Cuộc cạnh tranh khốc liệt

Bức tranh chung của điện ảnh Việt Nam có nhiều gam màu, kể cả gam màu đối nghịch, nhưng gam màu chủ đạo chung vẫn là sự tươi sáng, phát triển. Năm 2010, Việt Nam sản xuất 17 phim truyện chiếu rạp năm 2018, 2019, mỗi năm sản xuất trên dưới 40 phim. Nếu như trước đây, phim truyện Việt Nam được sản xuất hoàn toàn bằng kinh phí của Nhà nước thì hiện nay, nhờ chủ trương xã hội hóa, hoạt động điện ảnh các phim truyện được làm chủ yếu bằng kinh phí tư nhân (năm 2016, 2017, 2018 không có phim truyện nào làm bằng kinh phí Nhà nước, năm 2019 chỉ có 2 phim).

leftcenterrightdel
Cảnh trong phim “Người trở về” của đạo diễn Đặng Thái Huyền. Ảnh do đoàn làm phim cung cấp

Sau khi Luật Điện ảnh được Quốc hội thông qua và có hiệu lực, nhiều hãng phim tư nhân đã chính thức ra đời, không còn tình trạng tư nhân phải núp bóng các hãng của Nhà nước để làm phim. Quy luật thị trường sòng phẳng và nghiệt ngã chi phối sự tồn tại, phát triển của các hãng phim này. Năm 2010 có 65 hãng phim tư nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phim. Năm 2018 có 33 hãng phim. Nhiều hãng phim tư nhân quan tâm tới xây dựng thương hiệu thông qua chất lượng phim đã có chỗ đứng trong lòng khán giả. Phim “Em chưa 18”, “Song lang”-các giải Bông sen vàng Liên hoan phim quốc gia các kỳ liên hoan phim gần đây đều thuộc về các hãng phim tư nhân.

Đề tài phim truyện Việt Nam đã phong phú hơn, đã có những phim thành công, như: “Những người viết huyền thoại”, “Mùi cỏ cháy”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Hai Phượng”, “Mắt biếc”, “Song lang”... Những phim độc lập được dư luận quan tâm, như: “Bi, đừng sợ”, “Đập cánh giữa không trung”, “Cha cõng con”... Bên cạnh đó, đề tài truyền thống cách mạng và lực lượng vũ trang chứa đựng năng lượng tinh thần của nhiều thế hệ đã được một số tác giả trẻ không qua chiến tranh khai thác một cách đầy xúc động. Có thể kể đến các phim như: “Người trở về”, “Huyền thoại Quán Tiên” của các biên kịch, đạo diễn trẻ Nguyễn Thu Dung, Đặng Thái Huyền, Đinh Tuấn Vũ...

Qua từng năm, sự tìm tòi nghệ thuật, chất lượng nghệ thuật và kỹ thuật đã được các nhà điện ảnh Việt Nam quan tâm nhiều hơn. Về kỹ thuật, nhìn chung phim truyện Việt Nam đã đạt được mặt bằng kỹ thuật chung của khu vực. Trong một số phim Việt Nam, đã xuất hiện sự tham gia của các chuyên gia, các nhà chuyên môn người nước ngoài, có nhiều kinh nghiệm, được đào tạo bài bản. Như vậy, không chỉ bóng đá Việt Nam có cầu thủ ngoại mà trong lĩnh vực điện ảnh cũng đã xuất hiện, tất nhiên vị trí, vai trò của họ trong mỗi bộ phim có đặc thù riêng.

Vai trò của người xem, sự ủng hộ của người xem những năm qua được đặc biệt quan tâm bởi yếu tố này quyết định sự thành bại của một bộ phim. Với nhiều dự án phim truyện, một trong những câu hỏi đầu tiên phải trả lời là: Người xem có thích không? Điều này đã thay đổi tư duy làm phim, tư duy sáng tạo cũng như tư duy tổ chức sản xuất một bộ phim.

Trả lời câu hỏi ấy không dễ, nhất là trong bối cảnh hôm nay người xem có rất nhiều lựa chọn: Có thể xem phim trong các rạp, có thể xem phim qua truyền hình, qua truyền hình trả tiền, xem phim qua internet, có thể xem trực tuyến các phim truyện của những tổ chức kinh doanh trên toàn cầu.

Ngay trong màn ảnh chiếu rạp, các nhà làm phim điện ảnh Việt Nam cũng phải chấp nhận cuộc cạnh tranh khốc liệt. Năm 2010, trên màn ảnh chiếu rạp có 108 phim truyện nhập khẩu từ các nước, năm 2018 có 234 phim nhập khẩu... Những nước có phim xuất khẩu đều là những nước có nền công nghiệp điện ảnh rất phát triển.

Đầu tư trong lĩnh vực làm phim truyện chiếu rạp là đầu tư sáng tạo, hết sức mạo hiểm, đầy rủi ro. Áp lực cạnh tranh khán giả đòi hỏi tác phẩm phim truyện phải được đông đảo người xem chấp nhận. Làm phim, không thu hồi được vốn, cơ sở sản xuất phim khó tránh khỏi phá sản. Đó là sự phát triển rất khác so với thời làm phim bao cấp, tất cả trông chờ dựa vào “bầu sữa” bao cấp của Nhà nước.

Trong cuộc cạnh tranh này, không ít phim thua lỗ nhưng một số phim đã bứt phá, phá kỷ lục ngoạn mục doanh thu phòng vé, cạnh tranh với các phim ăn khách của nước ngoài trên màn ảnh Việt, với những con số ấn tượng chưa từng có trước đây. Phim “Hai Phượng” năm 2019 thu 200 tỷ đồng, “Cua lại vợ bầu” năm 2019 thu 191,8 tỷ đồng, “Mắt biếc” năm 2019 thu 180 tỷ đồng, “Tiệc trăng máu” năm 2020 trong bối cảnh Covid-19, chỉ một thời gian ngắn thu 150 tỷ đồng... Tại buổi tọa đàm “Thúc đẩy điện ảnh Việt hậu Covid-19” do Cục Điện ảnh tổ chức đã có một chuyên gia thông tin rằng, năm 2019 phim Việt chỉ 5 phim có lời còn đa phần là lỗ. Tính trung bình năm 2019, “doanh thu các phim Việt là hòa vốn”.

Sẽ không hiểu hết được những nỗ lực lớn lao của các nhà điện ảnh Việt Nam nếu như không hiểu sự tăng trưởng và sức nóng của thị trường điện ảnh. Năm 2010, ta có 18 rạp, 91 màn ảnh; năm 2018, có 180 rạp với 931 màn ảnh; năm 2019, có hơn 1.000 màn ảnh. Như vậy, trong 10 năm, số lượng rạp, màn ảnh đã tăng gấp hơn 10 lần. Chất lượng các rạp thay đổi khá căn bản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của người xem. Điều đáng chú ý, các rạp chiếu phim do các doanh nghiệp nước ngoài làm chủ chiếm một thị phần rất lớn (khoảng 70%)... Tổng doanh thu chiếu bóng trên màn ảnh Việt Nam năm 2010 là 518 tỷ đồng, trong đó phim Việt thu 113 tỷ đồng. Năm 2018, tổng doanh thu chiếu bóng trên thị trường Việt Nam là 3.253 tỷ đồng, trong đó phim Việt thu 750 tỷ đồng. Năm 2019, tổng doanh thu thị trường chiếu bóng là 4.148 tỷ đồng... Nghiên cứu thị trường chiếu bóng ở Việt Nam, có tổ chức quốc tế đánh giá là một trong 10 thị trường năng động tăng trưởng nhất toàn cầu. Doanh thu phòng vé của phim Việt Nam là điều mà nhiều người trước đây không nghĩ tới.

Bức tranh điện ảnh cần phải nói đến các đội chiếu bóng lưu động, trong đó lực lượng chiếu bóng lưu động của quân đội chiếm một phần rất lớn. Trong 10 năm qua, mỗi năm trung bình phục vụ 5 vạn buổi chiếu cho khoảng 11 triệu người xem. Những buổi chiếu cho nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa đã mang đến cho người xem những giá trị tinh thần không thể tính được bằng tiền.

Cần kết tinh những giá trị văn hóa dân tộc

Sự phát triển điện ảnh như đã nêu trên là rất đáng trân trọng. Qua đó có thể thấy, tất cả đang hướng tới xây dựng công nghiệp điện ảnh thành một ngành mũi nhọn của công nghiệp văn hóa ở Việt Nam. Nhưng tất cả chỉ là những bước đi ban đầu. Trên bức tranh chung của sự phát triển ấy đang chứa đựng những mâu thuẫn, những vấn đề không thể không suy nghĩ.

Nhìn vào tổng danh mục phim Việt Nam sản xuất hằng năm dễ dàng nhìn thấy ngày càng vắng dần phim đề tài truyền thống cách mạng và kháng chiến. Điện ảnh Việt Nam hiện nay còn thiếu vắng các bộ phim gắn liền với những vấn đề căn cốt của dân tộc, chưa có nhiều phim ẩn chứa những triết lý sâu sắc về nhân cách con người Việt Nam, về hệ giá trị đạo đức tinh thần của người Việt Nam trong thời đại mới, trong không gian sinh tồn mới với những thách thức mới.

