Mới đây thôi, câu chuyện bé Hải An (7 tuổi) hiến giác mạc khi qua đời để mang lại ánh sáng cho những người khác đã có tác động lớn đến rất nhiều người, truyền cảm hứng, nhân lên những hành động đẹp để lan tỏa những giá trị nhân văn trong xã hội. Qua đó, những người bệnh có thêm niềm tin, hy vọng vào cuộc sống hơn; người dân sẽ hiểu hơn ý nghĩa của việc hiến tạng.
Tôi còn nhớ trong Gala “Việc tử tế 2017” của VTV, trong hành trình đi tìm những câu chuyện của lòng tốt, sự tử tế, chúng tôi đã gặp những điều kỳ diệu. Tôi đặc biệt ấn tượng và rất xúc động trước câu chuyện của một người mẹ tên Cấn Thị Ngần ở Quốc Oai, Hà Nội. Bà có con trai bị tai nạn, khi đưa vào bệnh viện thì đã chết não. Dù đau đớn, bàng hoàng như muốn chết đi nhưng nén nỗi đau đó, bà vẫn quyết định hiến tặng 2 giác mạc, 2 quả thận, trái tim, gan của con mình để cứu 6 người. Trái tim của con trai bà được ghép cho một chiến sĩ cảnh sát biển ở Quảng Bình. Sau nửa năm con mất, bà rất mong một lần được nghe nhịp đập trái tim con trai mình. Và chương trình đã kết nối cho cuộc gặp gỡ đặc biệt đó.
Bà Ngần kể lại rằng, khi bà quyết định hiến các bộ phận cơ thể của con trai mình, nhiều người trong làng đã chê cười hành động của bà. Nhưng bà nghĩ rằng, con chết đi rồi cũng sẽ thành cát bụi, nếu có thể cho tặng đi một phần nào cơ thể sẽ ý nghĩa biết bao. Trái tim của con vẫn sẽ đập, vẫn sống dù trong cơ thể người khác và bà có thêm một người con trai, người chiến sĩ đó có thêm một người mẹ.
Sự hy sinh, cống hiến của người hiến tạng không chỉ mang lại hy vọng, cuộc sống mới cho nhiều bệnh nhân mà còn cho cả thân nhân của chính người hiến tạng, hơn nữa còn góp phần nâng cao chất lượng y tế nước nhà. Vậy tại sao chúng ta không gạt bỏ những quan niệm cổ hủ để khuyến khích những việc làm ý nghĩa hơn!
CHI PHONG (ghi)