến hình ảnh bao con phố, bao hàng cây đã đi vào thơ ca như những nét đẹp cố hữu: “Nhớ phố thâm nghiêm rợp bóng cây, tiếng ve ru những trưa hè...”. Phố đã đi vào đời sống người Hà Nội, gắn bó bao năm tháng. Và những hàng cây kiêu hãnh-những mảng màu xanh “bất diệt” của Hà Nội luôn là chứng nhân lịch sử qua bao thăng trầm.
Cây và phố
Cây và phố như hai thực thể liền mạch trong đời sống Hà Nội. Dấu ấn độc đáo nhất, ấn tượng nhất của sự “cộng sinh” có lẽ là tuyến phố Phan Đình Phùng và Hoàng Diệu. Phố Phan Đình Phùng “sở hữu” tới 3 hàng sấu già đan xòa vào nhau, mỗi độ hè về rụng lá dát vàng cả hè phố trong cơn thơ thẩn của bao người. Phố Hoàng Diệu quanh năm xào xạc tiếng lá đung đưa của những cây xà cừ “lão đại” cả trăm năm tuổi. Quanh hai tuyến phố là Quán Thánh, Trần Phú, Nguyễn Tri Phương, Lý Nam Đế cũng rợp bóng cây che mát những trưa hè. Đây đều là những con "phố Tây", do người Pháp quy hoạch từ những năm đầu thế kỷ 20. Với mục đích quy hoạch ban đầu là những “đại lộ” xanh của một “Pa-ri thu nhỏ”, các con đường này luôn rợp tán, tỏa bóng mát nhưng tầm nhìn lại rất thoáng đãng bởi thân cây vươn cao, lá xanh quanh năm.
Những tuyến phố bao quanh Hồ Tây như: Nguyễn Đình Thi, Trịnh Công Sơn, Yên Phụ, Thanh Niên... cũng là những tuyến phố xanh điển hình của Hà Nội. Những tuyến phố này có hệ thống cây đa dạng: Liễu, phượng, muồng vàng, cau cảnh, bằng lăng, xà cừ... Trong đó, nổi bật nhất có lẽ là đường Thanh Niên với 4-5 hàng cây tạo nên một không gian vô cùng đẹp và lãng mạn. Hay những tuyến phố với những hàng cây đặc trưng như: Hoa sữa ở Nguyễn Du, sao đen ở Lò Đúc, hoa sưa trắng đầu phố Hoàng Hoa Thám, phượng đỏ ở Lý Thường Kiệt... đều tạo nên những nét “cá tính” rất Hà Nội.
Song song với những tuyến phố cũ, những tuyến phố sau này mới hình thành khi đất nước đổi mới như Nguyễn Chí Thanh, Kim Mã, Giảng Võ, Liễu Giai... cũng được quy hoạch cây xanh rất chi tiết. Đó là sự kết hợp giữa những hàng cây lâu năm và hệ thống dải phân cách “xanh” đã tạo nên cảnh quan rộng rãi, thoáng đãng và hiện đại cho khu vực này.
Hiện nay tại khu vực nội thành Hà Nội có gần 100 loài với 120.000 cây. Chính yếu tố này đã tạo nên những nét đẹp rất đa dạng cho mỗi góc phố. Bên cạnh đó, nhiều loại cây tạo nên nhiều mùa thay lá khác nhau, giúp Hà Nội lúc nào cũng có màu xanh suốt bốn mùa.
Cây xanh không chỉ đóng vai trò làm đẹp cho đô thị mà còn có tác dụng lọc không khí, góp phần tăng tỷ lệ mét vuông xanh trên đầu người cho Hà Nội. Tiêu chuẩn đất cây xanh, công viên, đô thị được xác định theo loại đô thị đặc biệt như Hà Nội phải đạt từ 7-9m2/người, đô thị loại 1, loại 2 thì cần 6-7,5m2/người, đô thị loại 3, loại 4 thì tiêu chuẩn cần có 5-7m2/người. Tuy nhiên, hiện nay trong khu vực trung tâm của Hà Nội mới chỉ đạt chưa đầy 5m2/người, bao gồm cả vườn hoa, sân chơi và các công viên.
|
Hàng cây sấu gần trăm năm tuổi trên phố Phan Đình Phùng.
|
Ở một đô thị lâu đời như Hà Nội, phần phố cũ có quỹ đất dành cho vỉa hè rất hạn hẹp, do đó việc tăng diện tích dành cho cây xanh gặp nhiều khó khăn. Trong khi, các cây già cỗi lâu năm lại có xu hướng phát triển tán to nhưng phần rễ đã không còn chắc chắn, dễ bị bật gốc khi có gió bão. Từ việc rút kinh nghiệm ở những khu phố cũ, những tuyến phố mới được quy hoạch rộng rãi, phần đất thịt nhiều, giúp cây dễ phát triển và đặc biệt có dải phân cách “xanh” rất lớn. Chính những dải phân cách “xanh” này là giải pháp quan trọng để tăng quỹ đất trồng cây xanh cho Thủ đô.