Xu hướng chung của phim Việt vẫn là xu hướng giải trí thương mại. Phim của các hãng phim tư nhân, phim ma, phim kinh dị, phim hành động, phim đồng tính, phim hài, phim tình cảm, dù đề tài, dù câu chuyện có thể lạ so với truyền thống, dù thể loại có thể mới nhưng tất cả đều chỉ hướng tới mục đích giải trí, thương mại. Sản phẩm điện ảnh là hàng hóa nhưng đó là hàng hóa đặc thù. Sản phẩm văn hóa này đòi hỏi sự kết tinh những giá trị văn hóa. Nghệ thuật có nhiều chức năng trong đó có chức năng giải trí. Nhưng giải trí trong nghệ thuật không chỉ vui là chính. Các nhà điện ảnh Mỹ quan niệm điện ảnh là giải trí. Bằng con thuyền giải trí, phim của họ đi khắp thế giới, mang theo những giá trị Mỹ. Rõ ràng, những bộ phim giải trí này không phải chỉ là giải trí thương mại đơn thuần. Người xem thế giới nhìn thấy nhiều vấn đề căn cốt của nước Mỹ trên màn ảnh. Chúng ta thấy nước Mỹ trong Chiến tranh thế giới thứ hai qua “Giải cứu binh nhì Rian”, thấy nước Mỹ trong cuộc chiến vùng Vịnh qua phim “Bão táp sa mạc”...

leftcenterrightdel
Cảnh trong phim “Mắt biếc” của đạo diễn Victor Vũ.

Có thể thấy, quan niệm phim giải trí của phim Việt đang còn rất hạn hẹp. Về thể chất, con người muốn khỏe mạnh phải được ăn đủ chất. Từng chất riêng không xấu, nhưng ăn mất cân đối sẽ dẫn tới béo phì, hoặc suy dinh dưỡng và những hệ lụy không đáng có. Trên lĩnh vực văn hóa, thiết nghĩ, các “món ăn tinh thần” cũng vậy. Tổng danh mục phim của chúng ta đang có sự mất cân đối, đang thiếu một cái tầm cần có của một nền điện ảnh, của một đất nước có nền văn hiến. Chúng ta làm nhiều phim nhưng rất hiếm nhân vật có sức sống lâu bền từ màn ảnh bước ra được với cuộc đời, hiếm có nhân vật điện ảnh được người xem các lứa tuổi nhớ tới và yêu mến, không có những nhân vật có khả năng đối thoại sâu sắc với những vui buồn, hạnh phúc của con người hôm nay.

Điện ảnh là một phần nhạy cảm của văn hóa mà văn hóa là sức mạnh nội sinh của dân tộc. Điện ảnh không thể bằng sức mạnh diệu kỳ của mình góp phần xây dựng nhân cách con người Việt Nam, góp phần tạo ra sức mạnh đạo đức tinh thần của con người Việt Nam, chuẩn bị cho người Việt từ sớm, từ xa, đủ phẩm chất và khả năng bảo vệ đất nước, hội nhập tự tin với bạn bè quốc tế... nếu điện ảnh chỉ làm chức năng giải trí hạn hẹp và nếu như tổng phim, mục phim Việt trên màn ảnh Việt Nam không có tầm nhìn sâu rộng về nội lực cần có trong hiện tại, tương lai của dân tộc.

Một tổng phim mục trên màn ảnh có giá trị nghệ thuật, có hiệu quả xã hội, nơi chứa đựng sức mạnh nội sinh của dân tộc, thiết nghĩ, những người làm điện ảnh, những người làm quản lý điện ảnh phải nghĩ tới trên con đường xây dựng nền công nghiệp điện ảnh.

Sửa đổi những điều không còn phù hợp trong Luật Điện ảnh, bổ sung hoàn thiện các chính sách đối với điện ảnh, giải quyết những vướng mắc trong cạnh tranh và cổ phần hóa, đổi mới đào tạo và bồi dưỡng nâng cao trình độ nguồn nhân lực... suy cho cùng đều phải hướng tới để Việt Nam có một nền điện ảnh hiện đại đồng hành với dân tộc trong chặng đường mới, có một tổng phim mục mà qua đấy, người xem Việt Nam tìm thấy sức mạnh tinh thần của mình, và qua đấy, bạn bè thế giới hiểu thêm về đất nước và con người Việt Nam.

Thập niên mới, dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc, chúng ta mong rằng điện ảnh Việt Nam, ngành công nghiệp điện ảnh sẽ phát triển xứng đáng với sự mong đợi của người xem.

PGS, TS TRẦN THANH HIỆP