Khác hẳn với hình ảnh lộng lẫy, xinh đẹp khi đạt thành tích cao nhất của Việt Nam tại Cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ cách đây 3 năm, những ngày này, H’Hen Niê giản dị, tích cực trong vai trò tình nguyện viên tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19. Lúc thì đi chợ giúp người dân, lúc chuẩn bị suất ăn rồi rửa bát trong bếp ăn từ thiện, bê vác những thùng hàng, bao gạo như một người chuyên lao động tay chân, chẳng nề hà việc gì; lúc lại trong bộ đồ phòng hộ kín mít hỗ trợ ở khu vực lấy mẫu xét nghiệm, trong các khu vực phong tỏa, khu vực tiêm vaccine...; buổi tối lại trong trang phục thổ cẩm dân tộc Ê Đê livestream trên Facebook giúp kết nối tiêu thụ nông sản cho người dân và giúp gửi tặng lại người cần ở vùng dịch trong Chương trình "Kết nối nông sản-San sẻ yêu thương-Chung tay vượt qua đại dịch”... Khi được phỏng vấn, H’Hen Niê đã chia sẻ rằng, dù một ngày là hoa hậu cũng mang theo mình những trách nhiệm, nhưng giá trị cốt lõi của công tác thiện nguyện chính là quên đi hình ảnh hoa hậu hay người nổi tiếng, hãy làm vì trái tim, vì tấm lòng giúp đỡ mọi người.

leftcenterrightdel

Hoa hậu H'Hen Niê tích cực tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch.

Ảnh từ facebook nhân vật 

Chẳng ai yêu cầu H’Hen phải làm những việc đó, dù chị mang trên đầu chiếc vương miện hoa hậu. Hoặc nếu bởi trách nhiệm, chị cũng có thể chọn cách gửi một khoản tiền vào Quỹ phòng, chống dịch Covid-19, rồi ở nhà, đóng cửa hưởng thụ những ngày nghỉ ngơi, không phải bận rộn. Nhưng chắc rằng trái tim H’Hen đã “bắt” chị phải hành động, dù nhỏ thôi bằng những việc làm thực tế nhất. Tại đêm chung kết Hoa hậu Hoàn vũ 2018, cú xoay người “thần thánh” trong bộ đầm vàng, sự tự tin của cô gái Ê Đê H’Hen Niê từng khiến công chúng thế giới phải trầm trồ, ngơ ngẩn. Vẫn cô gái ấy, ở giữa tâm dịch, trong bộ quần áo đôi khi có phần xuề xòa, gương mặt rám nâu chẳng son phấn lại là hình ảnh đẹp, tỏa rạng chẳng lời nào tả xiết...

Rồi cũng nhờ việc lan tỏa những hành động đẹp mà gần đây chúng ta biết thêm nhiều người với việc làm thật ý nghĩa. Chẳng hạn như, ông chủ sạp rau quả “Minh Râu” ở Đồng Nai nhìn thì hầm hố đấy, nhưng nhiều năm nay tặng rau miễn phí tới người dân. “Khu vực hàng miễn phí ai cần cứ lấy đủ ăn”; “Rau muống miễn phí... 1kg theo mẫu... Lấy nhiều quá bị la, hihi”; “Ai mua thì bán, ai sin thì tặng”... Những dòng chữ anh viết trên tấm bìa có khi chưa đúng chính tả nhưng đẹp và làm ấm lòng bất cứ ai nhìn thấy.

Nhiều người hẳn vẫn chưa quên hồi đầu năm khi Hải Dương là tâm dịch, hàng chục nghìn tấn nông sản của bà con gặp khó khăn trong tiêu thụ. Lập tức xuất hiện bao tổ chức, cá nhân đứng ra hỗ trợ đưa nông sản từ vùng dịch bị phong tỏa đến tay người tiêu dùng. Cạnh nhà tôi có chị lâu nay hay làm thiện nguyện, giúp đỡ những trường hợp khó khăn. Dịp ấy, chị tất bật đi làm các thủ tục cần thiết rồi hỗ trợ tiêu thụ hàng trăm tấn rau, củ, quả. Hết nông sản ở Hải Dương lại đến vải, rồi dưa, khoai... từ các địa phương khác. Mấy ai biết, chị đang điều trị ung thư, có bệnh nền phổi... mệt đấy, nhưng chị vui. Sau những đợt cả nước chung tay “giải cứu” nông sản, chẳng những người trồng vui, người giúp bán vui mà người mua cũng phấn khởi, ầm ầm kéo đến, chẳng mấy chốc khuân sạch bách cả hàng.  

Thời gian qua, cùng hàng nghìn nhân viên y tế, sinh viên y khoa, chiến sĩ công an, bộ đội, đã có bao người từ các tỉnh, thành phố trên cả nước, chưa cần đến những lời kêu gọi, nguyện lao vào tâm dịch “chia lửa” cùng Bắc Giang. Có những chiếc xe cứu thương tư nhân được lái xuyên ngày đêm từ miền Trung ra chi viện; có những người trốn gia đình đến đây mong được tiếp sức; những học viên quân y viết đơn xin được ra “mặt trận” chống dịch... Có lần tôi hỏi chuyện anh Vũ Trung Hiếu (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) về việc anh ủng hộ 100 triệu đồng rồi trực tiếp tới Bắc Giang làm tình nguyện viên phòng, chống dịch, anh hiền lành: “Mình làm nghề nhôm kính, thu nhập bình thường, cuộc sống ổn định. Có gì đáng nói đâu, đó là những việc làm bình thường mà. Thấy việc nên làm thì mình làm thôi”. Làm việc nên làm. Đơn giản vậy thôi cũng đủ khiến bất cứ ai suy nghĩ, nhất là trong thời gian cả nước chung sức đồng lòng để chiến thắng dịch bệnh. Đất nước ta đã và đang có biết bao nhiêu “việc làm bình thường” như thế, không phải ở nhiều hay ít, mà những con người, những việc làm ý nghĩa ấy luôn mang những giá trị vô giá.

HOÀNG DƯƠNG

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP)