Rạch Chiếc hôm nay bờ nối bờ
Một thời lửa đạn hóa thành thơ
Còn bao đồng đội tên chưa rõ
Nương sóng vỗ tràn xuân ước mơ…
Kết thúc bài thơ, bà Oanh không giấu được sự xúc động, chia sẻ: “Là thế hệ đi sau, nhưng những năm làm cán bộ văn hóa quận 2, tôi trực tiếp tổ chức và tham gia 8 lần hội thảo về trận đánh oanh liệt này. Đây là trận đánh có ý nghĩa vô cùng đặc biệt, bảo đảm huyết mạch lưu thông để cánh quân chủ lực quan trọng nhất, dũng mãnh nhất tiến vào giải phóng Sài Gòn sáng 30-4-1975".
Như một cơ duyên, lòng trắc ẩn, sự kính trọng đối với các anh linh liệt sĩ, bà Oanh đã dành nhiều năm để đi tìm các chiến sĩ Quân Giải phóng tham gia trận đánh bên cầu Rạch Chiếc năm xưa, tổ chức hội thảo về vai trò, ý nghĩa đặc biệt của trận đánh sát sườn Sài Gòn trong những ngày lịch sử, xây dựng bia tưởng niệm các liệt sĩ đã ngã xuống bên cầu Rạch Chiếc. Câu chuyện về công trình bia tưởng niệm nằm khiêm tốn bên dòng Rạch Chiếc hôm nay mang nhiều ý nghĩa, tâm huyết của những người còn sống. Bà Oanh nhớ lại: “Hơn chục năm về trước, cứ vào ngày kỷ niệm trận Rạch Chiếc 27-4, có rất nhiều thân nhân liệt sĩ, cựu chiến binh về thắp nhang, tri ân, tưởng nhớ các đồng đội đã ngã xuống. Chứng kiến thân nhân, đồng đội cũ về bên bến sông, loay hoay tìm một chỗ để thắp nhang tưởng nhớ cũng không có, trong tôi dấy lên những cảm giác day dứt, thôi thúc tôi nảy ra một ý tưởng là kết nối những cựu chiến binh tham gia trận đánh cầu Rạch Chiếc, vận động xây dựng một bia tưởng niệm tri ân những chiến sĩ Quân Giải phóng đã ngã xuống bên bến sông này”. Sau một thời gian tìm kiếm, bà Oanh kết nối được với cựu chiến binh Trần Xuân Kiện, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 81, Lữ đoàn Đặc công biệt động 316, Quân Giải phóng miền và một số cựu chiến binh của Tiểu đoàn 81. Trong suốt nhiều năm sau đó, bà Oanh, ông Kiện và một số cựu chiến binh Tiểu đoàn 81 đã âm thầm tìm hài cốt, tên tuổi các đồng đội, liên hệ với thân nhân các liệt sĩ. Năm 2006, với sự cố gắng của ông Kiện, bà Oanh và sự giúp đỡ của một số mạnh thường quân, tấm bia tưởng niệm đã được xây dựng trên diện tích hơn 10m2 với dòng chữ “Bia tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh tại cầu Rạch Chiếc”. Cũng vào tháng 7 năm đó, lần đầu tiên, lễ cầu siêu các anh hùng liệt sĩ Quân Giải phóng hy sinh trong trận đánh này được các nhà sư, đồng đội và nhân dân trong vùng tổ chức trang nghiêm, xúc động.
Cựu chiến binh Trần Xuân Kiện, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 81, Lữ đoàn Đặc công biệt động 316.
Theo địa chỉ được bà Oanh cung cấp, chúng tôi tìm đến nhà cựu chiến binh Trần Xuân Kiện. Căn nhà nhỏ của người chỉ huy trực tiếp trận đánh cầu Rạch Chiếc năm xưa nằm sâu trong con hẻm ở vùng ngoại thành thuộc phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh. Dù đã gần 80 tuổi, ông Kiện đón tiếp chúng tôi với phong thái nhanh nhẹn, khỏe mạnh. Ký ức về trận đánh giữ cầu Rạch Chiếc cách đây hơn 40 năm được ông kể lại với sự xúc động như vừa mới hôm qua. Câu chuyện có nhiều lúc bị ngắt quãng, lặng đi khi ông nói đến những khoảnh khắc, chi tiết về sự hy sinh của đồng đội.
