Tác phẩm nói lên tất cả
Hôm trước tôi gặp lão họa sĩ Chu Mạnh Chấn ở triển lãm của ông mang tên “Miền ký ức”. Lão họa sĩ năm nay đã 88 tuổi. Trải qua bao biến thiên thời gian, bao điều mất đi, bao điều còn lại, nhưng cảnh sắc quê hương xứ Đoài vẫn thăng hoa rực rỡ trong ông. Là người nặng lòng với cái đẹp truyền thống, ông cảm nhận trong sâu thẳm với bao niềm tiếc nuối. Và ông đi tìm, truy lại ký ức, giữ lại hình ảnh mái đình, cây đa, giếng nước... theo cách của người họa sĩ già (Nghệ nhân nhân dân) trưởng thành qua hai cuộc kháng chiến của dân tộc.
Đối với văn nghệ sĩ xứ Đoài, Chu Mạnh Chấn thuộc lớp đàn anh. Ông kiên trì đi theo con đường riêng, chọn lối vẽ truyền trống, giản dị, dễ hiểu. Ông tin rằng thông điệp trong tranh của mình sẽ tới được công chúng. Trò chuyện với Nghệ nhân nhân dân Chu Mạnh Chấn, chưa bao giờ thấy ông giải thích hay nói về tình yêu với hội họa trong ông. Kín tiếng, khiêm nhường, ông để những tác phẩm của mình nói lên tất cả. Mà mới nhất, triển lãm “Miền ký ức” như một bố cáo đầy sức nặng.
Thực sự thì ở tuổi 88, không ai bắt người họa sĩ già phải cầm cây cọ. Nhưng điều khiến lớp lớp bạn bè đồng môn, nhân sĩ Hà Đông, các thế hệ học trò và những người yêu mến Chu Mạnh Chấn nể phục ở ông chính là ý thức giữ gìn, bảo tồn văn hóa. Ông đau khi cây đa đầu làng mất đi, ông điếng người khi tường làng không còn nữa. Bao kỷ niệm về xứ Đoài cứ dần mất đi theo năm tháng. “Cho nên, tôi không ngừng cố gắng, nỗ lực, vẽ lại những điều mà những người già kể lại. Làm để thêm yêu quê hương, thêm sức lực, thêm say mê mà quên đi tuổi tác, quên đi những nhọc nhằn. Tôi vẽ lại những ký ức tuổi thơ không bao giờ phai”, lão họa sĩ tâm sự.
    |
 |
Tranh sơn mài “Lễ hội chùa Thầy xưa”, một trong những tác phẩm nổi tiếng của họa sĩ Chu Mạnh Chấn. |
Nghệ nhân của nhân dân
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận xét về họa sĩ Chu Mạnh Chấn như thế này: “Ông là người đang sống trong một thời đại công nghiệp nhưng những tác phẩm của ông hầu như chỉ vẽ về một đời sống của quá khứ. Hay nói đúng hơn, ông là người đi phục dựng lại những vẻ đẹp văn hóa Việt đã bị lãng quên. Bởi thế mà tôi luôn thấy ông từ hiện tại bước vào quá khứ để gọi tên những vẻ đẹp đã chìm sâu trong quên lãng thức dậy. Những lễ hội, những cảnh sinh hoạt văn hóa xưa hiện ra như chính nó đang tồn tại song song cùng chúng ta mà chưa từng biến mất. Rồi ông lại từ quá khứ trở về hòa vào đời sống hiện tại. Và khi vẽ một bức tranh mới, ông lại bước vào quá khứ. Ông giống như người đi xuyên thời gian...”.
Thực sự thì khi nghe nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói ra những điều trên, lão họa sĩ Chu Mạnh Chấn phấn khởi lắm. Ông cười móm mém trong gió Đông. Và ông lại lim dim nghe nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Lương Tử Đức kể chuyện ngày xưa. Chuyện là, sáng một ngày đầu thu năm 2018, phái đoàn Hội đồng thẩm định tác phẩm của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đến nhà họa sĩ Chu Mạnh Chấn ở Hà Đông (Hà Nội). Họ ngỡ ngàng trước những họa phẩm trong căn nhà. Những bức tranh sơn mài, sơn dầu, thuốc nước khổ lớn hoành tráng. Giáo sư Trần Lâm Biền thốt lên: “Này cụ, tại sao cụ không làm hồ sơ xin được giải thưởng mỹ thuật của Nhà nước mà cụ chỉ xin được phong danh hiệu nghệ nhân?”. Họa sĩ Chu Mạnh Chấn, năm đó 85 tuổi trả lời: “Thưa giáo sư, cả đời tôi gắn bó với làng quê, với những ngôi đình, ngôi chùa, với người dân, tôi ân nghĩa với họ, nếu được ghi danh là một nghệ nhân cũng vinh dự lắm rồi”.
Bài và ảnh: KHOA MINH