Bên cạnh khó khăn mở rộng quỹ đất trồng thì việc tìm loài cây thích hợp với Hà Nội cũng là một vấn đề gây nhiều tranh cãi. Hiện tại, những loài cây được chọn để phủ xanh Hà Nội trong tương lai thường là những cây lâu năm tầm trung, cao khoảng 4-8m như: Nhội, muồng, phượng, keo, đa, lộc vừng... Mới nhất thì có bàng lá nhỏ (bàng Đài Loan, Trung Quốc), cây sang và cây dầu rái được trồng trên các tuyến phố: Tây Sơn, Khâm Thiên, Tôn Đức Thắng. Toàn bộ các cây này đều có đặc tính tạo bóng mát, khả năng thích nghi với mọi điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng do giữ được độ ẩm, hạn chế việc tưới nước, đặc biệt là khả năng phát triển rất nhanh mà vẫn bảo đảm an toàn giao thông cho người đi đường, che được ánh đèn pha của phương tiện lưu thông ngược chiều vào ban đêm. Đây là những giải pháp mới, đang được nghiên cứu, thử nghiệm và tiến đến nhân rộng.
Người Hà Nội và cây
Lang thang vào những sáng thu tinh khôi trên đường Thanh Niên, không khó để bắt gặp hình ảnh một cụ già ngồi tựa mình đọc báo nơi ghế đá, cạnh chiếc xe đạp đã ngả màu, hay những bác cao niên hàn huyên bên ly trà đá, dưới tán cây già. Bác Ngọc Khôi, năm nay đã 63 tuổi, hóm hỉnh kể: “Con đường này làm mòn của tôi ít cũng chục đôi dép rồi. Cả đời tôi đã gắn bó với con đường này, hàng cây này. Nhà ngay trên An Dương, cấp 2, cấp 3 tôi đều học Trường Chu Văn An, đây là con đường tới trường mà. Yêu đương hẹn hò gì cũng toàn ra đây cả. Bố mẹ có khi không biết chứ mấy hàng cây này là chứng kiến đấy”. Ông Thám, bạn bác Khôi, một cựu chiến binh đã gần 70 tuổi, cũng hào hứng: “Trước nhà tôi ở đây, là bạn học với ông Khôi này. Giờ chuyển nhà rồi nhưng ngày nào mấy ông bạn già cũng ngồi dưới gốc cây này, không chơi cờ thì nói chuyện, có khi chả cần ăn uống gì. Không gặp là nhớ lắm!”.
Không chỉ có đường Thanh Niên, con phố tuyệt đẹp Phan Đình Phùng cũng chứa trong mình ký ức và sự đắm say của bao người. Ông Phan, người bán trà đá trên phố Phan Đình Phùng đã hơn 10 năm, tâm sự: “Mình giờ già rồi, tuyệt nhất là mỗi ngày đều được tập thể dục hoặc dắt đứa cháu nội đi dưới những tán cây sấu. Ngày xưa, cả một thời trai trẻ đi bộ đội, rừng là nhà, cây là bạn, là nơi bao bọc bảo vệ, không yêu không quý sao được”.
Sấu, bàng, cơm nguội là những loài cây đặc trưng cho vẻ đẹp mộc mạc mà đầy thăng trầm của Hà Nội. Cây bàng đã đi vào trong tranh phố của danh hoạ Bùi Xuân Phái, đã lưu lại bao nhiêu vấn vương trong thơ ca: “Búp bàng lên lá nhỏ/ Xanh như là thương nhau” (thơ Lưu Quang Vũ). Sự đặc biệt của cây cơm nguội cũng đâu chỉ nằm ở thân cây quyến rũ uyển chuyển mà ở cái màu vàng mặn mà mỗi độ hoa nở. Thế nhưng, cơm nguội có hạn chế là thân cây hay bị các loài tầm gửi bám vào, dẫn đến tình trạng cành cây khô, rơi rụng, không an toàn cho người đi đường. Trong khi, cây bàng tuy đẹp nhưng lại là địa điểm yêu thích của các ấu trùng nên tán bàng rất nhiều sâu róm, gây ảnh hưởng đến người dân sinh sống gần cây. Vì thế, những năm trở lại đây, cây bàng, cây cơm nguội không còn nằm trong danh sách được trồng mới của Hà Nội và mùa thu Hà thành trong tương lai sẽ rất có thể không còn hình ảnh "cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ" một thời đi vào “huyền thoại”.
Không chỉ có bàng và cơm nguội, xà cừ, một trong những loài cây điển hình của Hà Nội, hiện chiếm tỷ lệ gần 30% số lượng cây trồng, có lẽ đã đến lúc cần phải loại bỏ. Bởi lẽ, đây là loài cây dễ gãy đổ. Riêng trong mùa mưa bão vừa qua tại Hà Nội, trong số gần 1.000 cây xanh bật gốc, phần lớn là cây xà cừ bởi đây là loại cây tầm cao, tán lớn nhưng lại có bộ rễ chùm vừa gây tốn đất vừa không ăn sâu nên không đủ sự vững chắc.
Có không ít loài cây gắn bó và tạo nên sự đặc trưng của Hà Nội một thời giờ đã bắt đầu tỏ ra không còn thích hợp với một đô thị hiện đại và sự thay đổi của thời tiết trong những năm gần đây. Nhưng có lẽ trong bao ký ức của người Hà Nội, cây bàng vẫn luôn đỏ lá mỗi độ đông về, cây cơm nguội vẫn vàng trước hiên nhà ai, những hàng xà cừ thì vẫn thâm nghiêm bên góc phố rêu cổ. Và rồi sau đó, những hàng cây mới sẽ lên tươi, sẽ kiêu hãnh mà tiếp nối những mảng màu xanh của Hà Nội...
Bài và ảnh: TỐNG HOÀNG HÀ MY