“Cắm bản” tìm chất liệu sáng tác

Tôi tình cờ gặp Thiếu tá QNCN Trần Quý Hải trong một đêm gió lạnh. Hôm ấy, tôi về bản tìm hiểu đời sống của chiến sĩ biên phòng nơi phên giậu Tổ quốc, còn anh Hải đang trong những ngày tự nguyện lên “cắm bản” Rào Tre ở xã Hương Liên (Hương Khê, Hà Tĩnh), “4 cùng” với bà con dân tộc Chứt để lấy chất liệu viết kịch hát dân ca. Trò chuyện với anh, tôi hiểu thêm niềm đam mê, những thăng trầm và khát vọng của một người lính biên phòng yêu nghệ thuật truyền thống.

Bản Rào Tre về đêm tĩnh lặng, heo hút. Sương lạnh rơi dày phủ mờ trước hiên nhà tổ công tác biên phòng “cắm bản”. 12 giờ đêm, căn phòng nhỏ của anh Hải vẫn sáng đèn. Thấy anh trầm ngâm, tôi khẽ hỏi: “Trên này buồn quá phải không anh?”. Anh Hải mỉm cười: “Đúng là thế, nhưng cô đơn cũng giống như chất xúc tác để sáng tác vậy”. Có lẽ đó cũng là lý do trước mỗi hội diễn, anh Hải đều xin phép đơn vị, “báo cáo vợ con”, khăn gói lên đường, thâm nhập cơ sở để lấy chất liệu viết kịch hát dân ca.

leftcenterrightdel
Thiếu tá QNCN Trần Qúy Hải vui cùng em nhỏ ở bản Rào Tre

Trần Quý Hải sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, bố là đạo diễn sân khấu Trần Hoa Ban, nguyên Trưởng khoa Sân khấu, Trường Cao đẳng Văn hóa và Du lịch Nguyễn Du (Hà Tĩnh). Ngay từ nhỏ, Trần Quý Hải đã có điều kiện tiếp xúc với sân khấu dân ca từ những đêm diễn đi cùng bố mẹ. Bởi vậy, không ai ngạc nhiên khi vừa rời ghế THPT, Hải trở thành học viên của Khoa Kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh, Trường Cao đẳng Văn hóa và Du lịch Nguyễn Du. Năm 1996, lúc Hải đang là diễn viên của Đoàn Nghệ thuật Lâm Đồng thì bố anh đột ngột qua đời. Sau biến cố cuộc đời, anh được Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Võ Hồng Tuyên, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Hà Tĩnh (lúc bấy giờ) tuyển chọn vào Đội Tuyên truyền văn hóa của BĐBP tỉnh. Lửa thử vàng, năm 1999, BĐBP tỉnh xây dựng chương trình liên hoan kỷ niệm, trong đó có màn sử thi “40 năm BĐBP tỉnh Hà Tĩnh”, Hải may mắn được chọn vào vai diễn người chỉ huy trưởng bắt “phỉ”. Vai diễn thành công hơn mong đợi. Sau lần đó, Hải đăng ký dự thi và đỗ thủ khoa ngành đạo diễn sân khấu của Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (nay là Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội).

Dấu ấn người thầy

Cho đến bây giờ, những cử chỉ, lời nói của người thầy quá cố-Thiếu tướng, nhạc sĩ An Thuyên và cô Huyền Lâm (vợ thầy An Thuyên) vẫn còn nguyên giá trị và theo Trần Quý Hải trong suốt sự nghiệp. Cô Huyền Lâm vốn là đồng nghiệp với đạo diễn Trần Hoa Ban. Bởi vậy, khi biết tin Hải học tại trường, thầy An Thuyên và cô Huyền Lâm rất yêu quý và xem anh như con cái trong gia đình. Hải tâm sự: “Ở cùng nhà thầy cô mới thấy họ là những nghệ sĩ lớn nhưng cuộc sống lại vô cùng giản dị. Cô Lâm thường xuyên dạy tôi nấu ăn với lý do “đàn ông cũng phải biết giúp vợ việc nội trợ”. Trước mỗi giờ đi làm, cô Lâm viết những mảnh giấy nhỏ dán lên góc tủ hướng dẫn tôi cách chế biến từng món ăn. Cô cũng là người đầu tiên truyền cho tôi cảm hứng, kỹ năng của một đạo diễn sân khấu. Tôi nhớ mãi lời cô, rằng: Nghệ thuật sân khấu không phải là điều gì to tát mà hãy lấy chính cuộc sống hằng ngày để xây dựng tác phẩm, để người xem thấy mình trong đó, thế mới thành công”.

