QĐND - Công chúng yêu nghệ thuật và giới Mỹ thuật Việt Nam vô cùng phấn khởi vì Hội đồng Bảo vật quốc gia đã quyết định công nhận tác phẩm tranh sơn mài của danh họa Việt Nam Nguyễn Sáng: “Kết nạp Đảng trong chiến hào Điện Biên Phủ” (1963, sơn mài, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) là một Bảo vật quốc gia.

Ấn tượng về bức tranh là đường nét khỏe khoắn, chất tạo hình hiện đại mà Nguyễn Sáng áp dụng bằng một chất liệu đậm đặc chất dân tộc, đó là sơn mài, nguyên liệu chủ yếu từ sơn ta (sơn Việt Nam), một chất liệu trước kia chỉ dùng được cho nghệ thuật trang trí đã được các họa sĩ Việt Nam sáng tạo để thành chất liệu cho nghệ thuật tạo hình. Bức tranh được ông sáng tác vào năm 1963 nghĩa là 9 năm sau chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Ấp ủ ý tưởng, ông đã chọn nhân vật điển hình, hoàn cảnh điển hình để khắc họa hình tượng người chiến sĩ-đảng viên cao đẹp và bình dị, những người trên trận tuyến.

Nguyễn Sáng tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1945. Trong Cách mạng Tháng Tám, ông đã có mặt tham gia giành chính quyền tại Hà Nội, tham gia vẽ tranh tuyên truyền, cổ động cách mạng, vẽ mẫu giấy bạc, sáng tác mẫu tem cho Chính phủ lâm thời. Năm 1946, ông cùng nhiều văn nghệ sĩ lên chiến khu tham gia kháng chiến. Những năm 1953-1954, Nguyễn Sáng đi Chiến dịch Điện Biên Phủ cùng nhiều họa sĩ như: Tô Ngọc Vân, Nguyễn Sỹ Ngọc, Nguyễn Quang Phòng… Hiện thực cách mạng, hiện thực kháng chiến đã tạo cho các văn nghệ sĩ trong đó có họa sĩ Nguyễn Sáng có bước chuyển trong tư tưởng, nghệ thuật. Trong hơn 100 di tác họa sĩ để lại có nhiều thể loại, đề tài nhưng nói đến tác phẩm của danh họa Nguyễn Sáng là phải kể đến những bức tranh gắn với lịch sử cách mạng Việt Nam. Ông đã dành phần lớn thời gian, sức lực, trí tuệ để sáng tác những tác phẩm mang chủ đề tư tưởng của thời đại.

Tác phẩm “Kết nạp Đảng trong chiến hào Điện Biên Phủ” của họa sĩ Nguyễn Sáng.

