QĐND - Tại Liên hoan Múa rối Quốc tế lần thứ IV-Hà Nội 2015 (diễn ra từ ngày 10 đến 16-10), với chương trình “Bay lên từ mặt nước”, NSƯT Chu Lượng, Nhà hát Múa rối Thăng Long, đã làm mới rối nước, đưa bộ môn nghệ thuật truyền thống này đến gần hơn với khán giả thế giới. Đặc biệt, chương trình đã giành được HCB và các diễn viên vở “Hồ thiên nga” (trong chương trình “Bay lên từ mặt nước”) nhận được HCV của liên hoan. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với NSƯT Chu Lượng.

Phóng viên (PV): Quan điểm của anh như thế nào về việc làm mới múa rối nước trong bối cảnh văn hóa nước ta ngày càng hội nhập sâu, rộng với thế giới như hiện nay?

NSƯT Chu Lượng: Theo tôi, đã làm nghệ thuật thì lúc nào cũng phải làm mới, phải suy nghĩ, sáng tạo ra những vở mới để bạn bè trên thế giới thấy mình luôn luôn hoạt động và sống với nghề. Ví dụ như vở “Hồ thiên nga” trong chương trình “Bay lên từ mặt nước” là một dự án tôi đã tâm huyết từ rất lâu. Nhân dịp Liên hoan Múa rối Quốc tế năm nay, tôi mới quyết tâm làm.

NSƯT Chu Lượng.

“Hồ thiên nga” và “Đấu bò tót” (trong chương trình “Bay lên từ mặt nước”) chỉ là hai trong 12 vở mà tôi đã và đang dựng. Tất cả những vở đó đều mang một chủ đề: “Chú Tễu đi du lịch thế giới”. Khi đến với mỗi nước, chú Tễu sẽ thể hiện bản sắc văn hóa của nước đó trên sân khấu rối nước. Gần đây, tôi đã biểu diễn vở đấu vật Sumo tại Nhật Bản để “thử phản ứng” của khán giả. Khán giả Nhật rất thích! Có lẽ, cũng giống như khán giả Việt Nam thường rất thích thú khi được xem người nước ngoài hát chèo, hát cải lương hay quan họ… Đó chính là sự giao lưu về văn hóa. Từ nay, khi chú Tễu đến Nga sẽ diễn vở “Hồ thiên nga”, đến Nhật thì có âm nhạc truyền thống xứ sở Hoa anh đào và đấu vật Sumo, đến Đan Mạch thì diễn nàng tiên cá, những chú lính chì duyệt binh...

Mặt khác, làm mới những tác phẩm rối nước cũng chính là việc tạo cảm hứng cho các diễn viên của mình chinh phục những thử thách khác biệt với truyền thống.

PV: Trong quá trình sáng tạo, làm mới múa rối nước để nghệ thuật này mang hơi thở hội nhập hơn, hiện đại hơn và thu hút được nhiều người xem hơn, điều gì là khó khăn nhất, thưa anh?

NSƯT Chu Lượng: Điều khó nhất trong nghệ thuật múa rối là tạo hình con rối. Phải đục đẽo làm sao cho con rối đó đẹp, rồi phải tạo trò cho nó. Người sáng tạo nên một con rối phải là một người rất am hiểu về giải phẫu cơ thể, bộ máy hoạt động để làm sao cho con rối cử động được, đáp ứng được mong muốn của người sáng tạo ra con rối. Ví dụ, với vở “Hồ thiên nga”, tôi phải nghĩ rất nhiều để con rối thực hiện được những động tác múa tương tự như vũ ba-lê.

PV: Rối nước truyền thống vốn là một trò có những động tác khá đơn giản. Trong khi, “Hồ thiên nga” vốn là một vở múa có kỹ thuật rất cao. Anh đã làm thế nào để thể hiện được một phần các kỹ thuật múa đó?

NSƯT Chu Lượng: Đầu tiên, mình phải xem và hiểu tác phẩm “Hồ thiên nga”, cũng như phải tìm hiểu nguồn gốc văn hóa của nó. Sau đó, mình bắt đầu nghiên cứu các động tác và trích lược những động tác đơn giản nhất để đưa vào rối nước. Trong “Hồ thiên nga” phiên bản rối nước, tuy không hoàn toàn y hệt như bản gốc nhưng khi xem, người ta đều cảm nhận được đó là “Hồ thiên nga”.

Hơn nữa, trong nghệ thuật rối nước có một điều rất đặc biệt là mọi điều phi lý ở các sân khấu khác lại có thể trở nên hợp lý với sân khấu này. Ví dụ như ở vở “Đấu bò tót”, đấu trường biến thành một dòng sông, người đấu sĩ khi bị con bò đuổi có thể bơi luôn. Nếu bình thường như thế thì sẽ rất phi lý, nhưng với sân khấu múa rối nước lại rất bình thường. Bởi vì, nghệ thuật múa rối nói chung và múa rối nước nói riêng đều rất cần sự hài hước.

PV: Vì sao trong vở “Đấu bò tót” phần âm nhạc hơi quá nhẹ nhàng, ít cao trào hơn so với các tác phẩm điện ảnh hay sân khấu kịch về màn đấu bò, thưa anh?