Ông kể: "Trước thế tiến công mạnh mẽ của ta, địch tổ chức phòng ngự yếu điểm Rạch Chiếc và sẵn sàng phá hủy cầu trong trường hợp Quân Giải phóng đưa lực lượng, xe tăng lớn tiến công vào Sài Gòn. Yêu cầu đặt ra phía ta là phải làm sao vừa tiến công tiêu diệt lực lượng địch ở cầu Rạch Chiếc và bằng mọi giá bảo vệ được cầu này để lực lượng bộ đội chủ lực tiến vào nội đô Sài Gòn. Lữ đoàn Đặc công biệt động 316 được Thượng tướng Trần Văn Trà, nguyên Tư lệnh Quân Giải phóng miền chỉ đạo, giao nhiệm vụ đánh chiếm và giữ cho được những cây cầu dẫn vào nội đô Sài Gòn. Cầu Rạch Chiếc được đánh giá là quan trọng nhất, được giao cho đơn vị Z23, Z22 và Tiểu đoàn 81 thuộc Lữ đoàn 316 đảm nhiệm.
“Ngày 25-4-1975, tôi nhận được lệnh của cấp trên, chuyển mục tiêu tiến công từ dinh Độc Lập sang hướng cầu Rạch Chiếc, bảo vệ cầu đón các cánh quân từ ngoài Bắc vào giải phóng miền Nam”, ông Kiện nhớ lại. Sau một ngày đêm trinh sát thực địa, đêm 27-4, ông Kiện chỉ huy gần 200 chiến sĩ đặc công, mặc quần xà lỏn, mình phủ đầy bùn đất và bùn rác bí mật đánh chiếm mục tiêu. Ngay từ phút đầu, ta chiếm chốt chặn hai đầu cầu. Sau đó, địch phản kích dữ dội, hàng chục khẩu pháo từ Nhơn Trạch, Sóng Thần và Liên trường Thủ Đức cấp tập bắn vào trận địa của ta. Pháo địch vừa dứt, trên bầu trời lại xuất hiện từng tốp trực thăng vũ trang thi nhau phóng hỏa tiễn và bắn đại liên xuống các vị trí quân ta chốt giữ. Để bảo toàn lực lượng, được sự yểm trợ của lực lượng Z22, Z23 đến trưa 28-4, ông Kiện chỉ huy lực lượng của ta rút lui ra khỏi tầm hỏa lực truy đuổi của địch, về gò đất rạch Ruột Ngựa để hội quân và rút kinh nghiệm.
Sau khi đánh giá lại toàn bộ tình hình, đêm 29-4, ông Kiện tiếp tục chỉ huy lực lượng ở ba hướng trên bộ và dưới sông tiến công chiếm và bảo vệ cầu, buộc quân địch tháo chạy. Đúng 9 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, những chiếc xe tăng của Lữ đoàn 203, Quân đoàn 2 xuất hiện. Khi chiếc xe tăng đầu tiên cắm cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam lăn bánh trên chiếc cầu Rạch Chiếc, ông Kiện và các đồng đội sung sướng, hạnh phúc reo hò: “Thắng rồi…”.
Chiến tranh đã lùi xa, những ước nguyện của nhiều người đối với anh linh những chiến sĩ đã hy sinh bên dòng Rạch Chiếc đã thành hiện thực khi chính quyền TP Hồ Chí Minh quy hoạch, đầu tư Khu tưởng niệm mới có diện tích rộng hơn 1ha, có khuôn viên cây xanh, do đơn vị công ích của quận 2 quản lý, chăm sóc từ năm 2016. Dưới cái nắng như đổ lửa, những nhân viên công ty vừa cần mẫn vệ sinh, cắt tỉa cây cảnh, trang trí lại khu tưởng niệm vừa chia sẻ niềm tự hào về các chiến sĩ Quân Giải phóng, vinh dự được tham gia chăm sóc, bảo quản khu tưởng niệm. Tháng Tư về, bên dòng sông này lại đón nhiều thân nhân liệt sĩ, đồng đội cũ, cán bộ chính quyền địa phương và người dân TP Hồ Chí Minh đến thắp hương tri ân, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Nhiều vòng hoa được thả xuống dòng Rạch Chiếc gợi cho chúng tôi cảm xúc thật linh thiêng về một chiến công lớn, sự hy sinh, quả cảm của các chiến sĩ trước ngày đại thắng…
Bài ảnh: BẢO MINH