Trở lại bức tranh “Kết nạp Đảng trong chiến hào Điện Biên Phủ”, Nguyễn Sáng đã thể hiện vào năm 1963, lúc ấy ông 40 tuổi ở độ tuổi sung sức của sáng tạo. Họa sĩ đã tham gia chiến trường Điện Biên nên rất hiểu sự gian khổ, hy sinh của các chiến sĩ, sự ác liệt của chiến trường. Nguyễn Sáng đã chọn nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình, đó là lúc trận chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt, nhiều chiến sĩ bị thương. Trong hoàn cảnh cam go ấy, người chiến sĩ anh dũng được vinh dự kết nạp Đảng ngay tại công sự. Đảng tiếp cho các chiến sĩ thêm sức mạnh để anh siết chặt cây súng xông ra chiến hào chiến đấu với kẻ thù. 8 nhân vật được tác giả chia thành nhóm chính gồm 5 chiến sĩ, hai người bên phải đang tiến hành thủ tục kết nạp, một người ngẩng lên cảnh giới máy bay địch, hai chiến sĩ bên trái dìu và giới thiệu chiến sĩ được kết nạp. Góc tranh trước mặt là người chiến sĩ đang cõng đồng đội bị thương về công sự, phía xa một đồng chí bộ đội cầm súng xông lên phía trước. Vách chiến hào được vẽ bằng màu nâu đất, khoảng trời nhỏ bé trên cao được vẽ bằng màu vàng xỉn tạo không khí căng thẳng đến ngộp thở. Màu vàng ở nền đất tương phản với màu da của các nhân vật, nổi bật lên sự thô ráp, khỏe mạnh của những người chiến sĩ và cũng cho thấy sự vất vả, gian khổ trên chiến trường. Nhưng bao trùm là khí thế hiên ngang của các chiến sĩ Điện Biên. Màu đỏ-vàng của lá cờ Đảng treo trên vách hào là điểm nhấn, là sự lan tỏa ấm áp. Với cách tạo hình chắt lọc, giản dị, chỉ vài nét đơn giản Nguyễn Sáng đã phác họa nên một tác phẩm mang một tầm vóc lớn và khái quát thông qua hình tượng cô đọng. Họa sĩ rất giỏi thể hiện cái động trong cái tĩnh và ngược lại cho nên bức tranh khuôn khổ không lớn (112x180cm) nhưng ta thấy không gian như rộng mãi ra, lan tỏa.

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam-họa sĩ Trần Khánh Chương đã đánh giá: “Về mặt nghệ thuật, tác phẩm “Kết nạp Đảng trong chiến hào Điện Biên Phủ” của họa sĩ Nguyễn Sáng có sự tìm tòi sáng tạo, chuyển đổi phong cách so với những người cùng thời, bố cục lạ đẹp”. Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến thì nhận xét tác phẩm: “Giờ phút thiêng liêng ấy nằm trong thời điểm vô cùng căng thẳng, có thể người chiến sĩ đã bị thương, được kết nạp và cũng có thể một thời khắc sau đó anh hy sinh. Cho nên, hình tượng ấy lại càng thuyết phục hơn, càng làm cho tính tráng ca, tính sử thi mạnh lên rất nhiều. Ngôn ngữ biểu đạt của họa sĩ Nguyễn Sáng bao giờ cũng vậy. Ông gạn lọc tất cả những chi tiết làm cho hình tượng bé nhỏ, nâng được chi tiết ấy lên để cho hình tượng trở nên vĩ đại”. Họa sĩ sơn mài Hoàng Đình Tài-một “học trò” của Nguyễn Sáng nói: “Nguyễn Sáng đã đưa câu chuyện “kết nạp Đảng” lên chiến hào vì đây là Đảng của những người hành động, của những người con chiến đấu cho quê hương. Đảng của những người nông dân bị áp bức, bóc lột được ông vẽ bằng màu đất đai họ gieo trồng. Lúc bức tranh này mới ra đời thì bị phản đối vì ông vẽ người nông dân quá thực: Trán vuông, vai vuông, chân vuông. Nhưng những người nông dân Bắc Bộ là như vậy”.

Sinh thời danh họa Nguyễn Sáng rất tự hào về bức sơn mài này. Cùng với tập hợp các tác phẩm về chiến tranh cách mạng Việt Nam đã góp phần tôn vinh ông-một nghệ sĩ được đánh giá là một trong số những họa sĩ sớm giác ngộ trong cuộc đấu tranh cách mạng đi đầu trong lĩnh vực tư tưởng và nghệ thuật, đã tạo ra nhiều tác phẩm mang chủ đề tư tưởng xã hội và thời đại rõ nét… Kiệt tác “Kết nạp Đảng trong chiến hào Điện Biên Phủ” cùng các tác phẩm: “Thành đồng Tổ quốc” (1978, sơn mài, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam), “Bộ đội trú mưa” (1970, sơn mài, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) của danh họa Nguyễn Sáng đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học-nghệ thuật (đợt 1-1996).

Th.s TRẦN THỊ QUỲNH NHƯ