QĐND - Du khách thường biết đến Đồ Sơn với những bãi tắm thơ mộng và những rừng thông xanh mướt, song còn ít người biết đến nơi đây ẩn chứa những di tích lịch sử. Đó là K15 - Bến tàu Không số (nằm ở đầu bán đảo Đồ Sơn), nơi xuất phát của những con tàu không số chở hàng hóa, vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ.

Ngày 18-8-1960, một con tàu gỗ gắn động cơ xuất phát từ Cồn Tra, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, Bến Tre, mở đường đầu tiên (thời kỳ chống Mỹ) ra Bắc để xin chi viện vũ khí. Trên tàu gồm có 8 đồng chí, do đồng chí Lê Công là bí thư chi bộ kiêm thuyền trưởng. Mật khẩu vượt biển vào lãnh hải miền Bắc xã hội chủ nghĩa là: “Đơn vị 106B đi tìm anh 3D”. Sau 4 ngày đêm vượt trùng dương, tàu của đồng chí Lê Công đến miền Bắc an toàn, cuộc hải hành trên được hoàn toàn giữ kín.

Chiều về trên bến K15.Ảnh: Tuấn Nguyễn

Đến miền Bắc, các đồng chí của tàu Lê Công ở lại đây gần hai năm học đường lối, chủ trương của Đảng lúc bấy giờ. Sau đó, các đồng chí trên được đưa đến bến K15 chờ bố trí tàu vận chuyển vũ khí vào Nam

Tại Cà Mau, ngày 20-7-1961, đồng chí Bông Văn Dĩa được Khu ủy Khu 8 và Tỉnh ủy Cà Mau cử ra Bắc cũng bằng con đường biển trên để liên hệ Trung ương chở vũ khí vào Cà Mau. Cũng giống như tàu của đồng chí Lê Công, số đồng chí trên tàu của đồng chí Bông Văn Dĩa được bố trí đến bến Đồ Sơn, chờ lệnh xuất phát về Nam

Tại bến Đồ Sơn, đêm 11-10-1962, chiếc tàu gỗ gắn máy mang tên “Phương Đông 1” chở 30 tấn vũ khí do thuyền trưởng Lê Văn Một và chính trị viên Bông Văn Dĩa chỉ huy, xuất phát lên đường vào Nam. Trước khi xuất phát, các đồng chí Phạm Hùng, Nguyễn Chí Thanh, Trần Văn Trà đến bến cảng Đồ Sơn động viên cán bộ, chiến sĩ trên tàu. Đồng chí Phạm Hùng nói: “… Các đồng chí là những người đầu tiên mở ra con đường biển Bắc - Nam này… Nó cũng giống như trên Trường Sơn kia, các đồng chí là những người tiên phong đi khai sơn phá thạch”.

Sau 5 ngày vượt biển Đông, ngày 16-10-1962, tàu đến cửa Bồ Đề và cập bến Vàm Lũng, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau, an toàn. Đây là chuyến chở vũ khí đầu tiên vào Nam bằng đường biển và con đường vận tải chiến lược trên biển Đông chính thức ra đời. Sau này, đồng chí Bông Văn Dĩa được tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân.

Kế đến, ngày 11-11-1962, tàu của đồng chí Lê Công được lệnh vào Nam, chở theo 75 tấn vũ khí. Ngày 18-11-1962, tàu cặp bến an toàn tại Vàm Lũng, Cà Mau. Đây là chuyến thứ hai chở vũ khí vào Nam thành công sau chuyến đầu tiên “Phương Đông 1” của đồng chí Bông Văn Dĩa. Tàu này còn có mật danh là ”Phương Đông 2”.

Sau những chuyến tàu chở vũ khí đầu tiên do chính các đồng chí từ Nam xin chi viện thành công, tại Đồ Sơn đã có 168 lượt tàu xuất phát “chở hàng” chi viện cho chiến trường miền Nam tại các bến: Tân Ân (Cà Mau), Thạnh Phong (Bến Tre), Vũng Rô (Phú Yên), Lộc An (Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu), Đức Phổ, Sa Kỳ, Ba Làng An (Quảng Ngãi). Tất cả đã vận chuyển hàng ngàn tấn vũ khí và hàng ngàn cán bộ cốt cán cho chiến trường miền Nam, góp phần làm nên nhiều chiến công vang dội.

Ngày nay, bến tàu Không số ở chân đồi Vạn Hoa cạnh thung lũng xanh, hiện có khách sạn 100 phòng của Công ty Du lịch quốc tế Đồ Sơn. Dấu tích cầu cảng K15 xưa nay còn lưu lại là 15 trụ bê-tông cầu cảng, cách mép bờ khoảng 30m. Còn phía trên bờ là một số nền móng kho hàng, bể nước. Tượng đài kỷ niệm đường Hồ Chí Minh trên biển và di tích bến tàu Không số K15 những năm gần đây đón hàng chục nghìn lượt du khách đến tham quan, không những mở hướng phát triển du lịch mà còn trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống lịch sử cho các thế hệ trẻ hôm nay, nhớ về những chiến công chói lọi của quân và dân ta trong công cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.

Phương Hoa