NSƯT Chu Lượng: Ở đây tôi chỉ mượn hình ảnh và tiết mục đấu bò để chơi rối nước. Vì thế, tôi đã biến tấu mọi thứ trở nên nhẹ nhàng, hài hước và trong sáng, khi đâm con bò thay vì chảy máu thì mình biến nó thành chảy sữa. Tức là ở đây, mình tạo yếu tố hài hước và bất ngờ. Trong múa rối, tạo tình huống bất ngờ thú vị là điều khó nhất.

PV: Anh đã từng tham dự các liên hoan Múa rối Quốc tế bằng những chương trình làm mới rối nước?

NSƯT Chu Lượng: Trước đây, tôi vẫn tập trung vào những đề tài mang tính truyền thống. Cách đây 3 năm, tại Liên hoan Múa rối Quốc tế lần thứ III, tôi dựng vở: “Linh thiêng hai tiếng đồng bào”. Bên cạnh đó, tôi còn dựng những vở dọc theo khắp các vùng bản sắc văn hóa của Việt Nam. Khi lên vùng Tây Bắc thì có những chàng trai, cô gái người Mông cùng nhau múa những điệu múa khèn ô. Khi xuống Đồng bằng Bắc Bộ thì có những cô gái mặc áo tứ thân, múa quạt. Đi đến Huế thì múa cung đình Huế. Vào Tây Nguyên thì múa giã gạo, múa cồng chiêng...

PV: Theo anh, để con rối nước có thể “sống” và phát huy giá trị nghệ thuật, góp phần quảng bá hình ảnh, con người Việt Nam, chúng ta cần làm gì?

NSƯT Chu Lượng: Điều quan trọng nhất là phải làm sao để múa rối nước có được đời sống để nó phát triển. Trở lại với nguồn gốc và tính bản thể của múa rối nước thì nó chính là một loại hình nghệ thuật hướng đến sự gắn kết chặt chẽ, hòa mình vào thiên nhiên và môi trường sống xung quanh. Thế nhưng, hiện tại, chúng ta đang tàn phá thiên nhiên đến nỗi múa rối nước cũng không còn chỗ để “sống”. Cây thì chặt hết, ao làng thì bị ô nhiễm... khiến cho rối nước hiện không còn đời sống của riêng nó mà chỉ còn tồn tại dưới dạng hình thức. Trong khi đó, những người có trách nhiệm dường như đang không quan tâm đến thực trạng này.

Cảnh trong vở rối nước “Hồ thiên nga”. Ảnh: Thúy Nga

Loại hình nghệ thuật nào cũng cần phải có đời sống của riêng nó. Rối nước phải được sống trong khung cảnh đời sống làng quê, ruộng đồng. “Chủ nhân” của rối nước là con người sau những giờ lao động mệt mỏi có nhu cầu được chơi, được biểu diễn.

Có 3 yếu tố rất căn bản trong loại hình nghệ thuật rối nước là: Sự trong sáng, sự hồn nhiên và sự thuần khiết. Người nông dân Việt Nam hội tụ đủ 3 yếu tố này để tạo ra các con rối, những trò rối nước như: Đánh cáo, bắt vịt, bắt cá, hứng dừa, múa lân... Những trò đó đã trở thành “kinh điển”. Biết bao nhiêu nhà quản lý, nghệ sĩ sáng tạo hàng chục năm qua nhưng vẫn không thể “vượt qua” được những trò diễn truyền thống này.

Còn một điều cũng đáng lo ngại, đó là tình yêu của những người làm nghề. Tâm hồn của người làm rối nước đang bị “giết” bởi cơ chế thị trường. Hầu hết các phường rối nước giờ chỉ còn là cái “bóng”. Những người làm rối nước thực tâm bây giờ rất hiếm. Đây là một điều rất đáng buồn cho ngành rối nhưng cũng không được vì thế mà bi quan. Khi tham gia giảng dạy trong Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, tôi vẫn nói với các em sinh viên là hãy cứ đam mê đi, vì còn một giọt nước thì còn một dòng sông, còn một hạt thóc thì còn cả một cánh đồng. Tôi nói với các em cũng như nói với chính mình. Dù thậm chí còn phải làm rất nhiều nghề khác để nuôi sự đam mê đó thì tôi vẫn cứ đam mê.

Chúng ta phải biết làm, biết tô điểm, biết đặt ở đâu để xứng đáng với giá trị của rối nước thì nó sẽ trở nên đẹp và vô giá. Nếu tâm hồn bạn còn đen tối bon chen, còn đố kỵ thì bạn không thể làm rối nước được. Bởi vì, hồn cốt của múa rối nước chính là sự trong sáng. Nó trong sáng trong nội dung của các vở diễn, trong cách thức ta làm ra nó, trong cách tiếp nhận của người xem và đặc biệt là sự trong sáng trong cả tâm hồn những người làm nghề. Khi ta xem một vở múa rối nước, chính chúng ta cũng trở về với sự hồn nhiên cùng những con rối. Những con rối thanh lọc tâm hồn của chúng ta, gạn đi những tính toán bon chen nhỏ nhoi xuất hiện trong cuộc sống.

PV: Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

HÀ MY - HUY ĐĂNG (thực hiện)