Với thầy An Thuyên, đó là sự dân dã, mộc mạc nhưng rất đời và uyên thâm. Có một lần Hải được thầy dẫn đến Sư đoàn 308. Đến đơn vị nhưng thầy không lên sở chỉ huy ngay mà đi một vòng tham quan, gặp gỡ bộ đội. Gặp tốp chiến sĩ, ông hỏi: “Hôm nay tâm trạng anh em thế nào nhỉ?”. Chiến sĩ đồng thanh: “Dạ, rất vui thủ trưởng ạ”. “Tốt quá, vui thì ta hát với nhau thôi”. Nói rồi thầy Thuyên cất nhịp cùng hát với bộ đội. Trên đường về, thầy ân cần khuyên Hải phải nắm rõ nét phong tục, tập quán của từng địa phương nơi mình đến. Sân khấu cũng như cuộc đời, phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng với đồng bào thì mới viết được những tác phẩm hay. Những lời dặn dò năm xưa của thầy giờ trở thành hành trang trên con đường sáng tác của anh.

“Con tằm nhả những sợi tơ”

Chia tay mái trường nghệ thuật quân đội, Trần Quý Hải trở về BĐBP tỉnh Hà Tĩnh, đảm nhiệm chức vụ Đội phó và nay là Đội trưởng Đội Tuyên truyền văn hóa. Như con tằm nong kén đến ngày nhả tơ, anh xông xáo, đam mê sáng tác rất nhiều vở kịch hát dân ca trên cơ sở kế thừa các làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh.

Vở đầu tiên anh viết kịch bản, dàn dựng mang tên “Cảnh tỉnh” (thể loại kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh). Để có chất liệu viết kịch bản này, anh đã lên tận Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, sống với bà con nơi biên giới. Lúc bấy giờ, nạn rượu chè, cờ bạc, gây gổ đánh nhau, trộm cắp của một bộ phận người dân địa phương gây mất an ninh trật tự biên giới. Những cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo thành lập Câu lạc bộ Tình thương, kêu gọi, giúp bà con tránh xa tệ nạn, thay đổi nếp sống. Lấy cảm hứng từ câu chuyện nhân văn ấy, Trần Quý Hải viết vở kịch “Cảnh tỉnh”. Anh vừa là diễn viên, vừa là đạo diễn, biên tập âm nhạc, lần đầu tiên tham gia Liên hoan Đội tuyên truyền văn hóa tuyến biên giới, biển, đảo toàn quốc và đoạt Huy chương Vàng.

Năm 2012, kỷ niệm “Năm đoàn kết hữu nghị Việt-Lào”, trong chuyến công tác cùng đoàn của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sang huyện Khamkeuth, tỉnh Bolykhamxay (Lào), Trần Quý Hải đã vào bản Thoọng Pẹ cùng ăn ở với đồng bào hai ngày, một đêm. Ngoài chứng kiến những việc làm ý nghĩa của BĐBP Việt Nam trên đất bạn, anh đến nhà trưởng bản, xin được nghe vài làn điệu dân ca của Lào rồi ghi âm lại. Về Việt Nam, Trần Quý Hải dựng vở “Bình minh trên Thoọng Pẹ”, kết hợp giai điệu dân ca của hai nước. Với ca từ mộc mạc, phản ánh sâu sắc tình cảm quân-dân hai nước, đây cũng là tác phẩm đầu tiên của Đội Tuyên truyền văn hóa BĐBP viết về tình hữu nghị Việt-Lào. Tác phẩm đoạt Huy chương Vàng trong Liên hoan Đội tuyên truyền văn hóa tuyến biên giới, biển, đảo toàn quốc năm 2012, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng bằng khen.

Gần đây, sau thành công của vở “Tìm lại lời ru” viết về nạn hôn nhân cận huyết thống dưới chân núi Ka Đay, bản Rào Tre, Trần Quý Hải cho ra mắt vở kịch hát dân ca “Miền quê đáng sống”. Tác phẩm được anh dàn dựng công phu với hai phần, kết hợp ca múa nhạc và kịch. Lấy chất liệu từ miền quê Nghi Xuân (Hà Tĩnh) trước nạn đi xuất khẩu lao động bất hợp pháp, tác phẩm là lời cảnh tỉnh và tiếng nói lương tri bảo vệ những giá trị gia đình, đạo đức. Tác phẩm giành giải nhất toàn đoàn Liên hoan Đội tuyên truyền văn hóa tuyến biên giới, biển, đảo toàn quốc năm 2018.

Chia tay Trần Quý Hải dưới chân núi Ka Đay trong buổi chiều sương khói bảng lảng, bên những ngôi nhà sàn ở bản Rào Tre, đâu đó ngân vang một khúc dân ca ví, giặm khiến tình người thêm sâu nặng. Anh bắt tay chúng tôi và nói đang lên kế hoạch mở một lớp học dân ca Nghệ Tĩnh trên tuyến biên giới Hà Tĩnh. Tôi cầu chúc cho dự định của anh sớm thành hiện thực, để tiếng dân ca ví, giặm vọng mãi trên ngọn núi Ka Đay…

Bài và ảnh: PHẠM KIÊN