Trực tuyến có giám sát

Năm học vừa qua, các trường THCS và THPT ở Đà Nẵng đều tổ chức cho các khối lớp (trừ khối 9 và khối 12) làm bài kiểm tra cuối học kỳ II theo hình thức trực tuyến. Gần như các trường đều sử dụng phần mềm có ghi hình khi học sinh làm bài.

Chị Lê Thị Hải Lý (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) có hai con tham gia kiểm tra trực tuyến ở cả hai bậc học, nhận xét: "Trong thời gian ngắn mà các trường đã có kế hoạch và triển khai hình thức thi trực tuyến khá tốt, trong đó vai trò của giáo viên chủ nhiệm rất quan trọng. Đây là đầu mối giải quyết tất cả vướng mắc cũng như hỗ trợ tốt cho phụ huynh và học sinh. Vấn đề lo ngại là sự công bằng và trung thực trong kết quả thi. Vẫn biết nhà trường sẽ đánh giá dựa vào năng lực học của học sinh trong cả năm nhưng không ai dám chắc các con không sử dụng tài liệu hoặc có sự hỗ trợ của người lớn. Trừ môn Ngữ văn làm theo hình thức tự luận, các môn khác gần như 100% là câu hỏi trắc nghiệm. Với số lượng câu hỏi so với thời gian làm bài thi thì các con khó xoay xở tài liệu nhưng người lớn có thể hỗ trợ"...

Với bậc tiểu học, các trường học ở Đà Nẵng nhờ phụ huynh đến trường nhận bài kiểm tra về nhà cho học sinh làm, thực hiện yêu cầu giãn cách khi nhận bài và nộp lại bài. Trong trang đầu của tập đề kiểm tra của tất cả học sinh tiểu học đều có một trang in sẵn gửi thông điệp của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Đà Nẵng đến phụ huynh học sinh, trong đó nhấn mạnh: “Đánh giá học sinh là cả quá trình, kết hợp giữa đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ. Đánh giá thường xuyên là quan trọng, bài kiểm tra định kỳ chỉ là một điều kiện, không quyết định hoàn toàn việc đánh giá cuối năm đối với học sinh. Vì vậy, trong khi kiểm tra tại nhà, học sinh phải tự giác, nghiêm túc tự làm bài, không có sự tham gia của cha mẹ, anh chị, người thân hoặc bạn bè. Nếu kết quả bài kiểm tra bất thường so với quá trình đánh giá thường xuyên thì giáo viên đề xuất với nhà trường cho học sinh làm bài kiểm tra khác để đánh giá đúng kết quả học tập của học sinh...".

leftcenterrightdel

Giáo viên giám sát các phòng thi trực tuyến và hỗ trợ kỹ thuật cho học sinh tại Trường THCS Kim Đồng (Hải Châu, Đà Nẵng).

 

Kỳ vọng về công nghệ thông tin
Chị Nguyễn Thị Thanh Tâm, có con đang học lớp 6 Trường THCS Nguyễn Văn Cừ (quận Sơn Trà), bày tỏ: “Thi trực tuyến đòi hỏi học sinh phải có hai thiết bị (một điện thoại thông minh, một máy vi tính hoặc là hai điện thoại thông minh). Điều này không phải gia đình nào cũng có thể đáp ứng được. Đó là chưa kể thiết bị mạng hoặc điện thoại có thể bị trục trặc trong khi con đang làm bài. Do vậy, rất nhiều phụ huynh buộc phải xin nghỉ làm để hỗ trợ con, đề phòng gặp sự cố trong các buổi thi. Nếu khắc phục được các vấn đề này thì sẽ yên tâm".

Ngoài nội dung kiểm tra phần trắc nghiệm trên máy vi tính thì học sinh vẫn có những phần thi tự luận phải chụp ảnh nộp riêng cho cô giáo. Theo ý kiến của phụ huynh thì điều này chưa được tối ưu. Nếu tất cả bài thi được tải lên hệ thống thì sẽ khách quan hơn; nhà trường, phụ huynh, học sinh đều có thể tra soát được bài làm, hạn chế được gian lận.

Thực tế, đợt kiểm tra cuối học kỳ theo hình thức trực tuyến ở Đà Nẵng vừa qua đã đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, đề kiểm tra cũng được giảm tải phần nào. Với những học sinh không có phương tiện để làm bài trực tuyến, một số trường đã tạo điều kiện cho học sinh đến làm bài tại phòng Tin học của nhà trường. Kết quả của bài kiểm tra là tin cậy được và không có sự khác biệt đáng kể so với kết quả đánh giá thường xuyên, cũng không có học sinh nào buộc phải tổ chức kiểm tra lại. Từ cuộc tập dượt này linh động theo hoàn cảnh dịch Covid-19, nếu chuyên gia công nghệ và ngành giáo dục cùng phối hợp tiếp tục hoàn thiện, phát triển hệ thống thi trực tuyến thì chúng ta có thể tin tưởng vào sự tiện lợi, khách quan khi ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác kiểm tra, đánh giá học sinh.

Bài và ảnh: HÀ TRẦN